Ngành Y tế Ninh Bình: triển khai ứng phó và khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3
Ảnh minh họa
Theo thông tin từ Sở Y tế, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, trong những ngày vừa qua, Sở đã chỉ đạo 100% các
đơn vị trực thuộc đã chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão số 3
theo phương châm 4 tại chỗ; triển khai các giải pháp ứng phó trong trường hợp phải xả
tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn. Sở thành
lập 17 tổ cấp cứu (mỗi tổ gồm 1 Bác sỹ,
1 Điều dưỡng) với đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc cấp cứu, nhu yếu phẩm cần
thiết. Trung tâm Cấp cứu 115 đã điều 2 xe cứu thương để thường trực vận chuyển
bệnh nhân cấp cứu tại địa bàn huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn và có mặt trước
13h00 chiều ngày 12/9/2024.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập 3 đội
chống dịch cơ động, kèm theo cơ số thuốc, hóa chất và sẵn sàng triển khai các
giải pháp chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường mùa mưa bão. Các đơn vị
trực thuộc còn lại chuẩn bị nhân lực, thuốc, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm
khác (theo Kế hoạch số 62/KH-SYT ngày 04/6/2024 về phòng, chống thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn năm 2024) và sẵn sàng lên đường đi hỗ trợ khi có lệnh điều động
của Sở Y tế.
Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực
thuộc đảm bảo an toàn về người và tài sản, trang thiết bị, đảm bảo an toàn công
tác bảo quản vắc xin tiêm chủng mở rộng; Chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng và chủ động
triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng
cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong
giám sát, xử lý dịch bệnh; Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ
bị ảnh hưởng mưa lũ và ngập lụt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh,
các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch
bệnh sau bão lụt đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt
lưu ý tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong bối cảnh
mưa lớn kéo dài gây khó khăn trong việc kiểm soát muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Sở đã chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng bảo
đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho
công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị ảnh
hưởng của mưa lũ và ngập lụt; Thực hiện việc thông tin, báo cáo bệnh, dịch bệnh
truyền nhiễm theo đúng quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015
của Bộ Y tế.
Hệ thống giám sát ghi nhận thêm
03 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại ổ dịch thôn Lộc Động, Yên Thái, Yên Mô đã
được ghi nhận từ trước, nâng tổng số trường hợp mắc tại ổ dịch này lên 14 trường
hợp. Số mắc sốt xuất huyết trên toàn tỉnh đã ghi nhận từ đầu năm đến nay là 41
trường hợp; với 07 ổ dịch đã xác định, trong đó 06 ổ dịch đã kết thúc và 01 ổ dịch
đang hoạt động tại Lộc Động, Yên Thái, Yên Mô.
Các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản
đang ổn định và được kiểm soát tốt, như ho gà, tay chân miệng chỉ ghi nhận các
trường hợp rải rác trong tháng 8 và đầu tháng 9; riêng sởi chưa ghi nhận trường
hợp mắc. Chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm.
Sở đã chỉ đạo Trung tâm y tế các
huyện, thành phố hướng dẫn người dân thực hiện đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi
trường trong mùa mưa lũ. Sau bão, tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng
nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm
bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ
gia đình; kiểm tra giám sát việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở
y tế đảm bảo thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Trên địa bàn tỉnh không ghi nhận
sự cố mất an toàn thực phẩm và vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra do người dân
tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo trước, trong và sau bão số 3.
Số hộ dân sống ngoài đê bị ngập
nước và cô lập là 3.874 hộ hiện đang chờ nước rút (huyện Nho Quan 2.074 hộ;
huyện Gia Viễn 1.698 hộ; huyện Yên Mô 56 hộ; huyện Yên Khánh 46 hộ,). Tài sản thiệt hại ước tính khoảng
100 triệu (sét đánh, chập điện…); 02 Trạm
Y tế xã thuộc huyện Nho Quan bị ngập dưới 1m (Gia Thủy, Sơn Hà), nhưng vẫn tổ
chức khám chữa bệnh cho nhân dân được (tại tầng 2), không bị thiệt hại về người,
thuốc, hoá chất, trang thiết bị y tế.
Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành phối
hợp ngành y tế triển khai các biện pháp xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh
và an toàn thực phẩm sau bão, lũ.
Xem báo cáo số 235/BC-SYT tại đây.