.

Kính gửi các quý vị độc giả, các du khách và nhà đầu tư:
Ninh Bình là một vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử cách đây hơn 30 ngàn năm. Những kết quả khảo cổ học mới được phát hiện tại Cố đô Hoa Lư và một số địa danh trong tỉnh đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nơi đây đã từng là một trị sở to lớn ngay từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, trước khi hình thành kinh đô Hoa Lư.
Năm 968, sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, chọn Hoa Lư làm kinh đô, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở nền chính thống quốc gia, đây là sự kiện hết sức trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là sự tiếp nối quốc thống của các vua Hùng.
Tiếp nối sự nghiệp của Triều Đinh, vua Lê Đại Hành đã phá Tống, bình Chiêm, xây dựng Đại Cồ Việt thành quốc gia hưng thịnh. Mùa thu năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Hoa Lư đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị khởi nguyên trong hành trình phục hưng dân tộc.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
Qua bao thăng trầm của lịch sử, từ thời kỳ nhà Đinh cho tới nhà Nguyễn Tây Sơn, vùng đất này đã qua nhiều tên gọi: Trường Yên, Đại Hoàng, Thiên Quan rồi lại đổi thành Trường Yên. Từ thời nhà Mạc đến thời nhà Nguyễn, được gọi là Thanh Hoa ngoại trấn. Năm Gia Long thứ 5, đổi thành đạo Thanh Bình. Tới năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đạo Thanh Bình được đổi thành đạo Ninh Bình, tên gọi Ninh Bình với hàm ý là vùng đất an toàn, vững chãi, bình yên có từ đó.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, Ninh Bình tự hào là một trong những địa phương có tổ chức cơ sở Đảng sớm nhất, với sự ra đời của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại thôn Lũ Phong, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan vào tháng 6/1929. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân trong tỉnh đã nêu cao tinh thần yêu nước, anh dũng, kiên cường giành nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng cả nước đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, thống nhất đất nước, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nằm ở điểm giao thoa giữa vùng núi Tây Bắc, Châu thổ sông Hồng và Bắc Trung bộ, với trên 1.800 di tích lịch sử văn hóa, Ninh Bình được biết đến là nơi tụ sơn, hội thủy với núi non trùng điệp, xen giữa những dòng sông thơ mộng. Nơi đây, những bức tranh thiên nhiên "sơn thủy hữu tình" như Tam Cốc Bích Động, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, vườn Quốc gia Cúc Phương, núi Non Nước và đặc biệt là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An được hòa quyện cùng những áng thơ văn, làn điệu chèo, hát văn, hát xẩm đặc sắc; những di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc như Cố đô Hoa Lư, Hành cung Vũ Lâm, Nhà thờ đá Phát Diệm, đèo Ba Dội …
Miền đất cổ linh thiêng với phong cảnh tươi đẹp này không chỉ là nơi phát tích của 03 vương triều, mà còn là quê hương của Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu, Vũ Phạm Khải, Vũ Duy Thanh và nhiều nhà cách mạng tiền bối như: Lương Văn Thăng, Đinh Tất Miễn, Tạ Uyên, Lương Văn Tụy cùng nhiều học giả, nhà văn hóa, nhà khoa học, tướng lĩnh đảm nhiệm những trọng trách quan trọng của quốc gia, làm rạng danh quê hương, đất nước.
Sau 16 năm hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, ngày 01/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, hơn 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình bằng một ý chí mạnh mẽ, một khát vọng lớn lao, đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Năm 2024 tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 16 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, kế thừa và phát huy các thành tựu quan trọng của giai đoạn trước; uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đối với Nhân dân ngày càng được tăng cường; triển khai nhanh và quyết liệt những chủ trương của Trung ương, của tỉnh tạo tiền đề bứt phá đi lên trong giai đoạn phát triển mới.
Kinh tế phục hồi tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 8,56%, xếp thứ 5/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Hồng, đứng thứ 17/63 cả nước; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 20.830 tỷ đồng, vượt 11,9% dự toán; phát huy các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là những hạ tầng chiến lược. Đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đạt nhiều kết quả rõ nét; cùng với đó, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cùng với đánh giá phân loại đô thị, thành lập “thành phố Hoa Lư” là đô thị loại I trực thuộc tỉnh với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ.

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới
Ninh Bình lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột, các hành lang phát triển. Bốn ngành kinh tế trụ cột gồm: (1) Lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn; (2) Lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao; (3) Lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; (4) Lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ. Các hành lang phát triển gồm hành lang Bắc - Nam; 3 hành lang Đông - Tây, hành lang ven biển.
Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Ninh Bình là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á; một trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu đất nước; cơ bản hình thành đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc.

Đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tỉnh phía nam Vùng Đồng bằng sông Hồng. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới; có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; là một trong những địa phương đi đầu đưa phát thải khí nhà kính về mức "0" của Việt Nam, tiêu biểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh mềm trong hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh, chính trị ổn định, kinh tế thịnh vượng, xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.