Cần gìn giữ, trao truyền thúc đẩy niềm yêu thích, đam mê văn hóa Việt
Lượt xem: 164
Tập trung khai thác, phát huy được giá trị văn hóa bản địa, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó sẽ thu hút khách du lịch; đồng thời cần phải gìn giữ, trao truyền thúc đẩy niềm yêu thích, đam mê văn hóa Việt.
Cần gìn giữ, trao truyền thúc đẩy niềm yêu thích, đam mê văn hóa Việt- Ảnh 1.
 

Biểu diễn Quan họ trên dòng sông di sản Tràng An, tỉnh Ninh Bình.

Coi truyền thống văn hóa Việt là hồn cốt

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu TP. Hà Nội trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 21/8 về việc làm thế nào để nâng cao chất lượng và tăng số lượng đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn tới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong bối cảnh hiện nay nếu không có nhiều giải pháp quyết liệt sẽ có một số bộ môn nghệ thuật truyền thống bắt đầu "khép lại". 

Theo Bộ trưởng, sở dĩ có tình trạng như vậy vì đầu vào chúng ta không có, muốn đào tạo thì phải có đầu vào, phải có nhu cầu thì các cơ sở đào tạo mới tuyển sinh được. Vì vậy, để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này Bộ VHTTDL đã cho tập trung nghiên cứu, khảo sát xem nhu cầu, nguyện vọng, năng khiếu, yêu thích của các em học sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong bối cảnh chúng ta hội nhập sâu và rộng với quốc tế thì có những bộ môn thuộc về nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị tác động nếu như chúng ta không có cách bảo tồn, vì vậy Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên bằng cách giảm học phí, được hưởng các chế độ ưu đãi khi vào học, hiện nay Bộ VHTTDL đang làm, đang triển khai công tác này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các nhóm ngành như: Nhạc công hát kịch dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ truyền thống, đấy là những môn chúng ta đang cần phaỉ thu hút.

"Việc này không phải học trong các trường của Bộ VHTTDL mới được ưu đãi và hằng năm chúng tôi gửi công văn về tất cả các địa phương, các sở đề nghị phát hiện các trường hợp có năng khiếu ở lĩnh vực này gửi báo cáo và đề xuất. 

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được một thông tin nào từ phía địa phương là có bao nhiêu em có học ở chỗ này, chỗ kia có mong muốn được học ở lĩnh vực trên", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục công bố thông tin rộng rãi, đăng ký các nhóm ngành và nếu phát hiện bất cập sẽ báo cáo với Bộ Tài chính để trao đổi, đảm bảo quyền lợi cho người học.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, giải pháp lâu dài, căn cơ, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là phải yêu văn hóa Việt Nam, coi truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt, cần phải gìn giữ, lưu truyền, trao truyền và chỉ khi thực sự yêu thích, đam mê chắc chắn tỷ lệ sẽ được tăng thêm.

"Việc này chúng ta phải làm, làm bằng nhiều cách và làm từ từ chứ không thể ngày một, ngày hai và có ngay được các sản phẩm này. Tôi thấy giới trẻ tiếp cận với các môn nghệ thuật truyền thống rất hay và có nhiều cách làm mới.", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tập trung hoàn thiện các chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa

Đề cập đến các chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, phát triển công nghiệp văn hóa được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, trong các văn kiện của các nghị quyết chuyên đề đã đề cập đến lĩnh vực này và chính thức tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thuật ngữ về công nghiệp văn hóa được xác định trong văn kiện và để triển khai Nghị quyết Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755 năm 2016 về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. 

Quá trình tổ chức thực hiện chiến lược chúng ta đã có đánh giá lại và thấy rằng công nghiệp văn hóa đã nhận diện ra 12 loại hình gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh, dịch vụ du lịch văn hóa. 

Với 12 nhóm ngành này theo phân cấp quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý 5 nhóm ngành còn lại các ngành khác giao cho các bộ, ngành khác nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, khi đánh giá lại tổng quát, chúng ta thấy rằng đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế đã chiếm tỷ trọng khá cao. Bình quân mức tăng trưởng đóng góp vào 4,04% trong GDP và con số này cũng được công bố trên các tài liệu thống kê. 

Để triển khai công nghiệp văn hóa, nhất là kết luận của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ VHTTDL đã chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước, cụ thể là Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị về công nghiệp văn hóa toàn quốc lần đầu tiên. 

Tại Hội nghị đã tập trung đánh giá lại hiệu quả thực hiện, xác định các trọng tâm, nhiệm vụ giải pháp và đang ban hành chỉ thị kết hợp với chiến lược công nghiệp văn hóa mới, trong đó có 3 điểm lưu ý.

Thứ nhất là về khuôn khổ pháp lý sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội để hoàn thiện các chính sách, nhất là các luật có liên quan vừa qua Quốc hội đã ban hành, ví dụ như Luật Điện ảnh để tạo sự phát triển hoặc Luật Bản quyền, hay tới đây sẽ có Luật Quảng cáo và các luật khác nữa.

Thứ hai, phải xác định đề cao vai trò chủ thể của ba nhà, trong đó Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, hoạch định chính sách; doanh nghiệp là cơ quan tổ chức thực hiện, triển khai các chiến lược này nhà sáng tạo là đội ngũ văn nghệ sĩ, đấy là lực lượng lao động sáng tạo để tạo ra các sản phẩm về công nghiệp văn hóa có xác định.

Theo Bộ trưởng, với 3 lĩnh vực đó tập trung vừa làm vừa triển khai diện rộng nhưng đồng thời áp dụng vào những thị trường có tính chất trọng điểm, tiềm năng. Vừa qua các Nghị quyết của Quốc hội, của Bộ Chính trị đã cho phép Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 2 địa phương này là 2 đầu tàu lớn đã triển khai và đã có những chiến lược, Đề án riêng cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

"Chúng tôi theo dõi thấy rằng tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo rất tích cực, vừa lan tỏa, vừa phát huy được sức mạnh nền của văn hóa và văn hóa còn giữ vai trò kiến tạo giúp phát triển bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc

Trả lời câu hỏi của đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh liên quan đến những chính sách và biện pháp cụ thể để cân bằng sự phát triển giữa du lịch và bảo tồn di sản văn hóa, đảm bảo phát triển du lịch bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, ngược lại văn hóa phát triển làm cho du lịch được thăng hoa. Hai vấn đề này là một mối quan hệ với nhau. 

Trong chiến lược về phát triển du lịch mà Chính phủ ban hành cũng như chiến lược về văn hóa đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. Chính vì vậy, vừa qua chúng ta nhìn thấy con số thống kê khi khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam cũng dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa này.

"Do đó, chúng tôi mong muốn tập trung khai thác, phát huy được giá trị văn hóa bản địa, giá trị văn hóa truyền thống, từ đó sẽ thu hút khách du lịch. Cách làm này hiện nay nhiều địa phương làm rất tốt chứ không phải đơn lẻ", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đưa ra ví dụ về điểm du lịch ở Hòa Bình gắn chặt với yếu tố của đồng bào dân tộc của địa phương hoặc điểm du lịch Điện Biên cũng bắt đầu dựa trên múa xòe, văn hóa ẩm thực để thu hút khách.

Theo Bộ trưởng, ở đây chúng ta kết hợp hài hòa chứ không phải hiểu đơn giản là khai thác tối ưu lợi thế văn hóa để biến tài nguyên văn hóa thành tài nguyên du lịch. Nếu như "khai thác" không đúng sẽ không phát huy giá trị văn hóa để tạo sức hấp dẫn, thu hút khách. Vừa rồi cách làm này đã thành công, đó là một trong những dòng sản phẩm chính trong chiến lược du lịch chúng ta đã vạch ra.

Đề cập đến sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã có đề án về sản phẩm du lịch đêm, trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu dựa trên các yếu tố quy hoạch để tính toán các dòng sản phẩm và đánh giá thị trường của khách để làm các sản phẩm.

Bộ trưởng nêu, có nhiều địa phương không làm thì thiếu mà làm thì thừa, làm thì du khách không đến như đại biểu cảnh báo. Nhưng trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hội đồng nhân dân các tỉnh. 

Ví dụ như cách gợi ý của Bộ VHTTDL với thành phố Hồ Chí Minh, đó là dựa trên tài nguyên sông nước, dòng sản phẩm chủ yếu là kết hợp sông Sài Gòn và kết nối thương cảng để tạo ra dòng sản phẩm. Trên cơ sở như vậy thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu tạo ra các tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, kết nối các sản phẩm trên dòng sông để thu hút du khách đến.

"Tôi nghĩ là mỗi một địa phương có một cách làm sáng tạo như tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị 08 của Chính phủ và Nghị quyết 82 là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc, mang tính cạnh tranh cao, buộc các địa phương phải suy nghĩ. 

Nếu hỏi Bộ trưởng đi làm sản phẩm du lịch đêm thì chúng tôi có đề án, có khung, chúng tôi gợi ý cách làm, còn lại chúng tôi không thể đi làm thay cho địa phương, ở địa phương này, ở địa phương khác được", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với các đại biểu.

Theo Baochinhphu.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH