Giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Ninh Bình
Lượt xem: 68
Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Kinh đô Hoa Lư hiện còn lưu giữ có giá trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc và trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, nhất là khi Ninh Bình đang hướng tới xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.  
Giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Ninh Bình

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng đế trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Ngọc Linh

Kinh thành Hoa Lư-một di sản mang giá trị xuyên thế kỷ

Tại Hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng-Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc", PGS.TS Tống Trung Tín, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định như thế khi đề cập đến giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư. Ông đã dẫn giải: Các di tích khảo cổ thế kỷ X không nhiều. Cho đến nay, di tích quan trọng nhất và được nghiên cứu nhiều nhất của thời kỳ này chính là khu di tích Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, là kinh đô của triều Đinh, triều Lê trong 42 năm (968-1010). Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành một số đợt nghiên cứu tương đối quy mô Khu di tích lịch sử, văn hóa Hoa Lư, đã đem lại nhiều tư liệu mới, cho phép nhìn nhận một cách cụ thể hơn giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam thời Đinh-tiền Lê trong lịch sử văn hóa Việt Nam. 

Trải qua hơn 1000 năm, dấu tích thành Hoa Lư đã bị tàn phá hầu hết. Các cuộc điều tra khảo cổ học cho thấy thành Hoa Lư có quy mô lớn, được xây dựng trên cơ sở nối liền nhiều quả núi thiên nhiên bằng các đoạn tường thành. Việc đắp thành gồm nhiều vòng thành, nương theo địa thế tự nhiên ở Hoa Lư đã mang truyền thống đắp thành của người Việt từ thời An Dương Vương, thể hiện rõ tinh thần tự chủ, tự cường mạnh mẽ ở mức rất cao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ nền độc lập của vương triều Đinh và nhân dân Đại Cồ Việt thời Đinh…

Trong nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cũng khẳng định: Kinh thành Hoa Lư là một công trình kiến trúc độc đáo, thể hiện một quá trình vừa duy trì, phát triển kiến trúc cổ truyền, vừa tiếp thu những tinh hoa kỹ thuật mới, từ đó tạo nên một phong cách riêng của Việt Nam ở thế kỷ X. Từ những tìm tòi, khám phá phục vụ xây dựng Kinh thành Hoa Lư đã hình thành một nền nghệ thuật Hoa Lư mở đầu cho dòng chảy văn minh Đại Việt và còn được tiếp thu, phát huy mạnh mẽ trong nghệ thuật Lý-Trần…

Giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế văn hóa xã hội của Ninh Bình
Cổng vào Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Ngọc Linh

Trong rất nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế và của tỉnh đều có chung nhận định: Kinh đô Hoa Lư của cả nước trong 42 năm tồn tại đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của quốc gia và để lại một di sản rất phong phú về giá trị lịch sử trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Đó là một thành tựu lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước, một cột mốc rất quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta ở thế kỷ X. 

Ninh Bình là vùng đất có bề dầy lịch sử và truyền thống văn hóa, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc hòa quyện trong cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của núi non, sông nước và hệ thống hang động xuyên thủy lung linh, huyền ảo. 

Vùng đất địa linh nhân kiệt nơi mà cách đây hơn 1000 năm, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng Đế, định đô ở Hoa Lư, lấy niên hiệu Thái Bình, khai sinh ra nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta thế kỷ X.

Hoa Lư là kinh đô của 3 triều đại Đinh-Tiền Lê và buổi đầu Triều Lý, tồn tại trong 42 năm (968-1010). Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra thành Đại La, sau đổi là Thăng Long, Hà Nội, Kinh đô Hoa Lư được gọi là Cố đô Hoa Lư từ đấy. 

Ngày nay, đến với Cố đô Hoa Lư, quá khứ, hiện tại và tương lai, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và con người như hòa quyện nhau, đưa ta về cội nguồn ngàn năm bất khuất của dân tộc.

Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Kinh đô Hoa Lư hiện còn lưu giữ có giá trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc, là biểu tượng sống động thể hiện ý chí quật cường, lòng tự tôn, niềm khát khao độc lập tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử.

Nguồn lực chiến lược quan trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội 

Những năm qua, nhận thức sâu sắc những giá trị to lớn, quý báu của di sản Kinh đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình luôn coi trọng, quan tâm nghiên cứu, đầu tư và phát huy các di sản ông cha để lại, coi đó là nguồn lực chiến lược quan trọng để phục vụ thiết thực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa.

Thực tế cho thấy, việc bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững, xác lập vị thế tương xứng của Kinh đô Hoa Lư trong hệ thống các kinh đô trong lịch sử dân tộc, tạo cho khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư trở thành một trong các hạt nhân, động lực thực hiện các chiến lược phát triển đô thị, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tỉnh Ninh Bình là việc làm cần thiết hiện nay. 

Giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế văn hóa xã hội của Ninh Bình
Khai quật khảo cổ học tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Minh Quang

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trong nghiên cứu, phân tích dấu ấn thời Đinh tại Di tích Hoàng thành Thăng Long cũng cho rằng: Tỉnh Ninh Bình cần có chiến lược phối hợp đầu tư nghiên cứu lâu dài với dự án khai quật, nghiên cứu khảo cổ học có quy mô lớn, mang tính tổng thể, được tổ chức thực hiện mang tính chuyên nghiệp, khoa học và bài bản hơn, có lộ trình thực hiện trong nhiều năm như Hoàng thành Thăng Long nhằm từng bước làm sáng rõ hơn những giá trị vốn có của Kinh đô Hoa Lư trong lịch sử. Góp phần làm sâu sắc hơn tầm vóc chính trị, khát vọng thống nhất và phục hưng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng đế, đưa Hoa Lư trở thành đô thị di sản ngang tầm khu vực và quốc tế, trở thành trung tâm du lịch ấn tượng và hấp dẫn trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh Ninh Bình trong tương lai.

Trong các giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Ninh Bình đã đề cập đến giải pháp ứng dụng KHCN vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích như: ứng dụng phần mềm Module trong quản lý di tích; ứng dụng công nghệ Lidar, Round Radar xác định vị trí cần khai quật khảo cổ học; ứng dụng công nghệ in 3D trong bảo tồn những yếu tố cấu thành di tích… Những ứng dụng trên được áp dụng hứa hẹn sẽ mở ra những không gian mới để có thể tiếp tục khai thác di tích Kinh đô Hoa Lư một cách hiệu quả và bền vững…

Những năm qua, trên cơ sở các văn bản pháp lý quan trọng: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 82/2003/QĐ-TTg ngày 29/4/2003; Quyết định số 56/QĐ-TTg ngày 7/2/2023 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 218/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… là cơ sở pháp lý để tỉnh Ninh Bình định hình việc triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Di tích quốc gia đặc biệt theo định hướng lâu dài.

Tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó xác định lấy di sản văn hóa làm nền tảng, làm cơ sở để phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch.

Trong đó, Quyết định số 577/QĐ-UBND ngày 8/6/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư là cơ sở pháp lý cơ bản cho việc thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, các điều kiện phát huy giá trị khu di tích. 

Giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế văn hóa xã hội của Ninh Bình
Những cuộc khai quật khảo cổ học đã hé lộ nhiều thông tin quý về quy mô, tầm vóc của Kinh đô Hoa Lư xưa. Ảnh: Minh Quang

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, đến nay những di tích kiến trúc quan trọng trong khu di tích đều đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo, hoàn thiện cảnh quan như: Đền thờ Vua Đinh, Đền thờ Vua Lê, di tích Chùa Ngần, Đền thờ công chúa Phất Kim…

Giá trị của các di sản Kinh đô Hoa Lư được phát huy hiệu quả để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng. Từ đây mở ra hướng đi mới trong phát huy giá trị di sản địa phương, để văn hóa là sức mạnh nội sinh theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ tỉnh. 

Du lịch, công nghiệp văn hóa của Ninh Bình đã có nhiều khởi sắc và bước phát triển đột phá với nhiều kết quả quan trọng: công tác quản lý Nhà nước về du lịch, về văn hóa được tăng cường; chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch, công nghiệp văn hóa có chuyển biến tích cực; hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công nghiệp văn hóa, phục vụ du lịch được tập trung đầu tư ngày càng hoàn thiện; hoạt động du lịch, dịch vụ từng bước được tổ chức, quản lý khoa học, theo hướng chuyên nghiệp, bền vững; công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh được đảm bảo.

Giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế văn hóa xã hội của Ninh Bình
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đã đón rất nhiều du khách trong nước, quốc tế về tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Lý Nhân

Nhiều sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa miền đất, con người Ninh Bình được đưa vào khai thác, bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách, như: Hệ thống sản phẩm du lịch sinh thái, tham quan trải nghiệm các giá trị thiên nhiên gắn với Quần thể danh thắng Tràng An; hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; sản phẩm du lịch làng nghề; sản phẩm du lịch lễ hội truyền thống; sản phẩm du lịch đô thị; du lịch vui chơi giải trí; du lịch văn hóa ẩm thực đường phố... 

Ninh Bình cũng là địa phương phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các chương trình ca nhạc, show trình diễn thời trang, các hoạt động trưng bày, xuất bản... Qua đó lồng ghép quảng bá văn hóa truyền thống của Ninh Bình ra thế giới, góp phần khẳng định vẻ đẹp của vùng đất Cố đô Di sản thiên niên kỷ. 

Giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế văn hóa xã hội của Ninh Bình
Các thí sinh Người đẹp Hoa Lư năm 2024 tham gia chụp ảnh với trang phục áo dài truyền thống tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Minh Quang

Các hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phục dựng và lưu giữ di sản gắn với khai thác các loại hình du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái gắn với mô hình sinh kế nông nghiệp, nông thôn được phát huy, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. 

Vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa tiếp tục được nâng cao, qua đó nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, hướng tới xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư", vào ngày 10/9, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học "Tư vấn về chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ".

Tọa đàm nhằm tập hợp các nghiên cứu khoa học liên ngành từ trước đến nay về kinh thành Hoa Lư; đồng thời cung cấp thêm những tư liệu mới, những cơ sở khoa học quan trọng trong việc phỏng dựng, phục dựng Hoàng thành Hoa Lư nói riêng, kinh đô Hoa Lư nói chung. 

Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm trong nước và quốc tế, nhất là kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trong việc bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng các kinh đô cổ, nhằm đề xuất các ý tưởng, giải pháp có tính khả thi, có thể sớm triển khai thực hiện phục dựng Hoàng thành Hoa Lư nói riêng, kinh đô Hoa Lư nói chung, đóng góp vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh.

Giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế văn hóa xã hội của Ninh Bình
Một góc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Ngọc Linh
Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH