Hành chính
Huyện Kim Sơn có diện tích 207 km² và 172.399 người, gồm hai thị trấn (Phát Diệm - huyện lỵ, Bình Minh), và 25 xã gồm Hồi Ninh, Chất Bình, Yên Mật, Kim Đông, Lai Thành, Yên Lộc, Tân Thành, Lưu Phương, Thượng Kiệm, Kim Chính, Đồng Hướng, Quang Thiện, Như Hoà, Hùng Tiến, Ân Hoà, Kim Định, Chính Tâm, Định Hoá, Văn Hải, Kim Tân, Kim Mỹ, Cồn Thoi, Kim Hải, Xuân Thiện, Kim Trung.
Lịch sử
Kim Sơn là vùng đất mở ra đời từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển đầy lau sậy và sú vẹt dưới sự tổ chức và điều hành của Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ năm Kỷ Tỵ, 1829. Đây là vùng đất mở, hàng năm tốc độ bồi tụ tiến ra biển từ 80 - 100 m. Chính vì thế Kim Sơn gắn với lịch sử của những cuộc chinh phục đất hoang bồi - quai đê lấn biển. Gần 200 năm đã tiến hành quai đê lấn biển sáu lần. Về diện tích hiện nay gấp gần 3 lần so với khi mới thành lập huyện.
Là vùng đất mới nên Kim Sơn không có nhiều di tích lịch sử ngoài những ngôi chùa mới nhưng Kim Sơn có nhà thờ Phát Diệm là một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo ở Việt Nam. Mặt khác Kim Sơn mang đặc trưng văn hóa đới sống của vùng đất mới với những người đi khai hoang lấn biển.
Kinh tế
Kim Sơn cùng với Hải Hậu (Nam Định) và Tiền Hải (Thái Bình) là những đơn vị đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Nền kinh tế của huyện Kim Sơn có 3 thế mạnh: Kinh tế nông nghiệp giữ vị trí quan trọng, chiếm gần 1/3 tổng sản lượng lúa của tỉnh Ninh Bình. Ngành thủ công nghiệp truyền thống sản xuất hàng chiếu cói, có giá trị hàng hóa lớn. Vùng kinh tế biển đã và đang được đầu tư khai thác, đây là một vùng có tiềm năng để phát triển thành một vùng sản xuất hàng hóa phong phú và đa dạng.
Kim Sơn hình thành 2 vùng địa lý kinh tế:
- Các xã khu vực phía nam (trung tâm là thị trấn Bình Minh) nằm ở ven biển có thế mạnh về khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản đặc biệt là tôm, ghẹ, sò, cua v.v... Tại đây nổi tiếng với nghề trồng cói. Phía nam Kim Sơn có vùng ven biển rộng gần 6.000 ha chứa đựng nhiều tiềm năng về thủy sản và du lịch. Tuy nhiên vấn đề giao thông đi lại và hạ tầng tương đối khó khăn.
- Các xã phía bắc (trung tâm là thị trấn Phát Diệm) thuộc khu vực phù sa bồi đắp đất đai màu mỡ là vựa lúa của tỉnh. Tại đây còn phát triển nghề thủ công truyền thống là nghề cói. Năm 2008 Kim Sơn có 7 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống chiếu cói, đó là: Làng nghề Trì Chính, Kiến Thái, Thủ Trung (xã Kim Chính), Đồng Đắc, Hướng Đạo (xã Đồng Hướng) và Ninh Mật, Yên Thổ (xã Yên Mật).
Di tích lịch sử: nhà thờ Phát Diệm là một công trình kiến trúc đá nổi tiếng xây dựng từ năm 1890; đền thờ Nguyễn Công Trứ nằm bên quốc lộ 10 thuộc xã Quang Thiện; nhà thờ Cồn Thoi ở vùng ven biển; các di tích quốc gia khác như chùa Đồng Đắc, đình Thượng Kiệm và đền Chất Thành.
Thắng cảnh tự nhiên: Kim Sơn có 18 km bờ biển nằm giữa hai cửa sông lớn là sông Đáy và sông Càn Toàn bộ khu vực gồm thị trấn Bình Minh và các xã ven biển: Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung đã được UNESCO công nhận là một trong những địa danh thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tại đây thiên nhiên, sự sống còn đa dạng và hoang sơ. Thắng cảnh khu vực ven biển Kim Sơn nằm trong quy hoạch du lịch của tỉnh Ninh Bình bao gồm bãi biển, sông Cà Mau, rừng phòng hộ, các cù lao, cồn nổi, cửa sông Đáy, cửa sông Càn, v.v...
Đặc sản: rượu Kim Sơn là một đặc sản tiêu biểu của địa phương, các đặc sản khác có thế mạnh phát triển ở đây phải kể đến miến lươn, hải sản, gạo .v.v.
Ninhbinh.gov.vn