Nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Lượt xem: 1577
Để tiếp tục triển khai thực hiện và phát huy tối đa hiệu quả của cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.
Nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của huyện Nho Quan

Đổi mới, hiện đại nền hành chính 

Một trong những giải pháp nổi bật để phát huy tối đa hiệu quả của cơ chế một cửa, một cửa liên thông đó là tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quy chế và tổ chức hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công; 100% UBND các huyện, thành phố và từng cơ quan cũng đã ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Bộ phận một cửa thuộc chức năng quản lý để phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). 

Đến nay, 18/18 sở, ban, ngành và 2 cơ quan trung ương trên địa bàn (Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh) đã thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC tập trung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 8 Bộ phận một cửa cấp huyện và 143 Bộ phận một cửa cấp xã. 100% Bộ phận một cửa các cấp đã thực hiện việc tiếp nhận, số hóa và lưu trữ hồ sơ trong giải quyết TTHC đảm bảo đúng theo quy định. Theo thống kê, quý I năm 2024, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 112.239 hồ sơ, trong đó đã giải quyết đúng hạn và trước hạn 99,97%; trễ hạn chỉ chiếm 0,03%; số hồ sơ trong hạn đang giải quyết 5.853 hồ sơ. 

Nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa một cửa liên thông
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được đầu tư hiện đại đáp ứng yêu cầu trong việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định.

Xác định việc đổi mới, hiện đại nền hành chính phải có hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, đi đầu. Do vậy, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hoàn thiện trang thiết bị phục vụ hoạt động của Bộ phận một cửa các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 5.511 máy tính, 1.659 máy in, 326 máy scan Với số lượng thiết bị trên đã cơ bản đáp ứng yêu cầu trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh thường xuyên được rà soát, nâng cấp, hiện tại đã đáp ứng yêu cầu trong việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định.

Việc đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hóa trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cũng được quan tâm. Trong đó, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch về triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, gắn với chuyển đổi số trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và đã đặt ra các chỉ tiêu, mục tiêu và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện. 

Hiện nay, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh Ninh Bình đã triển khai và duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả đối với 172 các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; đã cập nhật đầy đủ danh mục, công khai quy trình giải quyết TTHC của tỉnh trên Hệ thống. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Ninh Bình đã mở 20 trường thông tin phục vụ tra cứu, xác thực thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư phục vụ việc tiếp nhận và giải quyết TTHC. Số lượng hồ sơ TTHC đã khai thác dữ liệu dân cư phục vụ định danh và xác thực điện tử là hơn 51.400 hồ sơ. 

Không phụ thuộc vào địa giới hành chính

Ninh Bình là 1 trong 3 tỉnh kết nối sớm nhất trong toàn quốc với hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành của các Bộ, ngành Trung ương. Theo thống kê, hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã kết nối với 19 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam... UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo hoàn thành việc kết nối với một số cơ sở dữ liệu như: Kết nối với Hệ thống định danh VneID; kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; kết nối liên thông với Hệ thống Dịch vụ công đổi giấy phép lái xe.

Nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa một cửa liên thông
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa xã Tân Thành, huyện Kim Sơn.

Sự liên thông kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu là cơ sở quan trọng để tỉnh Ninh Bình mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hiện UBND tỉnh đã triển khai 8 TTHC tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính như: Thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, quyền sử dụng đất và nhà ở; Thủ tục chứng thực di chúc; Thủ tục chứng thực văn bản từ chối nhận di sản; Thủ tục chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản mà di sản là động sản, quyền sử dụng đất, nhà ở; Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; Thủ tục chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản (áp dụng cho cả trường hợp chứng thực điểm chỉ và trường hợp người yêu cầu chứng thực không thể ký, không thể điểm chỉ được); Thủ tục chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch; Thủ tục cấp bản sao có chứng thực từ bản chính hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực. 

Đáng ghi nhận là UBND tỉnh lựa chọn 28 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành để triển khai thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận hồ sơ giấy, một số ngày không tiếp nhận hồ sơ giấy. Kết quả đến nay đã tiếp nhận 12.656 hồ sơ trực tuyến (không tiếp nhận bản giấy), đạt tỷ lệ 66,3% số lượng hồ sơ phát sinh, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. 

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH