Thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt và thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt Quốc gia qua địa bàn tỉnh Ninh Bình
Lịch sử hình thành và phát triển thành phố Ninh Bình
Vào thế kỷ X, vùng đất thành phố Ninh Bình được coi là vùng cửa biển (cửa biển Đại Ác ) ngoài ra còn mang tên Phúc Thành hải cảng. Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 xứ quân, thống nhất giang sơn, lên ngôi hoàng đế, khai sinh ra nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, núi Non Nước trở thành tiền đồn bảo vệ kinh đô Hoa Lư.
Trải qua các thời kỳ biến động của lịch sử, miền đất thành phố Ninh Bình có nhiều tên gọi khác nhau, thuở xưa là trấn lỵ Vân Sàng của Thanh Hoa ngoại trấn, trung tâm là Đại Đăng. Dưới triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 13 ( 1814 ) thành Ninh Bình được xây dựng khá kiên cố : Chu vi 393 trượng, 9 thước; tường thành cao 9 thước; thành có 3 cửa : cửa Trung ở phía Đông; cửa Tả ở phía Tây; cửa Hữu ở phía Bắc. Đến Minh Mạng thứ 12 ( 1831 ) tỉnh lỵ Ninh Bình được thành lập ( còn gọi là thành Ninh Bình ).
Trải qua các thời kỳ lịch sử quy mô và vị trí thành phố Ninh Bình có nhiều biến động :
- Trước Cách mạng tháng Tám 1945 thị xã là tỉnh lỵ của tỉnh.
- Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, nhân dân tự săn bằng nhà cửa, công sở, phá hủy các tuyến đường giao thông (đường bộ, đường sắt) qua thị xã, vào vùng tự do tham gia kháng chiến.
- Năm 1954, miền Bắc giải phóng, thhị xã được xây dựng lại trên mặt bằng cũ.
- Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ( tháng 8-1964) và lần hứ hai (tháng 4-1972), thị xã đã hai lần bị hủy diệt hoàn toàn.
- Sau khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ kết thúc và miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thị xã lại được xây dựng lại.
- Khi huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình hợp thành Huyện Hoa Lư (tháng 4-1977), từ chỗ là thủ phủ của tỉnh Ninh Bình, thị xã Ninh Bình trở thành thị trấn trực thuộc huyện Hoa Lư.
- Đến tháng 4-1981, huyện Hoa Lư chia tách, thị xã Ninh Bình được tái lập trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.
- Khi tỉnh Ninh Bình được tái lập (tháng4-1992), thị xã Ninh Bình lại trở thành lại trở thành thị xã tỉnh lỵ, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Ninh Bình.
- Hai thập niên cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, thị xã đã 3 lần được mở rộng:
+ Lần thứ nhất: Sáp nhập xã Ninh Thành, huyện Hoa Lư vào thị xã (tháng 12-1982). Thị xã được tổ chức thành 4 phường và 1 xã (phường Vân Giang, Lương Văn Tụy, Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung và xã Ninh Thành).
+ Lần thứ hai: Sáp nhập 6 xã gồm Ninh Khánh, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phong, Ninh Sơn, Ninh Phúc, huyện Hoa Lư vào thị xã (tháng 1-2004). Thị xã được tổ chức thành 8 phường và 6 xã như trên.
Ngày 28-4-2005, thực hiện nghị định số 58/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính phường, xã và thành lập phường mới thuộc thị xã Ninh Bình, thị xã đã tiến hành những điều chỉnh sau:
+ Điều chỉnh 4,55ha diện tích tự nhiên và chuyển 1.279 người phường Thanh Bình về cho phường Nam Bình quản lý.
+ Điều chỉnh 26ha diện tích tự nhiên và 1.300 người xã Ninh Sơn về phường Nam Bình quản lý.
+ Điều chỉnh 102,80hs diện tích tự nhiên và 1.197 người xã Ninh Phòn vế cho phường Nam Bình quản lý.
+ Điều chỉnh 3,37ha diện tích tự nhiên và 508 người phường Bích Đào về cho xã Ninh Sơn quản lý.
+ Điều chỉnh 36,36ha diện tích tự nhiên và 1.506 người phường Nam Bình về cho xã Ninh Phong quản lý.
Sau khi điều chỉnh diện tích tự nhiên và người ở một số phường, xã, thị xã thành lập thêm hai phường mới: Ninh Khánh và Ninh Phong.
Như vậy đến tháng 4-2005, thị xã Ninh Bình có 14 đơn vị hành chính gồm 10 phường và 4 xã.
Ngày 2-12-2005, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ra Quyết định số 2241/QĐ-BXD công nhận thị xã Ninh Bình là đô thị loại III.
Ngày 7-2-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Ninh Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc thị xã Ninh Binh. Với vị trí là thành phố thuộc tỉnh, là thủ phủ của tỉnh, thành phố Ninh Bình giữ vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, đào tạo, du lịch và thương mại của tỉnh, là trung tâm du lịch cấp vùng và cấp quốc gia. (Nguồn: Địa chí Ninh Bình – Nhà xuất bản chính trị Quốc gia- Hà nội 2010)
Ngày 20/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 729/QĐ-TTg công nhận Thành phố Ninh Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Cổng TTĐT tỉnh