Hội thảo khoa học Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc
Lượt xem: 131
Ngày 2/8, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc. Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024).
Hội thảo khoa học

Quang cảnh Hội thảo.

Dự Hội thảo, đại biểu Trung ương có các đồng chí: PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng Trưởng ban Tổ chức hội thảo; TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại biểu tỉnh Ninh Bình dự Hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo.

Cùng dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Hội Di sản văn hóa tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học Trung ương và địa phương.

Hội thảo khoa học Đinh Tiên Hoàng Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc Hội thảo.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo khẳng định: Thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế gắn liền với quá trình thống nhất giang sơn, hình thành nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ ý chí phục hưng dân tộc dựa trên bản lĩnh độc lập tự chủ, tự lực tự cường. Tầm vóc lịch sử vĩ đại, khát vọng dân tộc về một nền độc lập, thống nhất, quốc gia hùng cường thể hiện qua cuộc đời và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và Nhà nước Đại Cồ Việt đã trở thành tài sản quý báu, nguồn lực vật chất, tinh thần quan trọng của tỉnh Ninh Bình, của quốc gia, dân tộc. Cuộc đời, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và các triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê đã để lại hệ thống di sản to lớn cho tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, không chỉ phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình mà còn rất đặc sắc về giá trị.

Hiện nay, Ninh Bình đang sở hữu hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có 324 di tích cấp tỉnh, 78 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An). Các di sản liên quan đến Vua Đinh Tiên Hoàng, triều đại nhà Đinh và Nhà nước Đại Cồ Việt luôn được tỉnh Ninh Bình gìn giữ, trân trọng và bảo tồn khá nguyên trạng, bao gồm các công trình kiến trúc, hàng trăm ngôi đền, chùa, miếu, phủ, các tường thành, nền cung điện... mà nổi bật là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, các bảo vật quốc gia: Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ, 2 Long sàng ở Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, 2 bộ phủ việt ở Đền thờ Vua Đinh - Đền thờ Vua Lê, bộ sưu tập cột kinh phật thời Đinh tại Bảo tàng Ninh Bình; cùng hệ thống lễ hội, sinh hoạt văn hóa, nghi thức thờ cúng, tín ngưỡng, phong tục tập quán; kho tàng truyền thuyết, thơ ca, các loại hình ca múa nhạc dân gian; các kinh nghiệm chính trị, ngoại giao, là hào khí Hoa Lư, là chí khí dấn thân làm nên sự nghiệp lớn của vua Đinh và các bậc tiền nhân...

Trải qua mỗi chặng đường lịch sử, những di sản quý giá của dân tộc tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo, bồi đắp và luôn hiện diện trong đời sống hàng ngày với tư cách là nền tảng tinh thần, tài sản vô giá và là nguồn lực chiến lược cho sự phát triển bền vững của tỉnh Ninh Bình. Nhờ vậy, Ninh Bình đã và đang là một địa chỉ, một không gian văn hóa có sức hấp dẫn cao, với những tiềm năng và lợi thế đủ mạnh mẽ để xây dựng và phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ trong thời gian tới.

Di sản của Đinh Tiên Hoàng Đế và Nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, bởi vậy việc thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị cần phải tiếp tục triển khai với cường độ và quy mô lớn hơn, bài bản hơn, đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các tổ chức chính trị-xã hội cùng cộng đồng dân cư… để di sản của cha ông thực sự trở thành nguồn lực và động lực trong phát triển quê hương, đất nước. 

Hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc" có sự tham gia đồng hành của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương. Đây cũng chính là cơ hội để tỉnh Ninh Bình được nghe các báo cáo nghiên cứu khoa học - lịch sử, những ý kiến thảo luận, phản biện khách quan, nhằm tiếp tục bổ sung, làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Vua Đinh Tiên Hoàng nói riêng và nhà Đinh nói chung đối với lịch sử dân tộc; những đề xuất phương hướng, giải pháp trong quản lý, phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình, góp phần xây dựng tỉnh Ninh bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng đô thị di sản, thành phố sáng tạo.

Hội thảo khoa học Đinh Tiên Hoàng Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo. 

 

Báo cáo đề dẫn hội thảo do PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng Trưởng ban Tổ chức hội thảo trình bày nêu rõ: Mục đích của hội thảo nhằm tiếp tục làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp và di sản của vua Đinh Tiên Hoàng và vai trò của nhà Đinh trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Qua đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản theo chiều hướng thúc đẩy khát vọng dân tộc, khơi dậy hào khí Hoa Lư nhằm phục vụ xây dựng tại Ninh Bình một thành phố di sản, lấy các di sản của Đinh Tiên Hoàng Đế cùng triều Đinh, Tiền Lê làm trung tâm; xây dựng Ninh Bình thành một địa phương văn minh và hiện đại, xứng tầm là một thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian không xa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, là một trong những khu trung tâm du lịch nổi tiếng, thu hút khách tham quan ở trong và ngoài nước. Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm kỷ niệm 1100 năm ngày sinh của Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024).

Tại Hội thảo lần này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam hy vọng các nhà khoa học sẽ tập trung nghiên cứu và thảo luận nhằm tiếp tục bổ sung tài liệu và diễn giải nhằm làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của vua Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử dân tộc; về tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc thể hiện qua sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh đối với đất nước Việt Nam; đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp phát huy các giá trị tốt đẹp do vua Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh để lại trong định hướng xây dựng thành phố di sản; trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, góp phần xây dựng Ninh Bình thành một địa phương giàu mạnh, văn minh.

Tại Hội thảo diễn ra 2 phiên chuyên đề với nội dung: Quê hương, thân thế, sự nghiệp, tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng; Phát huy di sản của Đinh Tiên Hoàng trong định hướng xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ.

Phiên chuyên đề: Quê hương, thân thế, sự nghiệp, tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng

Tại Hội thảo, dưới sự đồng chủ trì của các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình đã diễn ra Phiên chuyên đề "Quê hương, thân thế, sự nghiệp, tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng".

Hội thảo khoa học Đinh Tiên Hoàng Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại Phiên chuyên đề.

 

Trong tham luận "Biên niên sử đất nung: Minh Văn "Đại việt Quốc quân thành chuyên" và sự khởi đầu của Quốc hiệu "Đại Việt" của PGS.TS Đặng Hồng Sơn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội đã đề cập đến một số nội dung như: Phát hiện, loại hình và đặc điểm của Gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên; các nguồn sử tịch về quốc hiệu "Đại Cồ Việt" và "Đại Việt"; sự khởi đầu quốc hiệu "Đại Việt": Đề xuất lại từ tiếp cận khảo cổ học lịch sử.

Hội thảo khoa học Đinh Tiên Hoàng Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc
PGS.TS Đặng Hồng Sơn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo.

 

Nhà nghiên cứu Đặng Công Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình tham luận với nội dung "Nguồn gốc, gia thế tác động đến sự nghiệp chính trị của Đinh Tiên Hoàng Đế". Trong đó, bằng sự nghiên cứu công phu, sử dụng các tư liệu có giá trị, tác giả đã mang đến Hội thảo những thông tin chiều sâu về thân thế và thời niên thiếu; xây dựng lực lượng nuôi chí lớn và những niên điểm quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng Đế.

Hội thảo khoa học Đinh Tiên Hoàng Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc
PGS.TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

 

PGS.TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đề cập đến vai trò của Đinh Tiên Hoàng trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và phục hưng dân tộc sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc nhìn từ phương diện "quản trị quốc gia" và "quốc học". Trong đó nhấn mạnh đến công lao phục hưng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng, là người đặt nền móng vững chắc để xây dựng một nhà nước văn minh. 

Việc Đinh Tiên Hoàng tự xưng quốc hiệu là Đại Cồ Việt thể hiện sự tự tin ở sức mạnh dân tộc Việt, đối chọi lại tinh thần Đại Hán của các Hoàng đế Trung Hoa. Đồng thời, với 5 chức năng của Nhà nước Đại Cồ Việt dưới 2 triều đại Đinh và Tiền Lê cho thấy việc quản trị quốc gia đã từng bước đi vào ổn định và có nền nếp hơn trước…

Hội thảo khoa học Đinh Tiên Hoàng Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc
PGS.TS Vũ Văn Quân, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận "Non sông thu về một mối-Tầm vóc chính trị, khát vọng thống nhất đất nước của Đinh Tiên Hoàng Đế".

 

PGS.TS Vũ Văn Quân, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với tham luận "Non sông thu về một mối-Tầm vóc chính trị, khát vọng thống nhất đất nước của Đinh Tiên Hoàng Đế" đã khẳng định: Thế kỷ X trong lịch sử Việt Nam được coi là thế kỷ bản lề, trong đó mỗi dòng họ hay triều đại nắm quyền đã thể hiện các vai trò nổi bật khác nhau nhưng tựu chung cùng một công cuộc là giành, giữ và củng cố nền độc lập dân tộc, là khẳng định thắng thế của xu hướng tập quyền và thống nhất quốc gia, là khởi động một thời đại văn minh rực rỡ-văn minh Đại Việt. Trong công cuộc đó, Đinh Tiên Hoàng Đế-nhà Đinh-Quốc gia Đại Cồ Việt- kinh đô Hoa Lư có thể coi là mốc trọn vẹn của hành trình phục quốc đồng thời là bước đi nền móng của thời đại văn minh Đại Việt-văn hóa Thăng Long.

Hội thảo khoa học Đinh Tiên Hoàng Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc
PGS.TS Tống Trung Tín, Hội Khảo cổ học Việt Nam trình bày tham luận "Kinh thành Hoa Lư-Một di sản mang giá trị xuyên thế kỷ".

 

PGS.TS Tống Trung Tín, Hội Khảo cổ học Việt Nam thông qua tham luận "Kinh thành Hoa Lư-Một di sản mang giá trị xuyên thế kỷ" đã nêu 6 giá trị nổi bật của Kinh đô Hoa Lư trong 42 năm triều Đinh và Tiền Lê đã đem lại nhiều tư liệu mới, cho phép nhìn nhận một cách cụ thể hơn giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam thời Đinh-Tiền Lê trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Đó là: Tòa thành đồ sộ, độc đáo thể hiện truyền thống xây thành tài giỏi và tinh thần tự lập, tự cường mạnh mẽ, cao độ của người Đại Việt-Đại Cồ Việt thời Đinh-Tiền Lê; Kinh thành Hoa Lư và dấu tích các cung điện lộng lẫy vàng son; Một nền nghệ thuật Đinh-Lê đặt nền móng cho toàn bộ nghệ thuật Đại Việt; Những dấu tích cố đô Hoa Lư phản ánh sự giao thoa cởi mở và tiếp thu sáng tạo tinh hoa văn hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực; di tích cố đô Hoa Lư phản ánh sự tiếp nối không đứt đoạn của truyền thống 4.000 năm văn hiến Việt Nam, tạo tiền đề cho văn hóa Việt Nam phát triển đến đỉnh cao trong các thời kỳ tiếp theo; Gạch "Đại Việt Quốc quân thành chuyên" - tinh thần quật khởi của người Đại Việt-Đại Cồ Việt thời Đinh.

Các tham luận tại Phiên chuyên đề 1 nhằm tiếp tục bổ sung tài liệu và diễn giải làm rõ hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử dân tộc; về tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc thể hiện qua sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh đối với đất nước Việt Nam. Qua đó khẳng định tầm vóc lịch sử vĩ đại, khát vọng dân tộc về một nền độc lập, thống nhất, quốc gia hùng cường thể hiện qua cuộc đời và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và Nhà nước Đại Cồ Việt đã trở thành tài sản quý báu, nguồn lực vật chất, tinh thần quan trọng của tỉnh Ninh Bình, của quốc gia, dân tộc.

Phiên chuyên đề: "Phát huy di sản của Đinh Tiên Hoàng trong định hướng xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ" và bế mạc Hội thảo

Trong chương trình Hội thảo, dưới sự đồng chủ trì của các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình đã diễn ra Phiên chuyên đề "Phát huy di sản của Đinh Tiên Hoàng trong định hướng xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ" với các ý kiến tham luận, trao đổi của các chuyên gia, nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương.

Hội thảo khoa học Đinh Tiên Hoàng Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo.

 

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận "Di sản Đinh Tiên Hoàng Đế: Hướng Bảo tồn và Phát huy". Trong đó khẳng định: Ninh Bình với ưu thế vượt trội mà khó có địa phương nào sánh được, đó là sự hòa quyện giữa di sản văn hóa với di sản thiên nhiên, giữa thắng cảnh mang tầm vóc thế giới với những di tích của một Cố đô có lịch sử cả ngàn năm, gắn với triều đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc. Vì vậy, việc tạo ra những sản phẩm văn hóa kết nối những di sản đặc sắc ấy với nhau chắc chắn sẽ làm gia tăng gấp bội giá trị của các di sản, làm tăng tính hấp dẫn của chúng.

GS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội với tham luận "Thư tịch Hán Nôm liên quan đến Đinh Tiên Hoàng Đế và Triều Đinh" đã bàn về các nội dung: Khái quát về nguồn thư tịch Hán Nôm liên quan đến Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh; Thư tịch Hán Nôm với việc nghiên cứu lịch sử nhà Đinh. Những nguồn sử liệu quan trọng này góp phần làm sâu sắc hơn một số sự kiện lịch sử, nhất là việc Đinh Tiên Hoàng có công thống nhất đất nước, sáng lập ra nhà nước độc lập thống nhất đầu tiên có vị thế với triều đình phương Bắc.

GS.TS Nguyễn Văn Kim, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với tham luận "Đinh Tiên Hoàng và Quan hệ đối ngoại thời Đinh" đã đưa ra những sử liệu về bối cảnh chính trị Đông Á và sự phục hưng nền độc lập dân tộc; kiến tạo cách thức ứng đối chính trị và chiến lược ngoại giao; hệ quả và tác động chính trị, xã hội…

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với tham luận "Khát vọng phục hưng dân tộc từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Công Uẩn-Qua phân tích dấu ấn thời Đinh tại Di tích Hoàng thành Thăng Long" cho thấy một số phát hiện và nghiên cứu mới về dấu ấn vật chất của thời Đinh-Tiền Lê tại khu di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long, trong đó tập trung giới thiệu về dấu tích kiến trúc của thời kỳ này như một sự giải mã về những thiếu hụt trong nghiên cứu khảo cổ học tại cố đô Hoa Lư. Đồng thời, từ những phát hiện khảo cổ học về kiến trúc thời Đại La và thời Đinh-Tiền Lê tại Hoàng thành Thăng Long sẽ giúp tiếp cận nghiên cứu bối cảnh lịch sử và kiến trúc thời thuộc Đường, từ đó nhận diện sâu rộng hơn về kiến trúc thời Đinh cũng như những nghiên cứu đánh giá về kiến trúc và nghệ thuật kiến trúc thời Đinh trong lịch sử kiến trúc cung điện Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã định vị Hoa Lư trong một khung cảnh hữu cơ, toàn thể làm nền cho sự xác lập một kinh đô Đại Việt đầu tiên năm 969 với các nội dung: Biển tiến Phù Nam và tác động môi trường cảnh quan Hoa Lư; yếu tố quèn núi trong chiến lược giao thông phòng thủ Hoa Lư; yếu tố cửa sông trong định vị Kinh thành Hoa Lư; rời Hoa Lư chọn Đại La- những khía cạnh địa nhân văn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quý, Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đề cập đến vấn đề "Phát huy di sản tôn giáo thời Đinh trong điều kiện mới". Trong đó, đề nghị làm rõ hơn giá trị di sản tôn giáo thời nhà Đinh trên các phương diện sử học, văn hóa, tôn giáo và quân sự; chủ động bảo tồn và phát huy giá trị các ngôi chùa thông qua kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phát huy giá trị di sản tôn giáo là cần thiết trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện hiện nay. Bên cạnh đó, việc số hóa di sản tôn giáo thời nhà Đinh cũng là một việc làm cần thiết nhằm phục vụ các hoạt động trải nghiệm, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy di sản tôn giáo.

Phát biểu tại Phiên chuyên đề, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định các ý kiến đóng góp tại Hội thảo đã làm rõ hơn về tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng. Trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ tiếp tục tổ chức một số cuộc hội thảo chuyên sâu để các nhà khoa học tham gia và đóng góp các nghiên cứu như: Hội thảo nhận diện về hành cung Vũ Lâm - nơi gắn liền với kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần và là nơi Trần Nhân Tông có 5 năm tu tập; tổ chức hội nghị thông tin liên ngành khoa học phục vụ cho phục dựng, phỏng dựng hoàng thành Hoa Lư trên những căn cứ khoa học, nhất là khảo cổ học trên cơ sở tiếp cận thực tế… Qua đó để các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu sâu, định dạng làm rõ mối liên hệ giữa triều Đinh và vai trò của Đinh Tiên Hoàng với các triều đại trong lịch sử, nhất là khát vọng, sự nghiệp phục hưng dân tộc; làm rõ vai trò, giá trị di sản của tuyên ngôn, quốc hiệu...

Hội thảo khoa học Đinh Tiên Hoàng Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu tổng kết Hội thảo.

 

Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nêu rõ: Trong quá trình tổ chức Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm phối hợp, tham gia ý kiến, cung cấp tư liệu của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương, các cấp, các ngành, các cơ quan, viện nghiên cứu, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong quá trình chuẩn bị các nội dung liên quan đến tổ chức Hội thảo.

Ban Tổ chức Hội thảo đã tiếp nhận 55 bài báo cáo tham luận, trong đó có 43 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Trung ương, 12 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở địa phương. Đây là khối lượng tham luận đồ sộ đối với một hội thảo khoa học, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học, nhà quản lý đối với vấn đề mà Hội thảo đặt ra.

Từ nhiều lĩnh vực và với những cách tiếp cận khác nhau nhưng các ý kiến tham luận đều tập trung vào những vấn đề chính gắn với chủ đề Hội thảo, đó là: Thân thế, sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng: Tập trung nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các vấn đề về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp của vua Đinh Tiên Hoàng trong tiến trình lịch sử dân tộc; phân tích, đánh giá di sản của vua Đinh Tiên Hoàng và Nhà Đinh trong định dạng tầm vóc lịch sử, khát vọng dân tộc; đề xuất phương hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Đinh Tiên Hoàng, Nhà nước Đại Cồ Việt, hào khí Hoa Lư trong quản lý, phát triển đất nước nói chung và quản lý, phát triển tỉnh Ninh Bình nói riêng (hướng đến tầm nhìn năm 2050).

Các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chung của Hội thảo, làm sáng tỏ các luận cứ khoa học, lịch sử, văn hóa về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của vua Đinh Tiên Hoàng với quê hương, đất nước. Hội thảo đã khẳng định vai trò, vị trí, sự cần thiết và đề xuất các biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh trong xây dựng, phát triển đất nước nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Thông qua các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại phiên chuyên đề, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những đánh giá khách quan, khoa học, biện chứng và nhân văn làm cơ sở, tiền đề trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Ninh Bình và hướng tới xây dựng một thành phố di sản tại mảnh đất địa linh, nhân kiệt Ninh Bình trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất phương hướng, các giải pháp phát huy các giá trị tốt đẹp do Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh để lại trong định hướng xây dựng thành phố di sản; trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đồng thời góp phần xây dựng Ninh Bình thành một địa phương giàu mạnh, văn minh, hiện đại.

Hội thảo khoa học Đinh Tiên Hoàng Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn phát biểu bế mạc Hội thảo.

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thay mặt lãnh đạo tỉnh Ninh Bình trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã dành tình cảm, sự quan tâm sâu sắc đối với vùng đất và con người Ninh Bình. Những nỗ lực trong hợp tác hiệu quả giữa tỉnh Ninh Bình với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan nghiên cứu Trung ương hướng tới thực hiện mục tiêu tìm tòi, nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn những vấn đề lịch sử và thực tiễn đặt ra trong quá trình đổi mới, phát triển của Ninh Bình và của quốc gia, dân tộc.

Hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc" đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp, biên tập các bài tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo thành Kỷ yếu Hội thảo làm tài liệu khoa học để nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh. Đồng thời làm nguồn tư liệu giúp cho các cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý Nhà nước có thêm cơ sở để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những giải pháp cụ thể, đảm bảo tính khả thi cao trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, phục vụ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, trên cơ sở nội dung Hội thảo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư nói riêng. Tiếp tục khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, phát huy hào khí Hoa Lư, tinh thần đại đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng và phát triển quê hương Ninh Bình giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Đồng thời, thông qua kết quả của Hội thảo và kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học, với nhiều giải pháp được nêu trong các bài tham luận, cần có phương án ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hoạch định các chính sách, thực hiện hiệu quả công tác quản lý, quản trị địa phương, góp phần thúc đẩy khát vọng dân tộc, hào khí Hoa Lư trong bối cảnh đương đại, đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. 

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH