Tỉnh Ninh Bình hiện còn lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: hát Chèo, hát Văn, hát Xẩm, hát Đúm người Mường, biểu diễn Cồng chiêng, múa Trống…
Song hành cùng với các loại hình nghệ thuật là rất nhiều các nghệ nhân dân gian như: Phạm Ngọc Giới, Phạm Thị Điền (Chèo), Phạm Kim Ngân, Vũ Văn Phó, Vũ Xuân Năng (Xẩm), Quách Công Khai, Bùi Thị Năm (hát Đúm)…
Trong số đó, nhiều người với những đóng góp của mình đã được phong tặng danh hiệu "nghệ nhân ưu tú", như: Phạm Ngọc Giới, Phạm Thị Điền (huyện Yên Khánh); Phạm Kim Ngân, Vũ Văn Phó, Vũ Xuân Năng (huyện Yên Mô)…
Ở mỗi một loại hình nghệ thuật, mỗi nghệ nhân chính là một bậc thầy về vốn hiểu biết, kỹ năng thực hành về môn nghệ thuật trên. Đơn cử như cụ Vũ Văn Phó, xã Yên Phong (huyện Yên Mô) với hơn 50 năm hoạt động văn nghệ quần chúng, nổi tiếng bởi khả năng sử dụng các nhạc cụ dân tộc như: đàn Nguyệt, kéo Nhị… Cụ Phó cũng là người hiếm hoi thuộc thế hệ mình, còn lưu giữ được các làn điệu Chèo, Xẩm cổ và có thể đệm nhạc cho các làn điệu Chèo, Xẩm cổ một cách ăn nhập, tài tình.
Một nghệ nhân khác cũng quê Yên Phong là cụ Vũ Xuân Năng. Cụ Năng sở trường tài đánh Trống Mảnh cho các tích Chèo cổ, hát Xẩm, hát Văn. Cụ có trí nhớ, năng lực thẩm âm đặc biệt, chỉ cần nghe qua điệu hát vài lần đã có thể nương theo đó đệm trống một cách ăn khớp, thần tình.
Nghệ nhân ưu tú Vũ Xuân Năng cho biết: Hồi bà Hà Thị Cầu còn sống, tôi từng sát cánh cùng bà trong nhiều đêm diễn. Bà Cầu vừa hát vừa kéo Nhị, tôi thì đệm trống. Tiếng trống làm cho điệu Xẩm thêm sâu lắng, có hồn.
Một nghệ nhân tâm huyết khác là Phạm Ngọc Giới, người có niềm say mê đặc biệt với nghệ thuật Chèo. Nhiều làn điệu chèo cổ được ông Phạm Ngọc Giới dành tâm huyết sưu tầm, biên chép lại. Ông cũng là một trong số ít gương mặt văn nghệ của huyện Yên Khánh có khả năng sáng tác, viết lời mới cho các làn điệu chèo cổ.
Hiện ông dành tâm huyết của mình cho việc truyền dạy, quảng bá nghệ thuật Chèo cho lớp trẻ. Bằng nỗ lực của mình ông đã tích cực "truyền lửa" cho lớp trẻ, hướng họ đến niềm yêu mến các giá trị văn hóa truyền thống…
Trong bảo tồn vốn cổ, không chỉ những nghệ nhân đã được tôn vinh "nghệ nhân ưu tú" mới thể hiện trách nhiệm của mình mà còn có rất nhiều những nghệ nhân dân gian khác vẫn âm thầm cống hiến cho cộng đồng, vẫn một lòng thiết tha với các giá trị văn hóa của cha ông đã truyền lại. Tiêu biểu như bà Bùi Thị Năm, thôn Đồng Trung, xã Quảng Lạc, (huyện Nho Quan) là một minh chứng.
Bà Năm là một trí thức dân tộc Mường. Từ nhỏ đã say mê nghệ thuật hát Đúm người Mường. Tuy nhiên bà rất xót xa khi chứng kiến cảnh rất nhiều năm bản Mường không còn hội Đúm.
Với tâm huyết của mình, bà Năm đã tích cực vận động, quy tụ những người yêu văn nghệ mở thành công hội hát Đúm của người Mường tại thôn Đồng Trung.
Nhớ về sự kiện này, bà Bùi Thị Năm tâm sự: "nhiều năm về trước khi tôi từ Cúc Phương quê chồng trở lại Đồng Trung là quê hương của mình. Tôi vẫn nhớ đến mùa hội Đúm những năm thuở còn thanh niên. Đã nhiều năm, hội Đúm không mở, lớp trẻ ở Đồng Trung nhiều người không biết về hát Đúm. Muốn dự hội Đúm, những người yêu Đúm phải lên hát mãi Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La…
Từ những khó khăn ấy, chúng tôi- những người yêu hát Đúm ở Quảng Lạc đã đồng lòng, đồng sức mở một hội Đúm. Mời các phường Đúm từ Yên Thủy, Lạc Thủy (Hòa Bình), Hà Trung, Thạch Thành (Thanh Hóa)… về dự. Sau hội Đúm này, hiện tại sinh hoạt hát Đúm đã thành nếp, được bà con duy trì, nghệ thuật hát Đúm ở Đồng Trung được sống lại".
Sau những nỗ lực của bà Bùi Thị Năm, cộng với giúp đỡ, tạo điều kiện của những người làm văn hóa, môn nghệ thuật hát Đúm có đến hơn 40 năm bị lãng quên đã hồi sinh một cách thần kỳ.
Với tâm huyết của mình, hiện tại, nghệ nhân dân gian Bùi Thị Năm đang rất cố gắng sưu tầm, biên chép lại các làn điệu Đúm, truyền dạy cho nhiều người yêu văn nghệ trong cộng đồng.
Đối với người Đồng Trung, với phường Đúm của người Mường xã Quảng Lạc, bà Bùi Thị Năm chính là người "giữ linh hồn" cho các mùa hội Đúm.
Nhờ hội Đúm, giới trẻ mới biết về nguồn cội, người Mường mới giữ được nguồn mạch văn hóa của mình. Nhờ sự tâm huyết của những người như bà Năm đã giúp một loại hình di sản của người Mường tránh được nguy cơ thất truyền, văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Mường được nhiều người biết đến.
Với tâm huyết của mình, từ lâu các nghệ nhân đã có nhiều nỗ lực trong việc trao truyền tri thức cho thế hệ kế cận. Tuy nhiên, những nỗ lực của các nghệ nhân dù lớn đến đâu vẫn chỉ đáp ứng được một phần đòi hỏi của thực tế. Đó là chưa kể, những người kế thừa các loại hình nghệ thuật trên chủ yếu là giới trẻ, do đó, hiểu biết, ý thức về giá trị của nghệ thuật truyền thống cũng có giới hạn. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ dành sự quan tâm tới các loại hình giải trí hiện đại, ít chú ý tới nghệ thuật truyền thống.
Hiện đa phần các nghệ nhân thuộc các loại hình nghệ thuật truyền thống đều đã cao tuổi, tuy rất nhiệt huyết với văn hóa cổ truyền nhưng sức khỏe có hạn, thường gặp những khó khăn nhất định trong việc truyền nghề cho lớp sau. Do vậy, những người yêu thích văn hóa truyền thống nếu không kịp thời "tranh thủ" sự truyền dạy của lớp người cao tuổi, đến một lúc nào đó sẽ không còn cơ hội…
Trong câu chuyện kế thừa di sản văn hóa truyền thống này, người viết lại nhớ lời gan ruột của nghệ nhân Quách Công Khai rằng: "Theo lẽ tự nhiên "tre già măng mọc", nhưng với hát Đúm, chỉ lo một nỗi tre đã già mà măng... chưa kịp mọc"…