Ninh Bình: Thực hiện chính sách xã hội hóa và huy động các nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2009-2023 và năm 2023
Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động, gồm 04 trường cao đẳng, 04 trường
trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 08 cơ sở
khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Trong tổng số 27 cơ sở, có 18 cơ
sở công lập (04 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp, 09 trung tâm, 03 cơ sở
khác) và 09 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục (02 trường trung cấp, 02 trung
tâm và 05 cơ sở). Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2023 giảm so với năm 2019
là 01 cơ sở.
Kết quả đào tạo toàn tỉnh giai đoạn
2019-2022 đạt 69.640 học sinh sinh viên, học viên/năm. Trong đó, trình độ cao đẳng,
trung cấp đạt 19.320 học sinh sinh viên; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3
tháng đạt 50.320 học viên. Đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tư
thục là 26.382 người, trình độ trung cấp là 1.585 người, sơ cấp và dưới 3 tháng
24.797 người.
Năm 2023, ước kết quả tuyển sinh,
đào tạo đạt 17.500 học sinh, sinh viên, học viên. Trong đó, trình độ cao đẳng,
trung cấp ước đạt 5.000 sinh viên; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng ước
đạt 12.500 học viên. Trong đó, đào tạo tại các cơ sở GDNN tư thục ước đạt 4.191
người (trung cấp 445 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 3.746 người).
Số người học có việc làm sau khi
tốt nghiệp ở các cấp trình độ ngày càng có xu hướng tăng lên do nhu cầu tuyển dụng
lao động có trình độ kỹ năng trong các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất. Mức thu
nhập bình quân của người học tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng từ 6-9 triệu đồng/tháng.
Số người học trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng có mức thu nhập thấp hơn,
từ 2-4 triệu đồng/người/tháng.
Những năm qua, việc huy động các
nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển hoạt động GDNN đều được các cơ sở
GDNN chú trọng quan tâm. Theo đó, các cơ sở GDNN đều chủ động huy động hàng chục
tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác để đầu tư tăng cường các điều kiện phục vụ đào
tạo cho các nghề khác; mở rộng nghề đào tạo, đặc biệt chú trọng vào các nghề có
thế mạnh của đơn vị và xây dựng thương hiệu, uy tín cho cơ sở; chú trọng đầu tư
các điều kiện phục vụ đào tạo nghề nghiệp theo hướng đồng bộ tập trung, bước đầu
ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Tính đến ngày
21/12/2022, số vốn các cơ sở GDNN đã đầu tư là 1157 tỷ 393 triệu đồng.
Nhằm tăng cường hợp tác giữa cơ sở
GDNN trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động kỹ thuật,
UBND tỉnh khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có năng lực tham gia vào
hoạt động GDNN. Kết quả, đến nay đã cấp chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN cho
09 cơ sở GDNN tư thục với tổng số nghề là: 53 nghề, 15 nghề trình độ trung cấp,
38 nghề sơ cấp và đào tạo thường xuyên.
Từ năm 2019 đến nay, quan hệ giữa
cơ sở GDNN và doanh nghiệp được tăng cường; các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đều
thực hiện liên kết, hợp tác, phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức
đào tạo GDNN thông qua nhiều hình thức hợp tác như: Doanh nghiệp tham gia xây dựng
chương trình đào tạo; bố trí cán bộ, chuyên gia đến giảng dạy tại cơ sở GDNN;
tham gia vào việc đánh giá, tổ chức thi tốt nghiệp của cơ sở GDNN; tiếp nhận và
hướng dẫn người học thực tập tại doanh nghiệp; tiếp nhận nhà giáo của cơ sở
GDNN đến thăm quan, thực hành, thực tập; cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo;
tuyển dụng người học sau tốt nghiệp tại cơ sở GDNN.
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận
lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư lĩnh vực GDNN, đồng thời phát
triển và thành lập mới các cơ sở GDNN ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Hàng
năm, căn cứ quyết định công bố thủ tục hành chính lĩnh vực Lao động - Thương
binh và Xã hội của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội đã ban hành các quyết định về Kế hoạch cải cách hành chính lĩnh vực lao
động, người có công và xã hội và công bố lại Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Thực hiện niêm yết công khai và rà soát
thủ tục hành chính; triển khai có hiệu quả việc thực hiện quy trình giải quyết
thủ tục hành chính và trả kết quả theo cơ chế một cửa theo đúng quy định.