Còn đó lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc
Lượt xem: 30
Với tình cảm, tấm lòng, sự tri ân sâu sắc của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cả cộng đồng đối với những hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh... đời sống của các gia đình người có công trong tỉnh đã được quan tâm, chăm lo cả về vật chất và tinh thần.  
Còn đó lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoa Lư thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Hợi (xã Ninh Khang, Hoa Lư).

Mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Hợi ở thôn Đông Phú (xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư) đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", không còn nhanh nhẹn như xưa nhưng vẫn nghe rõ những câu hỏi của con cháu, khách đến thăm. 

Nhắc đến 2 người con là liệt sĩ Nguyễn Duy Chủy và Nguyễn Duy Chùy, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo của Mẹ.

Trong câu chuyện lúc nhớ, lúc quên và phải có sự hỗ trợ từ người con trai út, Mẹ Cao Thị Hợi nhớ lại lần cuối cùng gặp anh Chủy, đó là khi anh hoàn thành khóa huấn luyện, cùng đơn vị hành quân qua địa phận Ninh Bình. Hôm đó, Mẹ cùng với một người hàng xóm có con nhập ngũ cùng đơn vị đã ra ga tàu để gặp con. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng, anh Chủy chỉ kịp dúi vội cho Mẹ chiếc chăn mỏng và chiếc quần gửi về cho các em rồi lên tàu theo đơn vị vào mặt trận chiến đấu. 

Liên tiếp năm 1974, 1978, Mẹ Hợi và gia đình nhận giấy báo tử của 2 con, một ở chiến trường Đông Nam Bộ, một ở chiến trường Campuchia. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi lần lượt nhận tin các con hy sinh, gắng gượng sống để tiếp tục nuôi dạy các con nên người, Mẹ Hợi đã nhận được sự quan tâm, động viên và chia sẻ của những tấm lòng tri ân sâu sắc của nhiều tập thể, cá nhân từ tỉnh đến cơ sở. 

Năm 2010, Mẹ nhận được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương trong việc sửa sang, xây dựng ngôi nhà khang trang, kiên cố. Vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, Mẹ cũng luôn nhận được tình cảm, những món quà thiết thực, ý nghĩa từ các đơn vị trong và ngoài tỉnh. 

Dịp tháng 7 này, Chương trình "Màu hoa đỏ" phối hợp với huyện Hoa Lư và Công ty TNHH MTV Tràng An Ninh Bình đã trao tặng cho Mẹ cuốn sổ tiết kiệm. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoa Lư cũng dành những món quà ý nghĩa cho Mẹ. Đặc biệt, thấu hiểu nỗi đau mất đi người thân và đến nay chưa có thông tin tìm kiếm hài cốt 2 liệt sĩ, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh vẫn đang nỗ lực để tìm kiếm, kết nối các thông tin…

Ở xóm 2, xã Lạc Vân (Nho Quan) không ai là không biết đến trường hợp của gia đình liệt sĩ Vũ Văn Thiếp hy sinh năm 1966 ở mặt trận phía Nam đã được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh giúp tìm kiếm phần mộ liệt sĩ sau gần 50 năm không có tin tức. 

Cô Vũ Thị Hoa, con gái thứ 2 đang trực tiếp thờ cúng liệt sĩ Vũ Văn Thiếp chia sẻ: Nỗi đau mất cha của chị em chúng tôi dường như nhân lên khi gần 50 năm dù gia đình tìm kiếm các nơi nhưng vẫn không có kết quả. Năm 2015, niềm mong mỏi lớn nhất của gia đình là đón được cha về an nghỉ tại quê nhà đã thành hiện thực khi sau bao năm tìm kiếm, với sự giúp đỡ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh và nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương khác, gia đình đã tìm được và đón hài cốt liệt sĩ Vũ Văn Thiếp từ Nghĩa trang liệt sỹ phường Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) trở về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà. 

Gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, của bà con xóm giềng, các thầy, cô giáo, bạn bè. 4 chị em chúng tôi bảo ban nhau cố gắng học tập, lao động tốt, dạy bảo con cháu học hành thành đạt nên người để xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của ông, cha…

Còn đó lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc
Em Nguyễn Văn Thọ, chắt ngoại của liệt sĩ Vũ Văn Thiếp đã nối tiếp truyền thống của gia đình, trở thành chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 7 năm nào cũng vậy, ngôi nhà nhỏ-nơi thờ cúng liệt sĩ Vũ Văn Thiếp luôn có con cháu tề tựu đông đủ. Những gương mặt học sinh, sinh viên là cháu, chắt của liệt sĩ quây quần bên gia đình để cùng tri ân, thắp nén hương thơm dâng lên cụ ngoại, ông ngoại, báo cáo về một năm học tập, rèn luyện của mình. 

Em Nguyễn Văn Thọ, sinh viên năm thứ 2 Học viện Kỹ thuật quân sự tâm sự: Từ nhỏ, em đã được bà ngoại và mẹ kể nhiều câu chuyện về cụ ngoại và các đồng đội của cụ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc để thế hệ trẻ chúng em hôm nay được sống trong hòa bình. Em luôn tự hào về truyền thống của gia đình, biết ơn sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ và luôn tự nhủ phải nỗ lực để nối tiếp truyền thống trở thành chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Những năm học ở Trường THPT Nho Quan B, em luôn cố gắng rèn luyện, học tập tốt và vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm lớp 12. Trúng tuyển vào Học viện Kỹ thuật quân sự, em đã thực hiện được ước mơ đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam như cụ ngoại của em…

Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Ninh Bình có hơn 235.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các mặt trận, hơn 16.900 người con Ninh Bình đã anh dũng hy sinh và được công nhận là liệt sĩ, 1.275 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, 14 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hơn 13.000 thương binh, trên 8.000 bệnh binh, trên 8.900 người bị nhiễm chất độc hóa học và có con đẻ bị ảnh hưởng.

Những năm qua, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo để giải quyết tốt, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện công tác người có công ngày càng kịp thời, hiệu quả. 

Các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" ngày càng lan tỏa với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội"; vận động cơ quan, đơn vị phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở cho người có công; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, ngày thương binh, liệt sĩ 27/7; hỗ trợ giới thiệu việc làm, vay vốn phát triển kinh tế, học tập, chăm sóc người có công và thân nhân người có công… 

Với sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, sự chung tay của toàn xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách, người có công ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 100% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với dân cư trên địa bàn cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận là xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH