Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, HTX; kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Lượt xem: 96
Sáng 26/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản năm 2024.
Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, HTX; kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ về Hợp tác, hỗ trợ, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện các sở, ngành của tỉnh cùng hơn 90 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Đây là dịp để các cơ quan chuyên môn hiểu rõ và đầy đủ hơn về những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, từ đó cùng tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững. Đồng thời, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu rõ hơn về tiềm năng, chủ trương, chính sách của tỉnh, từ đó đặt ra hướng đi, khai thác tiềm năng để phát triển sản phẩm.

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp HTX về kết nối cung cầu thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, toàn tỉnh hiện có 391 HTX, trong đó có 181 HTX chuyên ngành hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất, đại diện cho xã viên tổ chức sản xuất, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản. Toàn tỉnh hiện có 181 sản phẩm OCOP, trong đó có 70 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 111 sản phẩm xếp hạng 3 sao.

Trong những năm qua, hoạt động của các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời giữ vai trò, vị trí quan trọng, vừa hỗ trợ thành viên tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới vừa thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh ước đạt hơn 5.742 tỷ đồng, tăng 3,3%.

Giai đoạn 2022-2025, Ninh Bình định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh theo 5 tiểu vùng sinh thái gắn với phục vụ du lịch. Việc xây dựng, mở rộng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ được coi là bước đột phá để nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập, là bước đi quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Tại hội nghị đối thoại, nhiều doanh nghiệp, HTX đã trao đổi, nêu những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình hoạt động, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Các chính sách thuế đối với HTX; các chính sách về đất đai; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ các sản phẩm OCOP đánh giá lại; thời hạn của các sản phẩm OCOP; chính sách về cho thuê đất rừng để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp…

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp HTX về kết nối cung cầu thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Đại diện doanh nghiệp, HTX nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp&PTNT, đại diện doanh nghiệp cung ứng giải pháp công nghệ chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở hướng phát triển các kênh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là qua thương mại điện tử.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp&PTNT ghi nhận, đánh giá cao những kiến nghị, đề xuất chính đáng của doanh nghiệp, HTX; cam kết đồng hành, giải quyết và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, để cùng các cơ quan chức năng chung tay tháo gỡ khó khăn.

Để ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, trong thời gian tới, trên cơ sở xác định rõ các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của từng vùng sinh thái, Sở sẽ hỗ trợ xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua nhiều hình thức, nhất là đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. 

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông), nhằm đưa nông sản của tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Tập trung thu hút, phát triển doanh nghiệp, HTX, tổ liên kết trong sản xuất nông nghiệp; tham mưu cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến sâu.

Tại hội nghị, các đơn vị đã ký kết biên bản ghi nhớ về Hợp tác, hỗ trợ, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH