Hội nghị trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Lượt xem: 86
Chiều 18/9/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNT). Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì Hội nghị.
anh tin bai

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Ninh Bình

Dự và chủ trì tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các Sở, ngành; UBND các huyện: Kim Sơn, Gia Viễn.

Theo Báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10h ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61 km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15 km/h.

Dự báo diễn biến áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Trên biển: Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp.

Trên đất liền: Từ gần sáng và ngày 19/9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

Dự báo từ chiều ngày 18/9 đến ngày 20/9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm. 

Từ chiều ngày 18/9 đến ngày 19/9, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 100mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).

Trước ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ngày 17/9, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Công điện số 25/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Trong đó, yêu cầu các huyện, thành phố rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; kiểm tra các công trình bị ảnh hưởng của bão số 3, chủ động bố trí vật tư, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.

Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng đã tập trung làm rõ những phương án ứng phó với ATNĐ. Trong đó, tập trung thu hoạch lúa hè thu, thu hoạch thủy hải sản; đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; an toàn tàu thuyền, thông tin liên lạc, phương án cung ứng lương thực, thực phẩm chống bão; kế hoạch di dời người dân, nhất là ở các khu vực dễ xảy ra sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn,

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh diễn biến của ATNĐ này còn rất phức tạp, có khả năng mạnh lên thành bão, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra. Vì vậy, yêu cầu các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thường xuyên cập nhật thông tin để chủ động chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó phù hợp. Tiếp tục kêu gọi tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, ven biển vào bờ để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, cần rà soát tình trạng ngập lụt trong đó có ngập lụt đô thị và có phương án sơ tán dân; di chuyển tài sản có giá trị; khẩn trương thu hoạch lúa đã chín, thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm; đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình thủy điện, tuân thủ nghiêm quy trình vận hành. 

Các địa phương chịu ảnh hưởng của ATNĐ cần chủ động bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

An Na
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH