Nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương
Lượt xem: 65
Năm 2023, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (viết tắt là PII). Theo kết quả được công bố, tỉnh Ninh Bình xếp thứ 16 về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương 2023.
Nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Vận hành máy cắt laser kim loại tại Công ty TNHH MTV Đại Phú.

Bộ chỉ số PII có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột, gồm: 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) dựa trên khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (thể chế; vốn con người, nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp); 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH&CN và đổi mới sáng tạo vào phát triển KT-XH (sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động). 

Nguồn dữ liệu để xây dựng Bộ chỉ số PII năm 2023 được thu thập dựa trên số liệu từ các báo cáo thống kê, báo cáo quản lý chính thức của các cơ quan Trung ương và địa phương; số liệu từ các bộ chỉ số khác gồm: Cải cách hành chính, Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chuyển đổi số, Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình cho biết: Bộ chỉ số PII được xem là thước đo về điểm mạnh, yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Đối với nhà đầu tư, kết quả đánh giá PII sẽ là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư địa phương để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.

Với điểm số 43,39, Ninh Bình xếp thứ 16 về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương 2023, trong đó 5 điểm mạnh về đổi mới sáng tạo của tỉnh Ninh Bình được chỉ ra, đó là: Chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển KT-XH; Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT (5 môn); Tỷ lệ đất công nghiệp đã được xây dựng kết cấu hạ tầng; Hợp tác nghiên cứu giữa tổ chức KH&CN và doanh nghiệp; Tỷ lệ các dự án đầu tư đang hoạt động trong các cụm công nghiệp/1000 doanh nghiệp. 

Việc nằm trong top 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Bộ chỉ số PII năm 2023 đã cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo. 

Để đạt được kết quả này, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho hoạt động ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống trên địa bàn. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hướng tới doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trọng tâm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. 

Đã có nhiều đề tài, sáng kiến được triển khai nhằm đa dạng hóa các sản phẩm như: Đổi mới công nghệ, hoàn thiện dây chuyền sản xuất máy nghiền cát nhân tạo từ đá vôi tại Ninh Bình; Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm gang hợp kim chịu nhiệt, chịu mài mòn phục vụ các ngành công nghiệp tại Ninh Bình; Ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp quy mô công nghiệp phát triển thương hiệu gốm Bồ Bát, huyện Yên Mô; Nghiên cứu phát triển các dòng giống hoa giấy phục vụ cảnh quan tại một số khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình…

Nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương
Cán bộ Sở KH&CN hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Ông Phan Văn Phượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại Phú, phường Yên Bình (thành phố Tam Điệp) cho biết: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp đặt, xuất, nhập khẩu các thiết bị phục vụ ngành công nghiệp khai thác đá, khai thác khoáng sản và các ngành công nghiệp khác, năm 2021, doanh nghiệp được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tiếp cận với các chính sách của tỉnh trong hoạt động ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất (lắp đặt máy cắt kim loại laser). Đây được coi là động lực quan trọng để doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Hiện Công ty đã sản xuất được nhiều sản phẩm với chất lượng cao, bảo đảm thẩm mỹ, đáp ứng được yêu cầu thị trường, không chỉ trong nước mà còn tiệm cận với thị trường quốc tế. Nhờ vậy, doanh thu của doanh nghiệp đã từng bước tăng cao, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 40 công nhân, mức lương bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Anh Ngô Văn Thi, Công ty TNHH MTV Đại Phú chia sẻ: Trước đây, khi chưa có máy móc hiện đại hỗ trợ, để sản xuất, lắp ráp thiết bị, người thợ cơ khí phải làm thủ công tới 60-70% công đoạn. Từ khi Công ty được hỗ trợ, đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất, lắp ráp của công nhân đã đơn giản hơn rất nhiều. Hiệu năng sản xuất của công nhân cũng được đẩy lên cao nhờ sự chính xác của thiết bị. Chất lượng, số lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, từ đó mức thu nhập của người lao động được nâng cao, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tăng cường cải cách hành chính, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực KH&CN cho các tổ chức, người dân và doanh nghiệp. 

Đồng thời quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề có hàng hóa truyền thống xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; chú trọng xây dựng các mô hình ứng dụng, trên cơ sở đó nhân ra diện rộng…, từ đó góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kết quả từ Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 cũng chỉ ra 5 điểm yếu của tỉnh, đó là: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Chi phí gia nhập thị trường; Tính năng động của chính quyền địa phương; Chỉ số sản xuất công nghiệp; Tỷ lệ lao động có việc làm trong nền kinh tế trên tổng dân số.

Đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Để cải thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cải thiện các chỉ số thành phần thuộc nhóm 2 trụ cột đầu ra như: Tăng số lượng các sáng chế; các giải pháp hữu ích, nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý… 

Bên cạnh đó, Sở tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tham mưu thực hiện các chỉ số thuộc nhóm 5 trụ cột đầu vào. Tiếp tục tham mưu để các sở, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và các địa phương duy trì các chỉ số cao và cải thiện các chỉ số đạt thấp. Trên cơ sở đó tiếp tục tham mưu cho tỉnh trong hoạch định chính sách, giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH của địa phương dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH