Huyện có 2.218ha là núi đá vôi, 9.382ha là đất nông nghiệp còn lại là sông ngòi. Địa hình không bằng phẳng được chia thành 3 vùng rõ dệt: Vùng núi đá vôi, vùng bán sơn địa và vùng đồng bằng. Gia Viễn có khí hậu đồng bằng sông Hồng lượng mưa trung bình hàng năm là 2.000mm. Dọc theo tuyến kênh phía bắc là dãy núi đá vôi thêu dệt nên những bức tranh đá kỳ diệu. Gia Viễn là đất linh thiêng sinh ra người con Đinh Bộ Lĩnh quê làng Đại Hữu nay là xã Gia phương đã Cờ Lau tập trận dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất sơn hà, lập nên nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của nước Việt Nam. Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Gia Viễn quyết tâm với tất cả vì tiền tuyến với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, lớp lớp con em của quê hương Gia Viễn lại hăng hái lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc giải phóng Miền nam thống nhất đất nước. Với những thành tích và kết quả đã đạt được, huyện Gia Viễn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “ đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đặc biệt có 10 đơn vị / 21 xã, thị trấn là đơn vị anh hùng.
Gia Viễn gồm có thị trấn Me (được thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1986) và 20 xã. So với các huyện, thị khác trong tỉnh đời sống của nhân dân địa phương g ặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn”. Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Gia Viễn ra sức tập trung làm thủy lợi nội đồng, đắp đê, xây dựng kênh mương, chính vì vậy từ sản xuất một vụ bấp bênh nay đã thành 2 vụ ăn chắc. Tổng sản lượng lương thực năm sau luôn cao hơn năm trước nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển phong trào xây dựng điện, đường, trường, trạm không ngừng phát triển, văn hóa, giáo dục ngày càng được nâng lên. Kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng tiếp tục được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường củng cố. Công tác xây dựng Đảng và chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều chuyển biến tiến bộ.
Những năm gần đây thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về “công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn huyện đã giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào phát triển kinh tế tại địa phương. Hiện nay trên địa bàn có 3 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động sôi động và hiệu quả đó là: Khu công nghiệp Gián Khẩu: Nằm tại xã Gia Trấn và Gia Xuân với diện tích: 93 ha, cách thành phố Ninh Bình 10 km, là điểm nút giao thông đi Hà Nội, các tỉnh đồng bằng và vùng Tây Bắc, cơ sở hạ tầng tốt, địa hình bằng phẳng. Bố trí: Các cơ sở sản xuất công nghiệp vật liệu cao cấp; Sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc và Dịch vụ thương mại, du lịch; Cụm công nghiệp Gia Sinh: Nằm tại xã Gia Sinh (khu vực Núi Đính) với diện tích: 70 ha. Thuận lợi: Địa hình bằng phẳng (trước đây đã được san lấp dự kiến xây dựng khu hoá chất), xa khu dân cư, giàu nguyên liệu đá vôi, đất sét. Bố trí: Công nghiệp vật liệu xây dựng, phân bón; Cụm công nghiệp Gia Vân: Xã Gia Vân với diện tích: 20 ha. Nằm cạnh khu du lịch Vân Long, địa hình bằng phẳng. Bố trí: Các làng nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan và Dịch vụ du lịch.
Huyện cũng có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa được du khách trong và ngoài nước cùng các nhà khoa học quan tâm như: Động Hoa Lư: thuộc xã Gia Hưng, là căn cứ ban đầu của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh; động Địch Lộng: là động đẹp được mệnh danh là "Nam thiên đệ tam động" ; Kẽm Trống: là danh thắng nổi tiếng từ xa xưa nằm giữa Hà Nam và Ninh Bình được tạo ra bởi sông Đáy và các dãy núi hai bên bờ; chùa Bái Đính: là khu chùa cổ gắn với nhiều sự kiện lịch sử. Hiện tại ở đây đã xây dựng khu chùa mới với quy mô lớn hấp dẫn khách du lịch; Suối nước nóng Kênh Gà: là nơi đã được đầu tư phát triển du lịch giải trí, chữa bệnh; khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long: khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất Bắc Bộ; Đền vua Đinh: là ngôi đền cổ, xây dựng tại nơi sinh ra danh nhân Đinh Tiên Hoàng; Đền Thánh Nguyễn: xưa là chùa Viên Quang Tự, tương truyền do quốc sư Nguyễn Minh Không lập nên để tu hành. Những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đây không chỉ là niềm tự hào về vùng quê tươi đẹp mà còn là tiềm năng du l ịch, văn hoá để địa phương khai thác, phát triển kinh tế-xã hội.
Song với yêu cầu của hôm nay huyện Gia Viễn vẫn còn là huyện nghèo, Đảng bộ và nhân dân huyện Gia Viễn đã và đang quyết tâm, phát huy truyền thống của quê hương phấn đấu xây dựng quê hương Gia Viễn ngày càng giầu đẹp, tập trung hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã đề ra.