Thành phố Tam Điệp
Lượt xem: 31532
Tam Điệp là thành phố nằm ở phía Nam của tỉnh Ninh Bình. Đây là thành phố nằm ở vị trí cửa ngõ miền Bắc Việt Nam. Thành phố Tam Điệp có diện tích 110,9 km² với dân số 53.649 người (thống kê 2006) gồm 5 phường: Bắc Sơn, Nam Sơn, Trung Sơn, Tây Sơn, Tân Bình và 4 xã: Quang Sơn, Yên Bình, Yên Sơn, Đông Sơn.

 Thành phố Tam Điệp nằm trên trục Quốc lộ 1A (đoạn chạy qua đây dài 12 km), là nơi tiếp giáp giữa vùng Bắc Trung Bộ và phía Nam đồng bằng Bắc bộ, cách Thủ đô Hà Nội 105 km về phía Nam, cách thành phố Ninh Bình 12 km. Từ thành phố còn có Quốc lộ 12B đi Nho Quan và Hòa Bình.

Phía bắc thành phố giáp 2 huyện Nho Quan và Hoa Lư, phía đông và đông nam giáp huyện Yên Mô, phía tây và tây nam giáp thị xã Bỉm Sơn và huyện Hà Trung của tỉnh Thanh Hoá.

Thành phố có diện tích tự nhiên 105,8 km² và dân số 52.500 người (năm 2007).

Đường sắt Bắc-Nam đoạn chạy qua đây dài 11 km với 2 ga: Ghềnh và Đồng Giao.

Lịch sử

Thành phố Tam Điệp được thành lập theo Quyết định số 200-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngày 27/12/1982, trên cơ sở thị trấn Tam Điệp và 2 xã Yên Bình, Yên Sơn tách từ huyện Tam Điệp. Khi đó thành phố gồm 3 phường: Bắc Sơn, Nam Sơn, Trung Sơn, và 4 xã: Quang Sơn, Yên Bình, Yên Sơn, Đông Sơn. Địa giới: bắc giáp huyện Hoa Lư, đông giáp huyện Tam Điệp, tây giáp huyện Hoàng Long, nam giáp thị xã Bỉm Sơn của tỉnh Thanh Hoá.

Trước đó, thị trấn Tam Điệp được thành lập ngày 23/2/1974 trên cơ sở thị trấn nông trường Đồng Giao thuộc huyện Yên Mô và nông trường Tam Điệp. Ngày 27/4/1977, thị trấn Tam Điệp trở thành huyện lị huyện Tam Điệp được thành lập do sáp nhập huyện Yên Mô và 10 xã của huyện Yên Khánh.

Kinh tế

Thành phố thuộc miền núi, nơi có trữ lượng đá vôi lớn rất tốt cho công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng. Thành phố có diện tích lớn đất Feralit đỏ, vàng thích hợp trồng cây công nghiệp và ăn quả. Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ nhất (tháng 01/1984) đã xác định cơ cấu kinh tế là công- nông- lâm nghiệp, đồng thời mở rộng thương mại - dịch vụ.

Thành phố có một số cơ sở công nghiệp như Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao 10.000 tấn sản phẩm/năm, dây chuyền nước hoa quả cô đặc 5.000 tấn/năm; Nhà máy xi măng Tam Điệp công suất 1,4 triệu tấn/năm; Nhà máy cán thép Tam Điệp công xuất 36 vạn tấn/năm. Nhà Văn Hóa Thành phố Tam Điệp.

Tam Điệp là địa danh lịch sử gắn liền với chiến thắng lịch sử của nghĩa quân nhà Tây Sơn trong sự nghiệp giải phóng Thăng Long. Nơi đây còn lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử văn hóa.

Thành phố Tam Điệp được công nhận 2 khu di tích lịch sử thuộc phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn) gồm:

  • Khu A: có đèo Ba Dội, Kẽm Đó, luỹ Quang Trung, núi Cắm Gươm, núi Cắm Cờ, núi Chong Đèn, núi Hầu Vua, Vương Ngự, gắn với di tích Đền Dâu, Đền Quán Cháo, động Tam Giao, Đèo Tam Điệp.
  • Khu B: có luỹ Quèn Thờ, luỹ Quang Trung, đền Quèn Thờ gắn với danh thắng động Trà Tu, hồ Yên Thắng, hồ Mừng, hồ Đoòng Đèn.

Sân Golf Yên Thắng

Sân golf Yên Thắng được xây dựng ở xã Đông Sơn với quy mô 54 lỗ hứa hẹn trở thành khu du lịch giải trí chất lượng cao ở miền Bắc.
Hiện thị xã cũng đang xây dựng hạ tầng khu vui chơi giải trí trung tâm của khu du lịch hồ Đồng Thái nằm ở vùng giáp ranh giới với huyện Yên Mô.

Di tích khảo cổ

Tam Điệp cũng là vùng đất cổ với hàng loạt các di chỉ khảo cổ học được khai quật là:
Di tích khảo cổ học Núi Ba (Phường Bắc Sơn) là nơi xuất lộ những khối trầm tích cổ sinh cách đây khoảng 300.000 năm cùng một số hang động có dấu ấn của cư dân Văn hóa Hòa Bình cách ngày nay trên dới 10.000 năm.
Di tích khảo cổ học Thung Lang (Phường Nam Sơn) tại đây đã tìm thấy răng người Homo Erectus cách đây khoảng 30.000 năm cùng một số dấu ấn cho thấy có sự xuất hiện của cư dân cách đây trên dưới 10.000 năm.
Di tích khảo cổ học hang Đáo (xã Đông Sơn - Tam Điệp) nơi đây có tìm thấy những công cụ đồ đá của cư dân Văn hóa Hòa Bình.
Di tích khảo cổ học hang Yên Ngựa (phường Trung Sơn) xuất lộ dấu ấn cư đân văn hóa Hòa Bình.
Di tích khảo cổ học hang Dẹ (Phường Nam Sơn) có dấu ấn của cư dân Văn hóa Hòa Bình ở giai đoạn sớm trên 10.000 năm.
Di tích khảo cổ học núi Hang Sáo (xã Quang Sơn) với nhiều hang động và mái đá có dấu ấn của cư dân văn hóa Hòa Bình và cư dân văn hóa Đa Bút sống cách ngày nay từ 5.000 đến 10.000 năm.
Cụm di tích khảo cổ học hang ốc; Núi ốp (xã Yên Sơn) xuất lộ dấu ấn cư dân văn hóa Đa Bút và Cư dân văn hóa Đông Sơn.
Di tích khảo cổ học hang Khỉ (xã Đông Sơn) xuất lộ một số mảnh gốm cùng vỏ nhuyễn thể trên bề mặt nơi đây có dấu ấn văn hóa Đa Bút.
Di tích khảo cổ học núi Hai (phường Bắc Sơn) xuất lộ rất nhiều gốm và xương động vật thuộc thời đại kim khí cách đây khoảng 3.000 năm.

Ninhbinh.gov.vn

  • Từ khóa :
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH