Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025
Lượt xem: 57
Sáng nay (19/8/2024), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025

Tại điểm cầu Ninh Bình, dự Hội nghị có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.

Mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Báo cáo tổng kết năm học 2023-2024 nêu rõ: Năm học qua, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông (giảm 176 cơ sở so năm học 2022-2023), với tổng số 18.463.481 học sinh (giảm 336.049 học sinh so năm học 2022- 2023), trong đó cấp Tiểu học là 8.919.198 học sinh (giảm 313.518 học sinh), cấp THCS là 6.550.552 học sinh (tăng 472.852 học sinh); cấp trung học phổ thông THPT là 2.993.731 học sinh (tăng 106.166 học sinh). Tỷ lệ bình quân 4,25 cơ sở giáo dục THPT/đơn vị hành chính cấp huyện; 1,03 cơ sở giáo dục THCS và 1,38 cơ sở giáo dục tiểu học/đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng trường trung học tăng ở các thành phố lớn do việc tăng dân số nên địa phương đã xây dựng, thành lập các trường mới; số lượng giảm ở một số địa phương do việc sáp nhập địa giới hành chính dẫn đến việc sáp nhập các trường trung học trên địa bàn.

anh tin bai

Quang cảnh tại điểm cầu Ninh Bình

Để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024; Công điện về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và việc quản lý trẻ em, học sinh trong dịp nghỉ hè; thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; ban hành Quyết định thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 Sở Giáo dục và Đào tạo; ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi; phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ (A03); hướng dẫn học sinh đang học lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến; đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra thi đến từ 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và 140 cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; hoàn thành rà soát các phần mềm phục vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị và các văn bản hướng dẫn, xây dựng kế hoạch tổ chức thi sát thực tế; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và phân công nhiệm vụ cho các thành viên bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và thời gian thực hiện. Các địa phương có các giải pháp, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong các ngày thi, đặc biệt là thí sinh người đồng bào dân tộc, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm mọi thí sinh đều có thể tham dự Kỳ thi. Công tác chấm thi được các địa phương thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc vào khoảng 99,40%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh THPT là khoảng 99,69% và học sinh giáo dục thường xuyên là khoảng 96,99%...

Bảo đảm số lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo: sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục (năm học 2022-2023 bổ sung 27.850 biên chế và năm học 2023-2024 bổ sung 27.826 biên chế), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương thực hiện việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao; đồng thời, đổi mới quy trình giao biên chế và tổ chức tuyển dụng giáo viên của các địa phương bảo đảm tuyển dụng kịp thời số biên chế được giao chưa sử dụng.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyển dụng và đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, năm học 2023-2024 (tính đến tháng 4/2024), các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông (tăng 17.253 giáo viên so năm học 2022-2023) và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (giảm 723 cán bộ quản lý so năm học 2022-2023).

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe tham luận của các địa phương về công tác tổ chức năm 2023-2024 và các giải pháp tổ chức năm học 2024-2025, nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp...; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng*- Ảnh 1.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính nền tảng trong việc hình thành và phát triển con người; qua đó góp phần quyết định sự vận động và phát triển của xã hội; là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong 3 đột phá chiến lược cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, góp phần vào thành tựu chung của đất nước thời gian qua. Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.

Về bối cảnh tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển giáo dục-đào tạo.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, những ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao (như chip bán dẫn, hydrogen, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm…) đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trí tuệ nhân tạo (AI) tác động toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục. Yêu cầu cấp bách nâng cao năng suất lao động để tiếp cận thị trường việc làm 4.0, gỡ bỏ rào cản để hướng tới hội nhập toàn cầu, tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu.

Năm học 2024-2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục-đào tạo, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai thực hiện; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm:

Một là, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới (trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn... cho giáo viên, học sinh); tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hai là, tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2024.

Ba là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục-đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8; xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo và các quy hoạch giáo dục, đào tạo.

Bốn là, tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Năm là, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Sáu là, đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, các ngành mới nổi. Phải có chuyển giao công nghệ, muốn vậy phải có cơ chế, chính sách, hạ tầng và con người.

Bảy là, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục-đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư trong giáo dục-đào tạo; đẩy mạnh giáo dục-đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học; đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp lĩnh vực giáo dục-đào tạo do tình hình kinh tế-xã hội còn khó khăn, còn tác động của đại dịch Covid-19.

Tám là, xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” và phù hợp thực tiễn, hiệu quả.

Chín là, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Trong đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số, nhất là dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông thôn ra thành thị.

K. D
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH