Đột phá từ Chỉ thị số 40-CT/TW: Kỳ II- Chắp cánh những ước mơ
Lượt xem: 39
Không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tín dụng chính sách còn góp phần hiện thực hóa những giấc mơ học tập, chinh phục tri thức, giấc mơ về một ngôi nhà kiên cố để an cư lạc nghiệp của nhiều người.
Đột phá từ Chỉ thị số 40-CT/TW: Kỳ II-

Niềm vui của chị Bùi Thị Tuyến (bên trái) ở thôn Quán Vinh, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư trong ngôi nhà mới.

Chinh phục tri thức 

Cho đến bây giờ, bà Trần Thị Giang (xóm 2, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn) vẫn không quên cảm giác vừa mừng, vừa lo khi cầm trên tay tờ Giấy báo trúng tuyển đại học của con trai đầu lòng. Nỗi lo của bà Giang được giải tỏa khi đồng vốn chính sách "gõ cửa" gia đình bà. 

Nhớ lại những ngày đầu, bà Giang ngậm ngùi chia sẻ: "Con đỗ Đại học mừng mừng tủi tủi bởi không biết lấy tiền đâu cho con đi học khi một mình tôi phải nuôi 4 đứa con ăn học. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 2 mẫu ruộng và nghề thuốc nam gia truyền. Thương mẹ, con tôi bảo để nó bảo lưu kết quả, đi làm thêm phụ giúp mẹ nuôi các em trước, rồi đi học sau nhưng tôi thương con, không nỡ. Biết được hoàn cảnh của gia đình, đại diện cấp ủy, chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể đã đến vận động cho cháu đi học và hỗ trợ mọi thủ tục để tôi được vay vốn học sinh sinh viên từ NHCSXH...". 

4 năm sau, có tấm bằng kỹ sư trong tay, con trai bà Giang được tuyển vào một Công ty cơ khí với mức lương cao và trở thành trụ cột của gia đình nuôi các em đang theo học đại học và THPT. Trong ngôi nhà nhỏ treo đầy những giấy khen của các con, bà Giang không giấu được niềm hạnh phúc. "Các con của tôi có được thành công như ngày hôm nay tất cả là nhờ có sự quan tâm của địa phương, nhờ chính sách tín dụng nhân văn của Đảng, Nhà nước". 

Không chỉ riêng bà Giang, ông Nguyễn Văn Tám và bà Phạm Thị Tuyến ở khu Phố Đông, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh cũng rất xúc động khi chia sẻ về đồng vốn chính sách đối với gia đình. Là hộ thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào 2 vụ lúa nên việc duy trì cho con đến giảng đường Đại học rất khó khăn, nhưng gia đình ông Tám vẫn kiên trì bám trụ cho 3 con đến trường. May mắn là trong hành trình chinh phục tri thức, gia đình ông luôn có sự đồng hành của NHCSXH. Các con của ông Tám đều hiểu được hoàn cảnh gia đình nên rất nỗ lực chăm chỉ học tập. Con gái đầu và con trai thứ 2 cùng học Đại học Bách Khoa Hà Nội, con trai út học Đại học Bưu chính Viễn thông.

"Vất vả, cực nhọc thế nhưng cả nhà chúng tôi đã dìu dắt nhau vươn lên, đến hôm nay dù vẫn là khách hàng thân thiết của NHCSXH nhưng vợ chồng tôi có thể mãn nguyện vì cả 3 đứa con đều ăn học thành tài, có việc làm ổn định", ông Tám tâm sự. 

Bà Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Khánh chia sẻ: Đơn vị thường xuyên phối hợp rà soát các hộ dân có nhu cầu vay vốn học sinh, sinh viên trong các đối tượng đủ điều kiện như: Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; học sinh, sinh viên là thành viên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật..., đảm bảo không có học sinh, sinh viên nào phải nghỉ học vì không có tiền đóng học. 

Theo thống kê của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Ninh Bình, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, trên địa bàn tỉnh có 70.277 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 1.599 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được hỗ trợ vay vốn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. 

Niềm vui trong những ngôi nhà mới 

Với thu nhập của vợ chồng trẻ còn thấp, việc có được một ngôi nhà riêng là điều xa vời đối với chị Bùi Thị Tuyến, thôn Quán Vinh, xã Ninh Hòa (Hoa Lư). Tuy nhiên, do gia đình có nhiều thế hệ cùng sống chung trong ngôi nhà cũ chật chội đã khiến vợ chồng chị Tuyến nghĩ đến việc làm nhà. Biết đến chính sách cho vay nhà ở xã hội, lãi suất thấp, thời gian trả nợ kéo dài, chị quyết định vay 350 triệu đồng, cộng với số tiền tích cóp được để xây dựng ngôi nhà mơ ước. Theo tính toán của chị Tuyến, với đồng lương công nhân của chị và thu nhập từ việc làm dịch vụ máy nông nghiệp của chồng, vợ chồng chị có thể dành dụm đủ để 6 tháng phân kỳ trả gốc, lãi thì trả hằng tháng, như vậy vẫn bảo đảm cho cuộc sống. 

Cũng như chị Tuyến, gia đình chị Bùi Thị Nhung và anh Bùi Trọng Toàn, thôn Cổ Loan, xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) chưa bao giờ nghĩ có được ngôi nhà khang trang với diện tích sàn gần 180 m2 như hiện nay. Chị Nhung chia sẻ: "Nếu vay các ngân hàng thương mại thì chắc chúng tôi không dám, vì lãi suất quá cao. Thật may mắn khi có chương trình cho vay nhà ở xã hội, lãi suất thấp, thời hạn vay dài, việc trả gốc, lãi linh hoạt nên vợ chồng tôi yên tâm vay vốn. Các thủ tục vay được cán bộ ngân hàng trực tiếp hướng dẫn tận tình, ngay từ đầu nên cũng khá dễ dàng". 

Niềm vui của chị Tuyến, chị Nhung cũng là tâm trạng chung của các hộ gia đình khi được vay vốn ưu đãi. Với gói hỗ trợ từ NHCSXH đã góp phần giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo, lao động, công nhân, viên chức thu nhập thấp có được căn nhà khang trang. Điều này một lần nữa khẳng định, tín dụng chính sách là một định chế tài chính công sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, kịp thời đồng hành cùng mỗi người dân trong mỗi giai đoạn quan trọng của đời người, đó là học tập, lập nghiệp, khởi nghiệp, an cư… 

Đồng chí Tống Như Tùy, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoa Lư cho biết: Chương trình cho vay nhà ở xã hội là một chương trình rất thiết thực, ý nghĩa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, do vậy đơn vị đang tích cực tuyên truyền rộng rãi đến người dân để các hộ đủ điều kiện có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Hồ sơ, quy trình vay vốn được triển khai đúng quy định và bảo đảm thời gian giải ngân nhanh nhất.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH