Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Để thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư KNTC của công dân, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai và cụ thể hóa Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo", coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành. Nhiều giải pháp căn cơ, biện pháp hữu hiệu được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt trên tinh thần thượng tôn pháp luật và "lấy dân làm gốc" với mục tiêu không để khiếu kiện không có hồi kết và không để hình thành "điểm nóng". Trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.
Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp chia sẻ: Hàng tuần, tại các cuộc giao ban phiên lãnh đạo, UBND thành phố yêu cầu báo cáo tiến độ giải quyết đơn thư KNTC thuộc thẩm quyền, trên cơ sở đó chỉ đạo tháo gỡ, khó khăn vướng mắc, kịp thời giải quyết theo quy định pháp luật. Trong giai đoạn 2014-2024, Chủ tịch UBND thành phố và Chủ tịch UBND cấp xã đã thực hiện tiếp 2.306 lượt công dân với 615 vụ việc. Đặc biệt, thành phố Tam Điệp đã tăng cường thực hiện đối thoại với người dân, đảm bảo việc giải quyết các vụ việc theo quy định, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân, doanh nghiệp. Trong 10 năm qua, thành phố đã tổ chức 9 cuộc đối thoại với người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo cấp xã tổ chức 41 cuộc đối thoại với nhân dân về những khiếu nại liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Qua các cuộc đối thoại đã giúp người dân nhận thức rõ hơn các quy định của Nhà nước về những vấn đề Nhân dân còn ý kiến, chưa đồng thuận. Đồng thời giúp chính quyền các cấp nắm được tâm tư, nguyện vọng, từ đó xem xét, giải quyết kịp thời, dứt điểm các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, không để trở thành điểm nóng.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân được xem là một trong những giải pháp quan trọng đem đến những thành công của Ninh Bình trong triển khai và thực hiện Chỉ thị số 35. Theo đó, cấp ủy đảng có nghị quyết lãnh đạo công tác giải quyết KNTC; các cấp chính quyền có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giải quyết KNTC, phân công trách nhiệm cụ thể để chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền. Trong 10 năm qua, đồng chí Bí thư cấp ủy các cấp đã tiếp 14.400 cuộc với 2.214 lượt công dân (trong đó có 209 cuộc đột xuất với 190 lượt công dân). Các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 38.445 lượt công dân với 588 lượt đoàn đông người (có từ 5 người trở lên). Công tác tiếp công dân đã từng bước gắn với giải quyết KNTC, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở.
Năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế 1248 quy định về việc lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Theo đó, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tham gia nhiều buổi đối thoại trực tiếp qua các diễn đàn để lắng nghe ý kiến phản ánh của Nhân dân; đối với cấp huyện, người đứng đầu cấp ủy đã chủ động tham gia đối thoại ở nhiều diễn đàn như "Thanh niên với giải quyết việc làm", "Thanh niên với sáng tạo và khởi nghiệp"... Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh còn thực hiện việc tiếp công dân thông qua các buổi gặp gỡ, đối thoại với công dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành phối hợp giải quyết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong 10 năm qua, người đứng đầu cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp đã tổ chức 1.962 cuộc đối thoại, giải quyết 791 kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Xây dựng niềm tin trong Nhân dân
Trong tiếp công dân, giải quyết KNTC, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, các địa phương xây dựng và công khai nội quy, quy chế, lịch tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị để mọi tổ chức, công dân được thuận lợi hơn trong việc gặp gỡ, trao đổi, đề xuất với lãnh đạo về những vướng mắc có liên quan đến KNTC. Quá trình giải quyết KNTC, các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh theo chức năng và linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là công tác hòa giải, tổ chức đối thoại đã được chú trọng hơn, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp tồn đọng kéo dài, cũng như các vụ việc, mâu thuẫn mới phát sinh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, công dân, xây dựng niềm tin trong Nhân dân, qua đó hạn chế tái khiếu, tái tố.
Chia sẻ với chúng tôi về sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình (Mai Sơn)-Thanh Hóa (Quốc lộ 45), ông Nguyễn Văn Sơn, phường Tân Bình (thành phố Tam Điệp) cho biết: Năm 2020, khi Nhà nước có chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án, ban đầu chúng tôi cũng như nhiều hộ khác bị ảnh hưởng bởi dự án không tránh khỏi những băn khoăn về việc áp giá đền bù, phương án tái định cư… Tôi cũng đã làm đơn kiến nghị gửi chính quyền địa phương. Các cấp chính quyền từ phường đến thành phố đã có những buổi họp dân, đối thoại, giải thích, người dân được trực tiếp nêu bức xúc để cán bộ hiểu rõ. Nguyện vọng chính đáng được xem xét giải quyết, nên người dân đồng thuận, nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng để nhà thầu sớm triển khai thi công dự án. Bản thân tôi, sau khi nhận tiền hỗ trợ đền bù cũng đã xây được nhà khang trang hơn, cuộc sống dần ổn định, gia đình yên tâm lao động, công tác.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, Ninh Bình trở thành một trong những điểm sáng của toàn quốc. Theo thống kê, trong 10 năm qua, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 624/629 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt 99,2%; trong đó: các sở, ngành đã tham mưu giải quyết 228/230 vụ việc; các huyện, thành phố giải quyết 303/304 vụ việc; cấp xã giải quyết 93/95 vụ việc. Qua giải quyết đơn thư khiếu nại đã thu hồi cho Nhà nước 908 m2 đất và 133,9 triệu đồng; trả lại cho công dân 173 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 3 cán bộ, công chức, viên chức.
Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 441/445 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 99,1%, trong đó: các sở, ngành đã rà soát, xác minh giải quyết 128/128 vụ việc; các huyện, thành phố giải quyết 214/217 vụ việc; cấp xã giải quyết 99/100 vụ việc theo thẩm quyền. Qua giải quyết đơn thư tố cáo của công dân đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước và công dân 1.245 triệu đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật 1 tập thể và 12 cán bộ, công chức; bảo vệ quyền lợi cho 1 tập thể và 8 công dân; kiến nghị xử lý hành chính đối với 25 cán bộ, công chức, viên chức; chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, qua gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, công dân đã giúp các cơ quan tham mưu và người giải quyết khiếu nại tìm hiểu rõ sự việc, có định hướng và biện pháp chỉ đạo đúng đắn, kết quả giải quyết tạo được sự đồng thuận nhất trí cao. Qua đối thoại, nhiều trường hợp công dân đã tự nguyện rút đơn KNTC. Trong 10 năm qua, số công dân rút toàn bộ nội dung tố cáo là 40/441 vụ; 131/624 vụ việc khiếu nại giải quyết thông qua hòa giải thuyết phục. 16/16 vụ việc KNTC phức tạp kéo dài cũng đã được chỉ đạo xem xét, giải quyết dứt điểm.
Đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35 của Ninh Bình, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cho rằng: Công tác giải quyết KNTC được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Ninh Bình tập trung chỉ đạo, có sự phối kết hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các sở, ngành với địa phương. Chất lượng công tác giải quyết đơn thư được nâng lên, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã được tập trung giải quyết dứt điểm, cơ bản khắc phục tình trạng công dân đeo bám khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương.
Những thành công của Ninh Bình là minh chứng cho thấy việc giải quyết hiệu quả KNTC không chỉ góp phần ổn định tình hình xã hội mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, thể hiện sự minh bạch, công khai trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Ninh Bình là điểm sáng trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC của công dân và những kinh nghiệm của Ninh Bình sẽ là bài học để các địa phương trong cả nước tham khảo, thực hiện.