Xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024 cấp tỉnh
Lượt xem: 1206
Để triển khai thống nhất và đồng bộ trong phạm vi cả nước về các nội dung chuyển đối số cấp bộ, cấp tỉnh theo các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 6074/BTTTT ngày 06/12/2023 hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương Chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh; trong đó chuyển đổi số cấp tỉnh cần tập trung triển khai và hoàn thành 36 nhiệm vụ cụ thể thuộc 12 nhóm, cụ thể như sau:
anh tin bai

Nhóm thứ nhất. Thể chế số

Ban hành 4 chính sách: (1) Chính sách cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; (2) Chính sách tỷ lệ chi tối thiểu và hướng dẫn định mức chi cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; (3) Chính sách chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa; (4) Chính sách thuê chuyên gia chuyển đổi số.

Triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử; tập trung rà soát, sửa đổi chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương, đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử

Nhóm thứ 2. Hạ tầng số

Rà soát, xóa các vùng lõm sóng trên địa bàn, bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động; tổ chức đo và lập danh sách các điểm, khu vực mà mạng viễn thông di động chưa đạt 40 Mbps, tổ chức họp với các doanh nghiệp viễn thông yêu cầu bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động.

Mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh: Trước tiên, mỗi hộ gia đình có một thiết bị thông minh, sau đó, mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh. Đối với các gia đình thuộc đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo mà chưa có thì đề xuất sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu triển khai). Trong trường hợp số hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt quá số lượng mà Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam có thể hỗ trợ, địa phương kết hợp các nguồn lực khác của địa phương, kết hợp với doanh nghiệp viễn thông hoặc huy động các nguồn lực xã hội hoá để triển khai.

Mỗi hộ gia đình có khả năng tiếp cận một đường Internet cáp quang băng rộng;

Xem xét, thiết lập, khai thác hiệu quả một trung tâm dữ liệu tập trung đạt tiêu chuẩn quốc gia để phục vụ nhu cầu của địa phương. Căn cứ điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương, có 02 phương án để lựa chọn triển khai trung tâm dữ liệu tập trung đó là: Thuê dịch vụ trọn gói do doanh nghiệp cung cấp hoặc đầu tư xây dựng kết hợp thuê dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp một cách phù hợp (trường hợp đã đầu tư trung tâm dữ liệu tập trung, nếu mở rộng, khuyến nghị thuê dịch vụ và có lộ trình từng bước chuyển đổi sang phương án thuê dịch vụ là chủ yếu, đồng thời chuyển dịch sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây).

Nhóm thứ 3. Nhân lực số (gồm 03 nhiệm vụ): (1) triển khai đào tạo nhân lực số; (2) bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho công chức, viên chức; (3) tập huấn kỹ năng số cho người dân (một số lĩnh vực có thể xem xét tập trung gồm có: Nông nghiệp, Du lịch, Dệt may, Logistics, Y tế, Giáo dục)

Nhóm thứ 4. Nhận thức số: Thiết lập các kênh truyền thông (Cổng thông tin điện tử của tỉnh; báo, tạp chí điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình, hệ thống truyền thông cơ sở của địa phương; mạng xã hội và các phương tiện truyền thông công cộng khác); phát hiện, tôn vinh, phổ biến các câu chuyện, bài học, mô hình chuyển đổi số thành công.

Nhóm thứ 5. Nền tảng số cơ bản (gồm 02 nhiệm vụ)

Nền tảng Trợ lý ảo: Triển khai ứng dụng Nền tảng Trợ lý ảo thuộc 3 nhóm: Trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức; Trợ lý ảo hỗ trợ rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Trợ lý ảo phục vụ người dân.

Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu: Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung cấp tỉnh lưu trữ dữ liệu tập trung trên quy mô toàn tỉnh, bao gồm dữ liệu phi cấu trúc và dữ liệu có cấu trúc từ nhiều nguồn; việc triển khai Nền tảng gắn liền với công tác quản lý, thu thập, tổng hợp và chia sẻ dữ liệu; gắn với với hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước; gắn với việc giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội thực tiễn tại địa phương.

Nhóm thứ 6. Dữ liệu số (gồm 03 nhiệm vụ)

(1) Phát triển cơ sở dữ liệu; (2) cung cấp dữ liệu mở ; (3) thiết lập Kho dữ liệu điện tử trực tuyến của người dân, tổ chức là một thành phần của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh để lưu trữ dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính.

Nhóm thứ 7. An toàn thông tin mạng

Triển khai nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ cho các hệ thống thông tin. Các nhóm việc cần triển khai bao gồm: Xây dựng và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ (100% hệ thống thông tin của tỉnh); Triển khai phương án bảo vệ theo hồ sơ đã được phê duyệt (100% hệ thống thông tin được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo Hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt) ; Thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Tổ chức tối thiểu 01 cuộc diễn tập thực chiến/năm, ưu tiên hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.

100% các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước được đánh giá và gán nhãn tín nhiệm mạng.

Nhóm thứ 8. Doanh nghiệp công nghệ số: tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Nhóm thứ 9. Chính phủ số (gồm 03 nhiệm vụ)

Nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, tập trung vào các nội dung: (1) rà soát, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình; (2) ưu tiên thiết kế lại giao diện, trải nghiệm của người dùng với các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, nhiều người dùng; (3) Triển khai các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm kỹ thuật, kết nối với hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông (EMC).

Giám sát, thống kê, báo cáo, kiểm tra trực tuyến.

Phát triển Kênh giao tiếp số hợp nhất giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp để mang lại trải nghiệm thuận tiện, nhất quán và xuyên suốt cho người dân, doanh nghiệp khi giao tiếp với chính quyền qua các hình thức khác nhau (ứng dụng di động, cổng thông tin điện tử, tổng đài, mạng xã hội). Kênh giao tiếp số hợp nhất là “điểm chạm” để người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nhiều thông tin, dịch vụ số do chính quyền cung cấp, đồng thời giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nhóm thứ 10. Kinh tế số (gồm 03 nhiệm vụ)

Đo lường kinh tế số: mỗi địa phương có năng lực đo lường kinh tế số ICT theo từng quý.

Phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực:

Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, thành phố biết để sử dụng các nền tảng số chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa: Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập Cổng Thông tin điện tử smedx.vn, đăng tải thông tin về các nền tảng số chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất sắc đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, chứng nhận kèm theo ưu đãi cho từng nền tảng cụ thể.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Đề án xác định bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số; Xây dựng công cụ miễn phí, hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp tại địa chỉ dbi.gov.vn

Nhóm thứ 11. Xã hội số (gồm 03 nhiệm vụ)

Mỗi người dân có một danh tính số: triển khai phổ cập cho người dân sử dụng ứng dụng VNeID, là danh tính số, có giá trị tương đương thẻ Căn cước công dân, thông qua giải pháp: (1) tuyên truyền, thúc đẩy người dân thiết lập tài khoản VNeID, đặc biệt là định danh mức độ 2; (2) lập danh sách các hệ thống thông tin phục vụ người dân; tích hợp sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng dịch vụ số.

Mỗi người dân trưởng thành có một tài khoản thanh toán số.

Mỗi người dân trưởng thành có một tài khoản dịch vụ công trực tuyến: (1) Tích hợp hệ thống xác thực qua VNeID vào Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh, cho phép người dân sử dụng VNeID có thể sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh; (2) Phổ cập nhanh tài khoản định danh và xác thực điện tử, thông qua đó, phổ cập tài khoản dịch vụ công trực tuyến; (3) Tổ công nghệ số cộng đồng tích cực triển khai đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Mỗi người dân trưởng thành có một chữ ký số cá nhân, chữ ký số là phương tiện thay thế chữ ký cá nhân trên môi trường số, có giá trị pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân đó trong văn bản giấy: (1) tích hợp tính năng ký số vào Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh; khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số để ký hợp đồng lao động; (2)  Ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng chữ ký số; (3) phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số tổ chức các chiến dịch cấp chữ ký số miễn phí cho người dân; (4) phối hợp với Bộ Công an tích hợp chữ ký số trên ứng dụng VNeID.

Mỗi người dân được đảm bảo an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản.

Phát triển trường học số: trước hết là ứng dụng công nghệ số hiệu quả trong công tác quản lý, quản trị nhà trường; trong công tác giảng dạy và học tập.  

Phát triển bệnh viện số: chú trọng phát triển các nền tảng số phục vụ công tác quản lý hành chính tại bệnh viện; hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh tại chỗ và từ xa; phát triển, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí không dùng tin mặt.

Phát triển làng số: Làng số là một cộng đồng dân cư xây dựng trên nền tảng ngôi làng truyền thống, mà ở đó người dân sử dụng hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ, kỹ thuật số để phục vụ đời sống hàng ngày và thay đổi phương thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt khỏi phạm vi không gian làng, xã. Làng số đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương thông qua việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ, tiện ích đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống thường ngày của người dân, đặc biệt là giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, giải quyết vấn đề việc làm, giải quyết vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản địa phương.

Nhóm thứ 12. Không gian trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số: thiết lập không gian trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn có thể dễ dàng tiếp cận, trực tiếp trải nghiệm thực tế; kết hợp với việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho các đối tượng liên quan thông qua việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.

 Căn cứ theo nhóm nhiệm vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp các đầu mối hỗ trợ địa phương và tùy theo đặc thù, điều kiện và định hướng phát triển, mỗi địa phương có thể bổ sung thêm các nhiệm vụ phù hợp. Tùy theo đặc thù, điều kiện và định hướng phát triển, mỗi địa phương có thể bổ sung thêm các nhiệm vụ phù hợp và sớm ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2024.  

CTV Ngọc Phong
  • Từ khóa :
1 2 3 4 5  ... 
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH