Không gian lịch sử - văn hóa kinh đô Hoa Lư làm nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh và lợi thế căn bản cho Ninh Bình có thể nâng tầm thành đô thị di sản văn minh, hiện đại - thành phố trực thuộc Trung ương (*)
Lượt xem: 111
Ngày 27/4, UBND tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới", đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu khai mạc đề dẫn. Báo Ninh Bình điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

 

Không gian lịch sử - văn hóa kinh đô Hoa Lư làm nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh và lợi thế căn bản cho Ninh Bình có thể nâng tầm thành đô thị di sản văn minh, hiện đại - thành phố trực thuộc Trung ương (*)

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

- Kính thưa đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Kính thưa đồng chí Phạm Thanh Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam

- Kính thưa đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh,

Kính thưa Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam

- Kính thưa Bà Nao Hayashi, Chuyên gia phục trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Trung tâm Di sản Thế giới

- Kính thưa các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế,

- Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, hôm nay, tại vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới". Đây là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An, ghi nhận, đánh giá công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế trong việc phát huy vai trò, giá trị của di sản trong việc hiện thực hóa khát vọng và định hướng chiến lược to lớn của tỉnh là xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, là trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của vùng, quốc gia và mang tầm quốc tế.

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, tôi xin gửi tới lãnh đạo các Bộ, ngành; các nhà khoa học, các chuyên gia và các vị khách quý trong và ngoài nước đã tới tham dự Hội thảo lời chào, lời cảm ơn và chúc sức khỏe và hạnh phúc; chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Ninh Bình - vùng đất được ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh, kỳ quan thiên nhiên đặc sắc. Nơi đây, từng ghi dấu ấn từ hàng vạn năm trước, tổ tiên xa xưa chọn là nơi cư trú, thích ứng linh hoạt với biến động môi trường sống tạo nên một dạng thức văn hóa độc đáo thời tiền - sơ sử, làm tiền đề để Cố đô Hoa Lư được chọn làm Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt trong 42 năm, thời nhà Đinh - nhà Tiền Lê và những năm đầu nhà Lý. Tất cả các yếu tố đặc sắc về thiên nhiên, văn hóa và lịch sử đã kết tinh thành một Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An bởi những giá trị nổi bật toàn cầu, được UNESCO ghi danh vào năm 2014.

Vùng đất Hoa Lư - Ninh Bình có vị trí đặc biệt, là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của Nhà nước phong kiến tập quyền ở Việt Nam. Đến Hoa Lư hôm nay còn vẹn nguyên tòa thành đá thiên nhiên hùng vĩ, những ngôi đền tưởng nhớ các anh hùng dân tộc ở hai triều đại Đinh - Tiền Lê, quỹ di tích kiến trúc, cấu trúc các làng truyền thống… cùng thói quen sinh kế của người dân và bề dày những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.

Ninh Bình còn là vùng đất sinh ra và lớn lên của các danh nhân nổi tiếng và các vị khoa bảng, nhà văn hóa, nhà khoa học đương đại. Mỗi ngọn núi, con sông trên đất Ninh Bình đều là những địa danh ghi lại những dấu tích về văn hóa, lịch sử trong tiến trình thích ứng với thiên nhiên, chống thù trong, giặc ngoài để đứng vững và phát triển. Mỗi tên đất, tên làng là cội nguồn tạo nên sức mạnh đều thể hiện khát vọng vươn lên của người dân trên mảnh đất Ninh Bình.

Trải qua 42 năm (968-1010) tồn tại và gắn bó với ba vương triều: Đinh, Tiền Lê, Lý đã thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Cồ Việt thống nhất, độc lập, tự chủ… đóng vai trò là một quân thành vững chắc do thiên nhiên và con người làm nên, do đó càng tạo nên động lực thu hút dân cư từ nhiều vùng đến sinh sống. Sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên viết vào thế kỉ 19từng tự hào về mảnh đất quê hương: "Trường Yên là thủ đô văn vật đầu tiên", "là nơi thủ đô đầu tiên danh tiếng truyền đi các nơi".

Hoa Lư thực xứng danh khi được ví như Kinh đô đá với núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện cùng nhiều đền đài và các khu vực định cư truyền thống. Hoa Lư cũng là danh xưng của đô thành - đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt, là đô thị - cảng thị tựa núi, nhìn sông, mở ra biển Đông, khai mở đặt cơ sở nền tảng cho sự phát triển của văn minh Đại Việt.

Để thấy những giá trị nổi bật của vùng đất Hoa Lư - Ninh Bình với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn đặc sắc, phong phú là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nhân văn của tỉnh nhà. Khu danh thắng Tràng An cũng được xác định là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch quốc gia, tầm cỡ quốc tế… trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tại Việt Nam.

Sau 10 năm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, khu danh thắng Tràng An đã trở thành một minh chứng rõ nét cho một xu hướng tất yếu: Đó là, kết nối du lịch di sản liên tỉnh, liên vùng, xa hơn nữa là liên quốc gia, nhằm tạo dựng giá trị và thương hiệu độc đáo của khu di sản. Điều đặc biệt là Tràng An đã tạo dựng thêm những giá trị mới để kết nối tính bản địa và tính hiện đại, của đô thị quá khứ với đô thị tương lai trên nền tảng bảo tồn hiệu quả, hài hòa, bền vững các giá trị di sản.

10 năm danh xưng Di sản Thiên nhiên - Văn hóa thế giới, người dân nơi đây được thụ hưởng những lợi ích, cùng với nỗ lực tiếp tục nghiên cứu, phát hiện, đánh giá làm hoàn thiện hơn các giá trị toàn vẹn của di sản. Tràng An - Ninh Bình trở thành sự lựa chọn, một điểm đến, một nơi chốn thân quen đáp ứng nhiều đối tượng du khách, cũng như đã bắt kịp với những nhu cầu phát triển chung của tình hình xã hội, kinh tế thị trường và đặc biệt hơn cả luôn gắn liền với chủ trương phát triển tổng hòa các yếu tố văn hóa của Đảng và Chính phủ, cùng định hướng phát triển của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.

Đây thực sự lại là thách thức cho công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thể hiện trách nhiệm của người dân và chính quyền đối với di sản quý báu của ông cha.

Chính bởi vậy, những vấn đề được đặt ra là:

- Các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản cần phải được tôn trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy với các tiêu chuẩn cao. Bảo vệ, phát huy hiệu quả, bền vững các giá trị di sản gắn với trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị và quyền lợi của các doanh nghiệp cũng như người dân sống trong Khu Di sản;

- Giữ vững danh hiệu "Di sản thế giới", nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế di sản, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là những người dân đang sống và kinh doanh trong vùng di sản;

- Sử dụng hợp lý và bền vững các giá trị di sản phục vụ phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Dung hòa giữa bảo tồn - phát triển; kết nối Khu di sản giữa đô thị và nông thôn, đảm bảo sức chịu tải của đô thị và gìn giữ tính nguyên gốc của di sản thích ứng trước biến đổi khí hậu.

- Lan tỏa những kinh nghiệm từ quản lý và phát triển Quần thể danh thắng Tràng An, cụ thể hóa bằng những chính sách phù hợp để phát huy, nhân rộng đối với các di sản ở Việt Nam và trên thế giới.

Những công việc trên sẽ cần cụ thể hóa cho mục tiêu và tầm nhìn Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là đến năm 2035 trở thành đô thị trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Du lịch - sản phẩm du lịch từ di sản là sự lựa chọn và lời giải cho mục tiêu này.

Kính thưa các quý vị đại biểu khách quý, thưa Hội thảo!

Một trong những phương châm quan trọng nhất theo suốt một thập kỷ di sản Tràng An luôn được phát huy, gìn giữ đến hôm nay là sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân… và không thể không có sự đồng hành của các nhà khoa học. Nhờ có tư vấn chuyên môn sâu sắc, tỉnh Ninh Bình đã có những chỉ đạo thực tiễn cũng như xác định nhiệm vụ trọng tâm.

Nhu cầu phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa tăng cao, thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn quá trình đô thị hóa cả đô thị và nông thôn từng bước tiệm cận với mô hình đô thị di sản. Quá trình tiến tới một đô thị di sản văn minh, hiện đại hàng đầu của cả nước mang tầm vóc quốc tế, cũng đồng thời là quá trình hoàn thiện dần các tiêu chí để Ninh Bình trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam Châu thổ sông Hồng, góp phần định dạng thương hiệu đô thị Ninh Bình.

Những giá trị nổi bật của đô thành - đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt ở phía Bắc, đã tạo lập các giá trị bản sắc đặc trưng nhất của không gian lịch sử - văn hóa kinh đô Hoa Lư làm nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh và lợi thế căn bản cho Ninh Bình có thể nâng tầm thành đô thị di sản văn minh, hiện đại - thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cực tăng trưởng phía Nam châu thổ sông Hồng. Đây là nội dung cốt lõi, là cơ sở quan trọng hàng đầu để nghiên cứu định dạng thương hiệu đô thị di sản Hoa Lư - Ninh Bình trong định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội thảo này, chúng ta cùng bàn thảo nhằm đề xuất giải pháp, những kiến nghị trọng tâm phục vụ trực tiếp cho các hoạt động quy hoạch bảo tồn đối với khu di sản hỗn hợp Danh thắng Tràng An. Bên cạnh việc giải quyết các nội dung quy hoạch bảo tồn trước và sau khi khu di sản được công nhận, cũng cần xác định những thay đổi về kinh tế - xã hội trong thời gian tới là nhiệm vụ quan trọng. Quy hoạch bảo tồn này cần đảm bảo tính đồng bộ trong việc xác định các khu vực quản lý, bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của khu di sản theo quy định UNESCO; quản lý hoạt động xây dựng, hoạt động du lịch cùng với kế hoạch quản lý làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện quản lý, bảo tồn, tôn tạo, sử dụng bền vững và phát huy giá trị khu di sản.

Chính vì vậy, Hội thảo này là cơ hội quý giá để tỉnh Ninh Bình được chào đón và tiếp nhận nhiều tri thức quý giá của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu của các chuyên ngành nghiên cứu trong nước và quốc tế. Chúng tôi đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ tập trung thảo luận một số nội dung chính sau.

- Một là: Tôn vinh, quảng bá và lan tỏa các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững, là tiền đề hướng tới xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành Đô thị Di sản thiên niên kỷ; Nhìn lại những thành tựu nổi bật trong 10 năm, và đề xuất định hướng quy hoạch bảo tồn tổng thể khu di sản với tiếp cận liên ngành, đa ngành - như một mẫu hình đô thị di sản.

- Hai là, Đề nghị các nhà khoa học tham dự Hội thảo có những đánh giá xác đáng, khẳng định vai trò và đưa ra những định hướng, giải pháp quy hoạch phù hợp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ Ninh Bình trong thời gian tới.

- Ba là, xác định vai trò, vị trí của Di sản trong phát triển kinh tế du lịch, phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn, nghiên cứu khoa học; kêu gọi, thu hút đầu tư, thu hút khách tham quan du lịch và hợp tác, kết nối các thành phố Di sản thế giới.

- Bốn là, nghiên cứu, đề xuất những giải pháp để chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa ở trong nước và trên thế giới những kinh nghiệm thực tiễn bảo tồn và phát triển từ Quần thể danh thắng Tràng An, từ đó đề xuất những chính sách phù hợp với Chính phủ và UNESCO...

Và quan trọng là, tỉnh Ninh Bình luôn mong muốn tiếp tục tôn vinh, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản và nâng cao hiệu quả trong quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản; tiếp tục thực hiện những cam kết với UNESCO trong công tác quản lý, phát huy giá trị để gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau.

Đến tham dự Hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi đã đón nhận các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực lịch sử, văn hóa, kiến trúc, quy hoạch, bảo tồn di sản, địa chất, thủy văn, nhân học, du lịch, kinh tế xã hội… đã quy tụ tâm huyết, trí lực của các nhà khoa học với vùng đất địa linh nhân kiệt Ninh Bình. Đó là điều vô cùng đáng trân trọng.

Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các quý vị.

Kính chúc các quý vị đại biểu khách quý sức khỏe, hạnh phúc, thành công!

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

(*) Đầu đề do Báo Ninh Bình đặt

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
1 2 3 4 5  ... 
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH