Cải cách hành chính: Nhìn từ các chỉ số
Lượt xem: 306
Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Ninh Bình đạt 88,72%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2022 và tăng 9 bậc so với năm 2021. Trong số 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, chỉ số cải cách hành chính của Ninh Bình đứng thứ 4, sau các tỉnh, thành phố lớn: Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội. Điều này cho thấy những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt, thực chất hơn.
Cải cách hành chính: Nhìn từ các chỉ số

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa xã Khánh Trung (Yên Khánh).

Đột phá trong cải cách hành chính 

Chỉ số CCHC cấp tỉnh được xác định trên cơ sở Bộ tiêu chí được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá với tổng 102 tiêu chí thành phần. Qua đánh giá, phân tích các chỉ số thành phần trong 3 năm trở lại đây (2021, 2022, 2023) cho thấy: Năm 2023, các chỉ số thành phần của tỉnh đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và có sự tăng trưởng vượt trội. 

Trong 8 lĩnh vực được đánh giá, chỉ số "Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC" của Ninh Bình tiếp tục duy trì xếp vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố, đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh ta duy trì vị trí này (đạt 95%). Có 3 chỉ số CCHC của tỉnh tăng thứ hạng cao so với năm 2022 và 2 năm trước đó, đó là: chỉ số "cải cách thể chế" có sự bứt phá mạnh mẽ (xếp thứ 24), tăng 35 bậc so với năm 2022 và tăng 9 bậc so với năm 2021. Tiếp đến là chỉ số "xây dựng và phát triển chính quyền điện tử" xếp thứ 19, tăng 23 bậc so với năm 2022 và tăng 33 bậc so với năm 2021. 

Chỉ số "cải cách thủ tục hành chính" năm 2023 của tỉnh vươn lên xếp thứ 11, tăng 7 bậc so với năm 2021. Đây là những chỉ số thành phần những năm trước Ninh Bình thường có nhiều "điểm trừ", đứng ở vị trí thấp, nhưng với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, năm 2023, các chỉ số này đã có sự thay đổi tích cực, góp phần cải thiện thứ hạng PAR INDEX của tỉnh. 

Kết quả đánh giá các chỉ số trên cho thấy quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh với tinh thần đổi mới, quyết liệt, thiết thực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Sự quyết tâm chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh CCHC để nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân không chỉ được thể hiện ở việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách mà qua đó đã huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các ngành, địa phương. Nhiều giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả trên từng lĩnh vực, nhất là cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp được triển khai đã phát huy hiệu quả. 

Tỉnh cũng đã xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để tăng cường cạnh tranh, thi đua về chất lượng thực thi nhiệm vụ giữa các sở, ban, ngành và địa phương. Đặc biệt, việc tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công dân và doanh nghiệp cũng đã cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong việc chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, qua đó tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo sức bật cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. 

Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức song Ninh Bình vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, thuộc top cao của cả nước. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 7,27% so với năm 2022. Các chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm như: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; dự án xây dựng tuyến đường Đông-Tây tỉnh Ninh Bình giai đoạn 1; dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) tại địa phận huyện Kim Sơn…, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Ninh Bình luôn được đánh giá là địa phương sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án không chỉ tạo dư địa phát triển cho tỉnh mà còn tạo động lực tăng trưởng cho cả vùng, quốc gia. 

Trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Ninh Bình luôn là điểm sáng của cả nước; đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đều đảm bảo thời hạn, chất lượng. Ninh Bình tiếp tục được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, hấp dẫn. Toàn tỉnh hiện có 958 dự án đang hoạt động với tổng mức đầu tư 172.752 tỷ đồng. Trong đó, có 97 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.675,63 triệu USD với các nhà đầu tư đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cho đến mỗi người dân, Ninh Bình đã có những bước tiến quan trọng trong CCHC, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp. 

Cần tiếp tục khơi thông những "điểm nghẽn" 

Mặc dù vậy, kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 cũng cho thấy một số tiêu chí thành phần còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu và có sự phân hóa rõ rệt trong việc triển khai các nội dung cải cách. Có 4 chỉ số giảm thứ hạng so với năm 2022 và năm 2021 đó là: Chỉ số về "cải cách tổ chức bộ máy", xếp thứ 49, giảm 8 bậc so với năm 2022 và giảm 34 bậc so với năm 2021; chỉ số "cải cách chế độ công vụ" xếp thứ 34, giảm 20 bậc so với năm 2022, và giảm 30 bậc so với năm 2021; chỉ số "cải cách tài chính công" và chỉ số "tác động CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế-xã hội" xếp thứ 57, giảm 37 bậc so với năm 2022 và giảm 6 bậc so với năm 2021. Điều cần quan tâm là nhóm 4 chỉ số này liên tục giảm thứ hạng trong năm 3 năm vừa qua. 

Nguyên nhân chính là một số cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC. Trong khi đó, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với các phần mềm, dữ liệu chuyên ngành của một số bộ, ngành Trung ương vẫn chưa hoàn thành, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp giải quyết TTHC và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức hết mục tiêu, ý nghĩa của công tác CCHC, dẫn đến ý thức tự giác chấp hành kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ còn chưa cao, vẫn còn cán bộ, công chức vi phạm phải xử lý kỷ luật… 

Để tiếp tục cải thiện chỉ số CCHC cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ người đứng đầu các sở, ngành, địa phương đến sự chung sức, đồng hành, sẻ chia trách nhiệm của tổ chức, người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở nhận diện, đánh giá các chỉ số thành phần cần có giải pháp cải thiện những chỉ số thành phần còn đạt thấp. Trước mắt cần tiếp tục tháo gỡ các "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả, minh bạch hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. 

Triển khai và thực hiện có hiệu quả Chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy: "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thực chất". Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên các lĩnh vực; kiên quyết khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền. Nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp với phương châm "Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp". 

Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức lại bộ máy các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với tập trung thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ đó sắp xếp lại không gian lãnh thổ, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh. Tiếp tục thực hiện nguyên tắc "Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy". Theo đó, công tác cải cách TTHC cần gắn với chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. 

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền về CCHC cần tiếp tục đổi mới với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Trong đó cần tận dụng tối đa các tiện ích của mạng xã hội có nhiều người theo dõi, như Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok... để giải đáp chính sách, hướng dẫn các quy trình, thủ tục thực hiện TTHC và chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm mới, từ đó giúp nâng cao nhận thức, kiến thức cho cá nhân, tổ chức khi giải quyết công việc. Đồng thời cần khuyến khích sự nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến hay về CCHC làm cơ sở áp dụng thí điểm, nhân rộng tại địa phương. 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp với trách nhiệm cao, tin rằng trong thời gian tới, Chỉ số PAR INDEX của tỉnh tiếp tục được cải thiện, đạt mục tiêu là một trong những tỉnh được xếp vào tốp đầu của cả nước. Thông qua CCHC góp phần tạo động lực cho sự phát triển trong những năm tới, sớm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đưa Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH