Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số
Lượt xem: 54
Sáng nay (19/7/20240, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long; các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, các thành viên Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.  Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.
 Kinh tế số Việt Nam tăng cao nhất ASEAN 2 năm liên tiếp- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh:baochinhphu.vn

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông – cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm.

Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1. Cụ thể, báo cáo của Google xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% - 55%.

Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đến nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020; tỉ lệ hồ sơ trực tuyến ở năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỉ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần).

Về phát triển kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6/2024 là 18,5%...

anh tin bai

Hình ảnh tại điểm cầu Ninh Bình

Tại tỉnh Ninh Bình, 07 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông. Tổng số trạm phát sóng di động mặt đất (BTS) là 2323 trạm. Tổng số vị trí trạm phát sóng di động mặt đất (BTS) là 969 vị trí tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. Thuê bao di động băng rộng đạt 75,07 thuê bao /100 người dân tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Thuê bao băng rộng cố định đạt 21,5 thuê bao /100 người dân tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet đạt 90%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang đạt 71,8% tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt 90,6% tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. 14 doanh nghiệp/chi nhánh/Văn phòng đại diện hoạt động lĩnh vực bưu chính chuyển phát giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023.  216 điểm phục vụ bưu chính tăng 1% so với cùng kỳ trong đó có 120 điểm bưu điện văn hóa xã.

Tỉnh Ninh Bình đã cấp 897.339 thẻ căn cước công dân gắn chíp, cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh, cấp 769.790 tài khoản định danh điện tử, đã kích hoạt 598.198 tài khoản.

Đến 01/6/2024, tỉnh Ninh Bình đã thu nhận 734.331 tài khoản định danh điện tử, 647.570 tài khoản được Bộ Công an phê duyệt, 598.198 tài khoản định danh được kích hoạt.

Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 765.472 tài khoản (~160%, 1 người có thể mở nhiều hơn 1 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau). Tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe người dân, từng bước thay thế y bạ giấy đạt 90%. Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt 40%. Tỷ trọng thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt đạt khoảng 50%. Số lượng điểm kinh doanh dịch vụ Mobile money 2.248 điểm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023). Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng dịch vụ mobilemoney/tổng số thuê bao di động đạt 20,35% (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023).

Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước tham gia cài đặt và sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia sàn thương mại điện tử... và phục vụ công việc và cuộc sống. 

Kinh tế số Việt Nam tăng cao nhất ASEAN 2 năm liên tiếp- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh:baochinhphu.vn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là những động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ tiếp theo.

Đảng ta đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong nhiều văn kiện, trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số.

Thủ tướng khái quát 5 bài học kinh nghiệm quan trọng.

Thứ nhất, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số quốc gia.

Thứ hai, phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ ưu tiên, rõ thời gian, rõ kết quả để dễ kiểm tra, dễ giám sát, đánh giá, dễ khen thưởng, kỷ luật phù hợp. Phải tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, "làm việc nào dứt việc đó", tăng cường phối hợp, bám sát thực tế, phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Thứ ba, phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, mạnh dạn thí điểm các mô hình mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy mạnh mẽ đầu tư đối tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư.

Thứ tư, phải luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.

Thứ năm, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; luôn cầu thị, lắng nghe phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Phải nói thật, làm thật, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự Hội nghị. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các ngành, địa phương quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo thực hiện CĐS trên tinh thần “5 đẩy mạnh”, “5 đảm bảo” gắn với “5 không” (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không bàn lùi, chỉ bàn làm; không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình CĐS quốc gia).

Thủ tướng yêu cầu đến cuối năm 2024, tất cả các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Đến tháng 6-2025, từ chuyên viên đến lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên viên, lãnh đạo UBND cấp xã, huyện, tỉnh phải xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030"…

Cổng TTĐT tỉnh (tổng hợp)
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH