Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, người kiến tạo Nhà nước Việt Nam dân chủ nhân dân theo thể chế cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á. Người thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng mãi mãi là một Đảng đạo đức và văn minh, mỗi cán bộ, đảng viên xứng đáng là "hạt nhân lãnh đạo" và là "người đầy tớ thật trung thành" của nhân dân.
Ngay từ những năm bôn ba tìm đường cứu nước, sử dụng ngòi bút để vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới vấn đề tham nhũng bằng việc dành hẳn một chương (nhan đề: Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị) trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản năm 1925).
Với tầm nhìn sâu sắc, Người chỉ ra tham ô, tham nhũng "là những xấu xa của xã hội cũ", là những căn bệnh của quyền lực và đấu tranh chống tham ô, tham nhũng luôn gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại tàn dư của chế độ cũ - chế độ người bóc lột người. Chính vì thế, với tư cách là người đứng đầu Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà thành lập sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết đặt vấn đề đấu tranh với thứ giặc rất nguy hiểm này.
Tẩy sạch nạn tham ô phải tẩy sạch bệnh quan liêu và chủ nghĩa cá nhân
Nghiên cứu các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể thấy tệ tham nhũng trong cán bộ, đảng viên được Người diễn đạt dưới thuật ngữ chung nhất là tham ô. Người chỉ ra bản chất của tham ô là hành vi "ăn cắp của công, của riêng của người ta, hay của nhân dân", "lấy của công làm của tư", là gian lận, tham lam", "là không tôn trọng của công". "Của công" chính là "mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra"[1] để phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Của công là nền tảng vật chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống của nhân dân ta. Cho nên, mọi hành vi lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư đều là tham ô, "là hành động xấu xa của con người", "là tội lỗi đê tiện trong xã hội".
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ chủ thể của hành vi tham ô không chỉ là cán bộ, công chức - những người nắm chức vụ, quyền hạn nhất định trong bộ máy nhà nước, mà cả người dân bình thường, nếu "ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế" cũng là chủ thể của hành vi tham ô: "Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế"[2].
Trên cơ sở những biểu hiện cụ thể trong đời sống hằng ngày, những tàn dư, những tệ nạn xã hội cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đưa ra các dẫn chứng cụ thể hơn như: Trong lĩnh vực nông nghiệp, hành vi tham ô của các ban quản trị hợp tác xã có thể là "khi bắt đầu cày bừa cũng làm mấy con lợn để "liên hoan". Hễ có cơ hội là bày ra chè chén. Hay khi gặt về tuốt lúa dối rồi chia "rơm" cho xã viên và bà con mình đem về tuốt lại"[3]; trong các đơn vị kinh doanh là hành vi "mua đắt, bán rẻ, khai gian, làm dối, thông đồng với những chủ thầu xấu, tham ô hàng triệu đồng của Chính phủ và của nhân dân ta"[4]; với từng cá nhân cán bộ, đảng viên là biểu hiện "không biết tiếc, biết tôn trọng của công, không biết thương tiếc của cải do mồ hôi nước mắt đồng bào làm ra. Do đó mà đẻ ra xa xỉ. Lương bổng Chính phủ cấp cho chúng ta có hạn mà ta xa xỉ thì lấy tiền đâu? Đã có cái áo rồi còn muốn hai ba cái như thế là lãng phí. Lại muốn mua thứ này thứ khác mà thiếu tiền sinh ra tham ô"[5].
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến một loại tham ô nữa, có rất nhiều cán bộ, đảng viên mắc phải mà không biết hoặc coi là chuyện bình thường nên không quan tâm, đó là tham ô gián tiếp. Người lấy ví dụ: "Một cán bộ, Chính phủ, nhân dân trả lương hằng tháng đều cho, nhưng lại kém lòng trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của nhân dân"[6]. Đó là một biểu hiện mà chúng ta không nghĩ là tham ô nhưng thực chất nó ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của cán bộ, công chức.
Trên cơ sở chỉ ra tham ô là gì và phân tích các biểu hiện cụ thể của nó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời xác định nguyên nhân của tệ nạn tham ô là từ đâu. Người kết luận: "Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô hủ hóa" [7], "bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô lãng phí nảy nở" [8]. Như vậy, để tẩy sạch nạn tham ô thì trước hết phải tẩy sạch bệnh quan liêu và chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là sự tham lam (tiền tài, của cải, quyền lực, thậm chí là sắc đẹp). Đã tham là "bất liêm". Đã "bất liêm" thì không là đạo đức. Chính vì lòng tham đó, trong những trường hợp nhất định, cá nhân thường sinh ra mù quáng về vật chất, "chỉ lo cho mình được sung sướng mà không nghĩ đến đội viên, nhân dân còn khổ sở" cho nên "không thương tiếc tiền gạo do mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra"[9].
Đảng "đạo đức, văn minh" thì cán bộ, đảng viên phải nói không với tham nhũng
Đánh giá tác hại của tệ tham ô đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò của Đảng cầm quyền và tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng lưu ý, cảnh tỉnh chúng ta về mức độ nguy hiểm của loại kẻ thù này. Người nhấn mạnh: Nó là kẻ thù khá nguy hiểm vì "nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta" và dù cố ý hay không nó cũng là "bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính"[10]. Thực tế, tham ô là nguyên nhân trực tiếp làm thâm hụt ngân sách nhà nước, làm suy yếu các nguồn lực phát triển và là mối đe dọa đến sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, xói mòn lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Từ việc phân tích những tác hại nguy hiểm của tệ tham ô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những quan điểm chỉ đạo để tẩy trừ thứ giặc nội xâm này. Trước hết, theo Người, "chống tham ô là cách mạng", "nếu tìm ra, điều tra ra những vụ tham ô, Đảng sẽ thẳng tay kỷ luật và Chính phủ sẽ thẳng tay trừng trị". Người ví tẩy sạch nạn tham ô như tiêu diệt "những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả" hay "muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi".
Người cũng nhấn mạnh phải học tập theo thái độ nghiêm khắc của Lenin trước sự việc tòa án Moscow xử nhẹ một vụ ăn hối lộ: "Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy, đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng"[11]. Người cũng trích dẫn quan điểm của Stalin trong xử phạt tội tham ô: "Stalin đã có lần ví bọn tham ô như những con lợn sục vào vườn rau của Nhà nước và ngoạm lấy ngoạm để một cách trơ trẽn. Làm thế nào để trừ cho hết những thứ ấy và không để một khe hở nào cho của cải dành dụm của chúng ta lọt ra ngoài?... điều quan trọng nhất - như Stalin đã nói - vẫn là phải "gây chung quanh chúng một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức"[12].
Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng và Chính phủ lại thẳng thắn, quyết liệt như thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng, đây là những lỗi lầm đặc biệt nghiêm trọng, có hại cho dân, cho nước, cần phải ra sức kiên trì sửa chữa. Đặc biệt, sự phê phán không chỉ bằng văn thư hành chính nội bộ mà còn công khai lên báo chí công luận, như để tự phê bình, tự kiểm điểm trước nhân dân. Việc chỉ ra đích danh tham ô là hành vi "trộm cướp", "phá hoại", "là mật thám, phản quốc" đủ để quần chúng thấy rõ quan điểm, thái độ của Đảng ta không chấp nhận sự tồn tại của những hành vi ấy trong đời sống chính trị của Đảng và toàn dân. Đã là một đảng "đạo đức, văn minh" thì cán bộ, đảng viên phải trong sạch, phải nói không với tham nhũng.
Đề cao trách nhiệm nêu gương, sự trong sạch, liêm khiết của người đứng đầu
Thứ hai, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "chống tham ô là dân chủ" nghĩa là phải hết sức dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, phải làm cho quần chúng hiểu rõ và hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Đồng thời Người nhấn mạnh, công cuộc này đòi hỏi "từ trên đến dưới phải đồng tâm hiệp lực", "chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy". Muốn vậy, chúng ta "ắt phải chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên", phải dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô; phải đánh thông tư tưởng, phải làm cho mọi người hiểu được tác hại của tham ô, tránh ý nghĩ sai lầm, coi nhẹ tác dụng xấu của tham ô...
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nguyên tắc tiến hành là phải làm một cách có trọng tâm, từng bước, phải nắm vững và vào sâu, phải làm từ cấp trên xuống cấp dưới, từ bộ phận chính đến bộ phận phụ. Trong đó, cán bộ cao cấp mỗi nơi phải "thật thà kiểm thảo để làm gương mẫu", "thật thà báo cáo tình hình của đơn vị mình", phải kiên quyết "nhổ cỏ" và phải nắm vững trọng điểm. Khi kiểm thảo "ai kiểm thảo đúng người khác, sẽ được khen thưởng", "ai có lỗi mà không thật thà nói ra, sẽ bị kỷ luật" và "ai ngăn cản, đe doạ người kiểm thảo mình, sẽ bị kỷ luật"[13].
Như vậy, có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao trách nhiệm nêu gương và sự trong sạch, liêm khiết của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Còn nhớ, dù mới giữ cương vị Chủ tịch nước một thời gian ngắn, song trước những tồn tại, những khuyết điểm của đội ngũ cán bộ đảng viên trong các cơ quan công quyền, trước những thói hư, tật xấu, nạn tham ô, sự lãng phí của công, bệnh quan liêu, cửa quyền, sự lên mặt của những "ông quan cách mạng", Người đã viết bài báo "Tự phê bình" đăng báo Báo Cứu quốc, số 153, ngày 28/1/1946 tự phê bình và nhận trách nhiệm trước quốc dân: "Tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch… Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi. Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi"[14].
Trong suốt quá trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thường trực nỗi lo khi đã có chính quyền rồi, có điều kiện kinh tế khác thời kháng chiến rồi, cán bộ, đảng viên dễ bị sa ngã, dễ quan liêu, tham nhũng, hư hỏng. Vì vậy, kinh tế càng phát triển, đời sống càng được nâng cao thì càng phải chống chủ nghĩa cá nhân, càng phải rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng. Càng phải tôn trọng và gắn bó máu thịt với nhân dân, phải giữ gìn và xứng đáng là những tấm gương để quần chúng nhân dân soi vào. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện để có được tác phong sinh hoạt giản dị, lành mạnh, trong sạch. Những tư tưởng, đạo đức cách mạng cao đẹp phải biến thành những thói quen trong cuộc sống của mỗi người. Con người ta ai cũng có ham muốn, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải hướng ham muốn cá nhân đó vào việc phấn đấu thực hiện những mục tiêu, lý tưởng của cách mạng: "Làm việc nước hay làm việc gì khác, người ta thường muốn có một chút danh hay một chút lợi về phần mình… Muốn cho danh chính, lợi chính, thì Danh, làm sao cho dân tộc mình có danh với thế giới, và Lợi, làm thế nào cho tranh được lợi với thế giới"[15].
Thiết thực góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ hiện nay, đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở, tâm huyết ngày nào vẫn luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta. Cùng ôn lại, suy ngẫm, thấm nhuần những tâm nguyện và lời dặn lại của Người lúc sinh thời, để có thêm động lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, triển khai ngày càng quyết liệt hơn, bài bản hơn, hiệu quả hơn, với sự tin tưởng, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đạt nhiều thành tựu to lớn, ý nghĩa hơn nữa.
ThS. Vũ Thị Kim Yến
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.296-297
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.355
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H.2011, tr.217
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H.2011, tr.204
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H.2011, tr.609
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.345
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.217
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.345
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr. 297
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr. 358
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.288
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.12, tr.469
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.6, tr.493
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.4, tr.192-193
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 7, tr.47
Theo baochinhphu.vn