Bước tiến vượt bậc của ngành Du lịch Ninh Bình theo định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Lượt xem: 49
Những thành tự của ngành du lịch Ninh Bình sau 10 năm thực hiện sự chỉ đạo, định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Ninh Bình cần tập trung phát triển du lịch, dịch vụ theo đúng tiềm năng thế mạnh. Đây là hướng công nghiệp hóa của Ninh Bình" chính là tình cảm, là lời tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đối với đồng chí Tổng Bí thư.

 

Bước tiến vượt bậc của ngành Du lịch Ninh Bình theo định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) cùng phu nhân và lãnh đạo tỉnh Ninh Bình thăm Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Thế Minh

Trong chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình ngày 20/1/2014 về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Ninh Bình có cả đồng bằng, miền núi và ven biển, có đầy đủ điều kiện phát triển nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp. Trong đó tỉnh có những lợi thế để phát triển du lịch như: Khu du lịch Tràng An - Bái Đính, Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, suối nước nóng, rừng Cúc Phương. Ninh Bình phải trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế... Chính vì thế, trong chiến lược phát triển kinh tế, tỉnh cần tập trung phát triển du lịch, dịch vụ theo đúng tiềm năng, thế mạnh của mình. Tổng Bí thư nhấn mạnh, du lịch là ngành công nghiệp không khói. Đây là hướng công nghiệp hóa của Ninh Bình. Không nên hiểu cứ phải xây dựng nhà máy mới là công nghiệp hóa.

Khắc ghi những chỉ đạo, định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển du lịch nói riêng, năm 2014, tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực bảo vệ thành công Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện tại. Từ khi Tràng An trở thành di sản thế giới đã tạo thế và lực mới cho du lịch Ninh Bình bứt phá. 

Kể từ khi được vinh danh, Tràng An thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong tỉnh, khẳng định được vị trí du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. 

Bước tiến vượt bậc của ngành công nghiệp không khói
Sau 10 năm phát triển (2014-2024), Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới (Trong ảnh: Du khách tham quan tại Khu du lịch sinh thái Tràng An). Ảnh: CTV 

 

Thời điểm khi Tràng An chưa được công nhận là di sản thế giới, Ninh Bình chỉ đón trên 1 triệu lượt khách/năm. Năm 2023, toàn tỉnh đã đón trên 6,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 6.500 tỷ đồng. Năm 2024, ngành Du lịch Ninh Bình đặt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt du khách, trong đó khách nội địa 6,6 triệu lượt, khách quốc tế 900 nghìn lượt; phấn đấu đạt doanh thu hơn 8.200 tỷ đồng.

Số liệu thống kê trên cho thấy, Di sản Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Những hiệu quả về kinh tế ở các khu di sản của Ninh Bình hiện nay đa phần đều thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.

Tràng An không chỉ là một điểm đến du lịch mà còn là nguồn cảm hứng và cơ hội cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa, từ du lịch văn hóa đến ẩm thực và điện ảnh... Sự hòa quyện giữa thiên nhiên, văn hóa và lịch sử tại đây tạo ra một môi trường đa dạng và phong phú cho việc khám phá và trải nghiệm. Cùng với đó, Tràng An là thỏi nam châm thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp vào lĩnh vực kinh doanh phát triển du lịch với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại một số điểm du lịch chính như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Tuyến du lịch Thạch Bích - Thung Nắng, Tuyến du lịch Bích Động - Hang Bụt, Khu du lịch sinh thái Vườn Chim - Thung Nham, Điểm du lịch động Thiên Hà, Khu du lịch Hang Múa, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính.

Bước tiến vượt bậc của ngành công nghiệp không khói
Với tiềm năng, lợi thế của mình, Ninh Bình trở thành điểm đến của các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch (Trong ảnh: Khu du lịch nghỉ dưỡng Vedana Cúc Phương Resort). Ảnh: CTV

 

Như vậy, với lợi thế là vùng đất có tài nguyên, địa hình đa dạng, phong phú và vô cùng hấp dẫn trên nền cảnh quan đặc sắc cùng bề dày lịch sử văn hóa nhân loại cũng như lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, một nền văn hóa Kinh kỳ - Đô hội còn tiếp nối, vang vọng đến ngày hôm nay, Ninh Bình đã nhập cuộc vào ngành "công nghiệp không khói" một cách mạnh mẽ. Trong quy hoạch du lịch Quốc gia, Ninh Bình được đánh giá ở vị trí cao, là "tứ giác" của đồng bằng Sông Hồng và là một trong những điểm đến hàng đầu Việt Nam.

Du lịch Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước, được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, hiếu khách và được yêu thích nhất. Mới đây nhất, tại giải thưởng Traveller Review Awards 2023 do Booking.com - ứng dụng đặt phòng có mặt tại 228 quốc gia và vùng lãnh thổ tổ chức, Ninh Bình là đại diện duy nhất ở châu Á lọt danh sách 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn Ninh Bình là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023; Vườn Quốc gia Cúc Phương 5 năm liên tiếp được vinh danh "Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á"...

Trên đà thành công của 10 năm qua, bước vào thời kỳ mới, Ninh Bình tiếp tục xác định trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2025, tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, tổng thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP của tỉnh. 

Cùng với đó, Ninh Bình đang từng bước thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục kiên định các mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng "Xanh, bền vững và hài hòa"; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển, để trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch của quốc gia và quốc tế; phát triển đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, trọng tâm là "Đô thị Di sản thiên niên kỷ".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã dành trọn đời mình vì nước, vì dân. Tổng Bí thư đã ra đi mãi mãi, nhưng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ luôn khắc ghi lời dạy, định hướng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp sức xây dựng quê hương, đất nước... Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2035, Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.


Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH