Vai trò và giá trị các làng truyền thống trong vùng lõi di sản Tràng An
Lượt xem: 494
Không gian lịch sử - văn hóa kinh đô Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình là không gian đặc biệt, gắn với kinh đô Hoa Lư, trung tâm chính trị - văn hóa của đất nước vào thế kỉ X. Đến năm 2014, UNESCO đã ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vì những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Những nét đặc trưng về địa chất - địa mạo kết quyện với các di tích lịch sử - văn hóa, thẩm mĩ của vùng đất cố đô đã nâng tầm giá trị có một không hai của toàn khu di sản.
anh tin bai

Nhà cổ trong vùng lõi Di sản thế giới Tràng An

Theo quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An do Chính phủ ban hành, danh thắng có diện tích đất tự nhiên 12.252ha; vùng lõi có diện tích 6.226ha. Vùng lõi di sản Tràng An nằm trong vùng nhân lõi của không gian lịch sử - văn hóa kinh đô Hoa Lư. Hiện nay vùng lõi này có khoảng 20.000 dân sinh sống. Đây là không gian của đô thành Hoa Lư xưa kia, nơi có quá trình tụ cư từ sớm, nơi mang đậm các dấu ấn văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ. Mặc dù đã từng có quá trình đô thị hóa diễn ra khá mạnh ở Hoa Lư, nhưng do nhiều biến thiên của lịch sử, hiện nay trong không gian vùng lõi di sản Tràng An đều là các làng xã và chủ yếu mang kết cấu kinh tế, xã hội, văn hóa của khu vực nông thôn. Do không gian lịch sử - văn hóa kinh đô Hoa Lư rộng hơn vùng lõi di sản Tràng An, do đó quá trình lịch sử, đời sống văn hóa ở các làng xã thuộc vùng lõi di sản luôn có quan hệ mật thiết, gắn bó hữu cơ với các lớp không gian rộng lớn tiếp giáp kinh thành Hoa Lư.

Những dấu vết khảo cổ học cho thấy từ khoảng 30.000 năm trước con người đã sinh sống ở đây. Cuộc sống ban đầu của họ đã cho thấy quá trình ứng xử với tự nhiên, thích ứng với môi trường đa dạng gồm núi, sông, biển. Cùng với thành tạo của tự nhiên, đến thời kì kim khí, hàng loạt các di tích khảo cổ học đã được phát hiện cho thấy quá trình tụ cư ở đây ngày càng mạnh mẽ. Quá trình sinh sống lâu đời đã tạo ra tiền đề góp phần hình thành những làng truyền thống ở không gian lịch sử - văn hóa kinh đô Hoa Lư nói chung và khu vực Tràng An nói riêng.

Giá trị văn hóa vật thể ở các làng truyền thống trong vùng lõi di sản Tràng An tồn tại với nhiều loại hình, thành tố nhưng nổi bật là cảnh quan, văn hóa sản xuất, di tích lịch sử - văn hóa. Cảnh quan ở đây nổi bật với sự hòa quyện, kết dính của cảnh quan tự nhiên lẫn cảnh quan nhân sinh, tức cảnh quan văn hóa. Văn hóa sản xuất dù đã trải qua nhiều thăng trầm từ nền thương mại của đô thị Hoa Lư xưa đến nay đã có phần mờ nhạt, nhưng văn hóa sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp lại khá nổi bật. Trong khi đó, các di tích lịch sử - văn hóa hiện còn tồn tại đã minh chứng cho quá trình lịch sử lâu dài trên vùng đất kinh đô xưa. 

Cảnh quan ở các làng truyền thống vùng lõi di sản Tràng An khá đặc sắc với cảnh quan tự nhiên và cảnh quan văn hóa. Các làng truyền thống vùng lõi di sản nằm ở khu vực có đặc điểm địa chất - địa mạo đặc biệt, đã hình thành từ hơn 250 triệu năm trước. Bên cạnh cảnh quan tự nhiên, cảnh quan văn hóa ở các làng vùng lõi di sản Tràng An cũng rất nổi bật. Có thể phân chia cảnh quan văn hóa thành không gian sản xuất, không gian tụ cư, không gian công cộng. Không gian sản xuất bao gồm khu vực đồng ruộng, khu vực sản xuất thủ công nghiệp. Không gian cảnh quan đồng ruộng kết hợp cùng cảnh quan tự nhiên tạo ra tính thẩm mĩ cao với cánh đồng, đặc biệt vào mùa lúa chín, với dòng sông, các ngọn núi đá vôi. Không gian tụ cư với nhiều loại hình phân bố nhà ở theo đường làng, ngõ xóm. Không gian công cộng khá đa dạng và độc đáo với các không gian tâm linh, đường làng, cầu, giếng… Sự tổng hợp giữa các loại hình không gian tạo ra cho cảnh quan văn hóa các làng truyền thống vùng lõi di sản Tràng An những nét riêng biệt, nhiều giá trị.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, mặc dù vốn từ sớm đã có truyền thống giao thương, nhưng đô thị Hoa Lư dần đánh mất vị thế của một trung tâm thương mại. Nhiều làng xã dần thay thế cho khung cảnh nhộn nhịp của đô thị Hoa Lư xưa kia. Đến nay, trong khu vực vùng lõi di sản Tràng An đều là không gian của các làng xã, trong đó có nhiều làng xã có truyền thống từ lâu đời. Các làng truyền thống trong vùng lõi di sản Tràng An, tức khu vực kinh đô xưa, vùng nhân lõi của không gian lịch sử - văn hóa kinh đô Hoa Lư, luôn ẩn chứa trong mình những giá trị nổi bật được gây dựng bởi khung cảnh thiên nhiên lẫn truyền thống lịch sử - văn hóa từ ngàn xưa. 

Bên cạnh giá trị văn hóa vật thể, giá trị văn hóa phi vật thể ở các làng truyền thống vùng lõi di sản Tràng An cũng rất nổi bật. Một số giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với loại hình di sản này gồm tôn giáo, tín ngưỡng; lễ hội; địa danh; truyện kể dân gian. Tôn giáo, tín ngưỡng ở các làng truyền thống này khá đa dạng, được hình thành từ lâu đời, gắn với quá trình lịch sử thời kì nhà Đinh - Tiền Lê. Lễ hội ở đây đặc sắc nhất là liên quan tới việc thờ phụng các vị vua thời Đinh - Tiền Lê. Địa danh trong các làng truyền thống ở đây khá đa dạng, phản ánh quá  trình tụ cư, đời sống văn hóa, hoạt động sản xuất. Trong các làng này là nơi xuất hiện, bảo lưu một số truyện dân gian, trong đó có các truyện liên quan đến thời kì lịch sử triều Đinh - Tiền Lê. 

TS Đặng Ngọc Hà - Đại học Quốc gia Hà Nội GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định rằng: Các làng truyền thống trong vùng lõi di sản Tràng An có những giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc được hội tụ từ quá trình lịch sử lâu đời, truyền thống văn hóa của vùng đất kinh đô xưa. Có thể nói rằng trước khi bước vào cuộc phục hưng văn hóa dân tộc lần thứ nhất ở thời kì Đại Việt, gắn liền với nhà Lý định đô, khởi dựng nền văn hóa Thăng Long thì đã có một giai đoạn văn hóa thời kì kinh đô Hoa Lư. Giai đoạn văn hóa thời kì kinh đô Hoa Lư đã đạt những thành tựu bước đầu của một cuộc phục hưng văn hóa dân tộc sau giai đoạn Bắc thuộc bị nô dịch, văn hóa thời kì Hoa Lư đã chuẩn bị, đặt nền nền móng cho cuộc đại phục hưng văn hóa dân tộc ở giai đoạn sau này. Những giá trị lịch sử - văn hóa của thời kì Hoa Lư phân bố trên phạm vi rộng nhưng không thể không nhắc tới vùng đất khởi sinh chính là không gian lịch sử - văn hóa kinh đô Hoa Lư mà các làng truyền thống trong vùng lõi di sản Tràng An ngày nay, tức phạm vi của kinh đô xưa, là nơi chứa đựng, lưu giữ, hiện tồn và lan tỏa nhiều giá trị nhất.

Sự hiện tồn của các giá trị lịch sử - văn hóa tại các làng xã truyền thống vùng lõi Tràng An cho thấy quá trình bảo vệ, lưu giữ di sản của biết bao thế hệ. Các giá trị lịch sử - văn hóa ấy ngày nay không còn khép kín trong mỗi con người, mỗi ngôi làng quê, mà đang tạo dựng động lực cho quá trình phát triển mạnh mẽ mà ngành công nghiệp văn hóa đang là đích hướng tới để vừa gìn giữ, làm giàu và phát huy các giá trị của các làng quê vùng lõi di sản Tràng An.

 

CTV Kim Liên
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH