Tổng hợp thiệt hại do bão số 3 và mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Lượt xem: 965
Thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình báo cáo tổng hợp thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Theo đó, tỉnh có những đánh giá như sau:

Đối với bão

Chiều ngày 07/9, bão số 3 đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 12-13, giật cấp 15. Tại tỉnh Ninh Bình số liệu gió mạnh nhất đo được: tại Trạm Thuỷ văn Như Tân (xã Kim Tân, huyện Kim Sơn) cấp 5, giật cấp 8; tại Thành phố Ninh Bình cấp 5, giật cấp 7; tại Nho Quan cấp 7, giật cấp 8. Hồi 4 giờ sáng ngày 08/9 bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía tây Bắc Bộ.

Ngay sau khi có thông tin về cơn bão số 3, xác định đây là cơn bão lớn, cường độ mạnh, tăng cấp nhanh, nguy cơ gây ra thiệt hại rất lớn nếu đổ bộ vào khu vực tỉnh Ninh Bình. Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt tỉnh Ninh Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3. Công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm chỉ đạo để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân chủ động có các biện pháp ứng phó.

Thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh uỷ, HĐND, UBND đã liên tục chỉ đạo ứng phó với Cơn bão và mưa, lũ sau bão. Tỉnh uỷ đã ban hành văn bản số 2526-CV/TU ngày 05/9/2024 của về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3. UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành các Công điện: Số 20/CĐ-UBND ngày 03/9/2024, số 21/CĐ-UBND ngày 05/9/2024 và số 22/CĐ-UBND ngày 07/9/2024 ứng phó với Cơn bão.

Tỉnh Ninh Bình đã thành lập các Đoàn kiểm tra do các đồng chí Lãnh đạo tỉnh làm Trưởng Đoàn đi chỉ đạo, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 ở các địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và các công điện của UBND tỉnh. Bên cạnh đó đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên đi kiểm tra tại các địa bàn xung yếu, có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão số 3.

anh tin bai

 Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn và Đoàn kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Kim Sơn

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các đồng chí Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Ban Chỉ huy PCTT&TKCN) đã luôn bám sát địa bàn được phân công phụ trách cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo ứng phó với Bão số 3.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác ứng phó bám sát với các kịch bản cho từng khu vực từng thời điểm cụ thể đã được phê duyệt; trong đó: Tập trung đảm bảo dòng chảy cho các tuyến sông; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho phương án 4 tại chỗ, quyết tâm bảo vệ các tuyến đê sông và tăng cường bảo vệ tuyến đê vùng biển Kim Sơn.

Đến 15h ngày 05/9/2024 đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; Đến 15h ngày 06/9/2024 đã di dời toàn bộ 2.685 người dân ngoài đê Bình Minh 2 vào nơi trú tránh an toàn.

Cho trẻ em, học sinh, học viên nghỉ học không đến trường trong ngày 07/9/2024.

Tạm ngừng toàn bộ hoạt động các tuyến đò bắt đầu từ 15h00 ngày 06/9/2024 cho đến khi bão tan, gia cố bảo vệ trọng điểm đê Bình Minh 3 để ngăn sóng đánh tràn qua đê gây sạt lở, vỡ đê bằng trải bạt mái đê phía đồng.

anh tin bai

Mực nước trên sông Hoàng Long tại xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn đang lên cao.(ảnh Báo Ninh Bình)

Đối với lũ

Hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây ra mưa to đến rất ro trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Lượng mưa đo được từ (360-475)mm. Đã xuất hiện đỉnh lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy đạt trên báo động 3.

Ngày 12/9 mực nước tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 4,93m trên BĐ3 0,93m; Gián Khẩu ở mức 4,53m, trên BĐ3 0,83m (cao hơn mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017 (4,50m)); Sông Đáy tại Ninh Bình đạt đỉnh mức 4,21m, trên BĐ3 0,71m. Thời gian lũ đạt đỉnh kéo dài 3-5h đồng hồ đã gây áp lực rất lớn lên các tuyến đê.

Ngay sau khi Cơn bão số 3, song song các hoạt động kiểm kê, khắc phục thiệt hại, tỉnh Ninh Bình chỉ đạo tiếp tục tập trung cao, theo dõi sát tình hình, tỉnh tiếp tục thành lập các Đoàn do Lãnh đạo tỉnh làm Trưởng Đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa, lũ, rà soát toàn bộ các tuyến đê, kè, cống, hồ, đập trên địa bàn tỉnh và triển khai khắc phục ngay các điểm xung yếu; chỉ đạo tổ chức bơm tiêu nước trên toàn tỉnh.

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tiếp tục bám sát địa bàn được phân công phụ trách cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ.

Để triển khai ứng phó với mưa, lũ sau bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 10/9/2024; Công điện số 24/CĐ-UBND ngày 12/9/2024 để ứng phó với mưa, lũ; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã ban hành Lệnh di dân số 56/L-BCH Hồi 13h ngày 12/9/2024 yêu cầu UBND các huyện Gia Viễn, Nho Quan triển khai di dân vùng xả lũ bao gồm 4 xã huyện Gia Viễn và 8 xã huyện Nho Quan.

Thông tin từ báo cáo cho thấy, công tác 4 tại chỗ được tỉnh thực hiện tích cực, kịp thời, trong đó: Xử lý cọc tre hộ chân và trải bạt chống xói lở mái đê phía đồng tuyến đê Hữu Đáy đoạn qua xã Hùng Tiến huyện Kim Sơn; đắp bao đất, cát nâng cao trình đê tả sông Vạc dài khoảng 500m có cao trình thấp hơn so với các đoạn còn lại); gia cố bể xả và đắp bao cát nâng cao cao trình bể xả trạm bơm Gia Trấn; đắp nâng cao trình 7 vị trí đê trên các tuyến sông Vó, sông Vạc, sông Cầu Đằng; Chỉ đạo di dời gần 100 hộ dân thuộc các huyện Yên Mô, Nho Quan vào nơi an toàn.

Tổ chức di dời dân cư sống ngoài đê có nguy cơ bị ngập do lũ với tổng số 8.232 hộ; di dời dân vùng có nguy cơ ảnh hưởng do xả tràn Lạc Khoái với tổng số 2.321 hộ.

Tổ chức rà soát xử lý giờ đầu các trọng điểm xung yếu: Xử lý chống sạt lở mái đê phía đồng tuyến đê Hữu Đáy đoạn qua xã Hùng Tiến huyện Kim Sơn bằng cọc tre hộ chân và trải bạt; Xử lý mạch đùn mạch sủi tại K18+317 đê Hữu Đáy thuộc khu vực Đền Trương Hán Siêu, thành phố Ninh Bình bằng bao tải cát; Xử lý thẩm lậu, rò rỉ tại Km30+800 - K30+850 trên tuyến đê Hữu Đáy, khu vực cống Yên Xuyên, xã Khánh An, huyện Yên Khánh bằng bạt và bao tải cát; Đắp chống tràn nâng cao trình đê chống tràn 300m đê Bối Lạc Vân, huyện Nho Quan bằng bao tải đất, cát.

Về thiệt hại

Với việc luôn chủ động các phương án phòng, chống bão, lũ, nên đã giảm thiệt hại do bão, lũ gây ra; không có thiệt hại về người, tất cả các hộ dân tại khu vực nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Hệ thống đê điều, trạm bơm, hồ đập, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc của tỉnh vẫn vận hành an toàn đảm bảo chống lũ, tiêu úng, cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Các hộ dân bị ngập phần lớn nằm tại khu vực ngoài đê. Do vậy, toàn tỉnh không có thiệt hại về người, có 01 ngôi nhà bán kiên cố bị thiệt hại nặng; 4.923 ngôi nhà bị ngập nước và 319 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp; 06 điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó có 03 điểm trường bị ngập úng; 05 cơ cở y tế bị thiệt hại, trong đó có 04 cơ sở bị ngập úng; 01 công trình văn hóa bị thiệt hại.

Về nông, lâm nghiệp, thủy sản: có 2.115,8 ha lúa và 304,8 ha hoa màu bị ảnh hưởng; 107 ha cây lâu năm, cây hàng năm, cây ăn quả và 41 ha rừng bị thiệt hại; hàng ngàn cây bóng mát, cây xanh bị gãy đổ; trên 6.450 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; có khoảng trên 3.000 ha ao nuôi cá truyền thống, 26 ha diện tích nuôi cá da trơn, 133 ha nuôi tôm bị thiệt hại.

Khoảng 2,75 km đê cấp III trở lên và 3,2 km đê cấp IV trở xuống bị sạt, nứt và xuất hiện mạch đùn mạch sủi; trên 5,5 km kênh bị hư hỏng; 04 trạm bơm bị hư hỏng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1,67 km đường bị sạt lở, hư hỏng; 34,87 km đường bị ngập; 190 cột điện trung cao thế và hạ thế bị gãy đổ; 3.600m dây trung cao thế và hạ bị đứt; 07 trạm biến thế trung cao thế và hạ bị hư hỏng; gần 2.500 hộ bị thiếu nước sạch, trên 420 ha vùng dân cư có nguy cơ bị ô nhiễm.

Tổng ước tính giá trị thiệt hại 376.590 triệu đồng

Công tác khắc phục hậu quả

Trước tình hình bão, mưa lũ xảy ra, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh hiện đang tập trung khắc phục hậu quả, yêu cầu 100% thành viên Ban chỉ huy xuống địa bàn theo nhiệm vụ được phân công, phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng cán bộ chiến sỹ quân đội, công an, các tổ chức đoàn thể, dân quân tự vệ giúp nhân dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ; tập trung huy động lực lượng, phương tiện để tu sửa, khắc phục các sự cố về đê điều, giao thông, xây dựng. Tập trung chỉ đạo xử lý tiêu độc, khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh xảy ra.

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành chức năng khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã thành lập các đoàn về địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.

Cổng TTĐT tỉnh
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH