DDCI-"Chìa khóa" nâng cao năng lực cạnh tranh các sở, ngành, địa phương
Lượt xem: 60
Chính quyền kiến tạo, hành động vì doanh nghiệp đang là mục tiêu hướng tới trong công cuộc cải cách hiện nay. Tại Ninh Bình, song song với việc thực hiện các giải pháp điều hành, quản trị mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cả nhiệm kỳ 2020-2025, việc triển khai Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương (DDCI) từ năm 2021 đến nay đã thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.
DDCI-

Giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Anh Tuấn

Vượt khó thành công 

Năm 2023 được các chuyên gia kinh tế nhận định là năm khó khăn nhất của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 30 năm trở lại đây. Tác động của suy thoái kinh tế hậu đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động đầu tư cũng như lực cầu tiêu thụ hàng hóa. Trong bối cảnh đó, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh năm 2023 vẫn có tốc độ tăng 7,27% so với năm 2022, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Nối tiếp kết quả đó, 6 tháng đầu năm 2024, Ninh Bình tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ đạt 8,19% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 06/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng. 

Đây là kết quả của nhiều giải pháp điều hành quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở nhằm triển khai kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt là công tác đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, theo công bố mới nhất, năm 2023, kết quả chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX của tỉnh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chỉ số PCI xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố; chỉ số sự hài lòng về phục vụ hành chính SIPAS xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố. 

Điều này cũng đã thể hiện rõ sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với tinh thần hướng về cơ sở, sâu sát với cơ sở; đặc biệt là sự quyết liệt, hiệu quả trong tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, trong nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để tạo đà, bứt tốc về đích các mục tiêu kinh tế-xã hội của nhiệm kỳ 2020-2025. 

Thông điệp của sự cầu thị 

Với quan điểm, chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp, quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao, cải thiện các chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)... 

Đặc biệt, từ năm 2021, tỉnh đã triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thành phố (DDCI). Đây không chỉ là kênh thông tin khách quan, phản ánh trung thực đánh giá của doanh nghiệp, người dân về công tác điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước; thái độ, trách nhiệm, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ mà còn là thông điệp thể hiện sự cầu thị, quan tâm của tỉnh đối với cộng đồng doanh nghiệp, với mong muốn xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Ninh Bình phát triển bền vững trên nền tảng kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và bình đẳng. 

Việc triển khai đánh giá, khảo sát Chỉ số DDCI tại Ninh Bình là một quyết định đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện quyết tâm, tính năng động tiên phong của Lãnh đạo tỉnh, là một tín hiệu đáng mừng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Công tác đánh giá được triển khai bài bản theo kế hoạch chu đáo được UBND tỉnh ban hành. Quá trình khảo sát được tiến hành độc lập bởi đơn vị tư vấn và giám sát chặt chẽ bởi Tổ công tác giám sát triển khai thực hiện Chỉ số DDCI của tỉnh. Kết quả đánh giá DDCI không chỉ nêu lên thứ hạng mà quan trọng hơn, biểu đạt rõ ngôn ngữ của Chỉ số DDCI thông qua các chỉ số thành phần, dưới góc nhìn và đo lường sự cảm nhận của doanh nghiệp. 

Sự công khai kết quả đánh giá và nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải thiện các chỉ số thành phần có ý nghĩa kích hoạt các sáng kiến cải cách hành chính cải thiện môi trường kinh doanh liên tục, hiệu quả và tạo thông điệp mới thân thiện, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, rui ro thấp cho cộng đồng doanh nghiệp. Sự quyết tâm chính trị và tính năng động tiên phong của Lãnh đạo tỉnh là tiền đề cho những cải cách hiệu quả, thể hiện chất lượng điều hành trong bối cảnh mới. 

Là đơn vị được UBND tỉnh giao phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện triển khai Bộ chỉ số DDCI, ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Tập đoàn kinh tế Xuân Thành nhận định: "Qua 3 năm triển khai, DDCI đã khẳng định là một kênh đánh giá có ý nghĩa quan trọng. Không chỉ tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi nhìn thấy sự cầu thị của các cấp chính quyền, DDCI còn là cơ hội để nâng tầm công tác quản lý, điều hành kinh tế; đặc biệt là cải cách hành chính theo hướng thân thiện, thích ứng trong thời kỳ số hóa. Có thể nói, sự thay đổi, cải cách nói chung và trong lĩnh vực doanh nghiệp nói riêng là một lộ trình dài, không nghỉ, không có điểm dừng, nhưng từ khi triển khai đánh giá DDCI đã nâng tầm rõ rệt cách quản lý của chính quyền cấp cơ sở đạt những kết quả đáng khích lệ". 

Tạo "sức nóng", nối dài tinh thần cải cách 

Năm 2024 là năm thứ 4 Ninh Bình triển khai đánh giá DDCI trên cơ sở thu thập, tổng hợp, nghiên cứu mức độ hài lòng, ý kiến đánh giá của các tổ chức, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đối với các khía cạnh liên quan đến điều hành kinh tế, đồng hành và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh được thực hiện bởi các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Thông qua kết quả thống kê, bức tranh tổng thể về môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực và tại các địa phương từ góc nhìn của các cá nhân, tổ chức kinh doanh sẽ được thể hiện rõ. Từ đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. 

Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm nay, chúng tôi tiếp tục vận dụng đa dạng các hình thức khảo sát như thư gửi qua đường bưu điện, khảo sát online, phỏng vấn trực tiếp; tuy nhiên tập trung nhiều hơn vào hình thức phỏng vấn trực tiếp để có được đánh giá, cảm nhận chính xác hơn từ các doanh nghiệp. Cùng với đó, bước sang năm thứ 4, các hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp cấp tỉnh và cấp huyện đã đồng hành, tích cực trong việc vận động hội viên tham gia khảo sát. Cùng với công tác truyền thông rộng rãi, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cũng tích cực hơn, trách nhiệm hơn đối với câu trả lời và đưa ra cảm nhận. Với số lượng doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia dự kiến khoảng 3.100 doanh nghiệp, trong đó có 800 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương; 2.300 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ban, ngành; số phiếu khảo sát dự kiến phát ra khoảng 5.400 phiếu sẽ giúp đưa ra góc nhìn đa dạng, khách quan và mang tính đại diện cao hơn". 

Kết quả khảo sát DDCI tiếp tục là cơ sở để nghiên cứu đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Từ đó, tạo phong trào thi đua nâng cao chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; thúc đẩy tinh thần chủ động cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH