Khánh thành Nhà hát tỉnh Ninh Bình
Lượt xem: 122
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024), ngày 26/4, UBND tỉnh tổ chức lễ khánh thành Nhà hát tỉnh Ninh Bình.

 

Khánh thành Nhà hát tỉnh Ninh Bình

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà hát tỉnh Ninh Bình.

Tới dự có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Khánh thành Nhà hát tỉnh Ninh Bình
Các đại biểu dự Lễ khánh thành.

Sau 33 tháng thi công, công trình Nhà hát tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn. Công trình Nhà hát tỉnh Ninh Bình được thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại, độc đáo, mang tính văn hóa, tạo điểm nhấn đô thị. Là công trình dân dụng duy nhất của tỉnh có thiết kế tuổi thọ 100 năm, với thiết kế kỹ thuật phức tạp nằm trong khu vực có mật độ dân cư cao; kết hợp hài hòa giữa công năng biểu diễn nghệ thuật với trụ sở làm việc của một số đơn vị trực thuộc Ngành văn hóa. 

Nhà hát được xây dựng trên diện tích 6.453 m2 trên trục đường Lê Đại Hành, thành phố Ninh Bình, với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp tỉnh, gồm 3 khối chính: Khối phục vụ biểu diễn, khối trụ sở làm việc, khối hầm kỹ thuật. 

Bên cạnh đó, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng của Nhà hát cũng được đầu tư hiện đại, chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và các hoạt động văn hóa có liên quan.

Quá trình xây dựng dự án có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh từ khâu lập chủ trương đầu tư, thi tuyển kiến trúc, thiết kế, phê duyệt dự án, giám sát, thi công; sự động viên khích lệ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; sự nỗ lực, quyết tâm của chủ đầu tư, của đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công; sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ của nhân dân. 

Qua đó đã thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành công trình Nhà hát tỉnh Ninh Bình, tạo điểm nhấn đô thị, đáp ứng nhu cầu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, giao lưu văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, nghệ thuật quần chúng, là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của tỉnh.

Khánh thành Nhà hát tỉnh Ninh Bình
Đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Phát huy truyền thống lịch sử của vùng đất Cố đô có bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm, nơi được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh, được lịch sử chọn là vùng đất đế đô, nơi ghi dấu sự hình thành, phát triển của xã hội loài người từ thời tiền sử. 

Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên và lịch sử tồn tại, phát triển liên tục của con người qua các quá trình biến đổi của tự nhiên. 

Đây là cơ sở và nền tảng để tỉnh lựa chọn mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, lấy văn hóa, lịch sử, du lịch và kinh tế di sản làm nguồn lực và động lực xây dựng Ninh Bình đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng; cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. 

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh đầu tư đồng bộ các công trình, dự án trọng tâm, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo các tiêu chí đô thị văn minh, văn hiến, hiện đại, hội nhập và phát triển. 

Cùng với đó là việc triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa lớn, mang tính biểu tượng và đặc trưng của tỉnh như Nhà hát, Bảo tàng, Thư viện...

Đến thời điểm hiện tại, công trình xây dựng Nhà hát tỉnh Ninh Bình, một trong những công trình trọng tâm của tỉnh đã hoàn thành, với cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp, phục vụ tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh, các sự kiện khu vực, quốc gia và quốc tế, đồng thời tạo không gian riêng cho các hoạt động cộng đồng, khuyến khích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, thu hút khách du lịch đến với Ninh Bình.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị: Sau khi tổ chức khánh thành và bàn giao cho Sở Văn hóa và Thể thao để đưa vào sử dụng, Chủ đầu tư và đơn vị quản lý thực hiện việc hoàn thiện hồ sơ, tổ chức quyết toán công trình theo đúng quy định của pháp luật.

Khẩn trương xây dựng hồ sơ, lấy ý kiến nhân dân trình cấp có thẩm quyền xem xét đặt tên nhà hát là Nhà hát Phạm Thị Trân để thực hiện sự tôn vinh đối với Bà tổ của ngành sân khấu Việt Nam, người đã được Đinh Tiên Hoàng Đế phong chức Ưu bà, chức quan chăm lo ca hát trong triều đình vào thế kỷ thứ X.

Tiến hành nghiên cứu các hình thức tổ chức quản lý Nhà hát đảm bảo thực hiện đúng mục đích, công năng; đảm bảo Nhà hát luôn sáng đèn để phục vụ quần chúng nhân dân và từng bước nâng cao chất lượng thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Trước hết tập trung phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công Cuộc thi Sao Mai điểm hẹn năm 2024 tại Nhà hát tỉnh Ninh Bình.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Nhà hát tỉnh Ninh Bình với sự chứng kiến của đông đảo các tầng lớn nhân dân

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH