Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/4/2024
Lượt xem: 54
Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/4/2024.    

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu Khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc.

Công điện nêu: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện; Thủ tướng Chính phủ cũng đã trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc triển khai nhiều công trình, dự án nguồn điện, lưới điện. Tuy nhiên, năm 2024 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu điện thời gian tới, bảo đảm không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng Bộ Công Thương:

a) Chỉ đạo quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, các Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 được phê duyệt; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát về quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, khoa học, hiệu quả, các nhà máy điện vận hành an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa sự cố, bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2024 và các năm tiếp theo.

b) Về cơ chế, chính sách mua bán điện: Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày 30 tháng 4 năm 2024 (i) cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; (ii) cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu; (iii) cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ.

c) Về tiến độ các dự án nguồn điện trong Quy hoạch và Kế hoạch điện VIII:

Tập trung chỉ đạo việc lựa chọn nhà đầu tư, triển khai nhanh các dự án nguồn điện trong Quy hoạch, Kế hoạch điện VIII, bảo đảm kịp thời bổ sung nguồn điện mới đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải hằng năm, trong đó lưu ý khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các nhà máy nhiệt điện than Công Thanh và Nam Định 1 trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 để bảo đảm mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và cung ứng điện cho miền Bắc;

d) Về tiến độ các dự án truyền tải điện:

Khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối để đưa vào sử dụng trước ngày 30 tháng 6 năm 2024, các dự án truyền tải điện từ Lào để kịp thời bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc.

đ) Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo; hướng dẫn, khuyến khích sáng tạo trong thực hiện công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan và địa phương liên quan, chỉ đạo các đơn vị chủ quản các hồ chứa thủy điện, tăng cường kiểm tra, tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể từ các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên dành nguồn nước dự phòng tối đa để phát điện trong thời gian cao điểm, tăng cường các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương triển khai nhanh các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, sử dụng rừng tạm để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nguồn điện và lưới điện.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương liên quan tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu đất của các tỉnh đã được phân bổ, chuyển mục đích sử dụng đất cho phát triển nguồn và tải điện và dự báo chính xác tình hình khí tượng, thủy văn để chủ động đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

4. Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, giám sát EVN, TKV, PVN tăng cường phối hợp hiệu quả, tổ chức thực hiện tốt các hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, cung cấp khí, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc; chống tiêu cực, lãng phí, đùn đẩy trách nhiệm; chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc vận hành ổn định, an toàn, tin cậy và khắc phục nhanh các sự cố (nếu có) đối với các nguồn điện của EVN, PVN và TKV.

5. Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

a) Tập trung triển khai nhanh, quyết liệt các dự án nguồn và lưới điện được giao làm chủ đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, đặc biệt, tập trung cao độ, triển khai nhanh nhất các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, kịp thời có giải pháp tập trung sản xuất xong cột thép trước 30 tháng 4 năm 2024 để thi công hoàn thành dựng cột trước ngày 31 tháng 5 năm 2024, tổ chức kéo dây và đưa vào sử dụng trước ngày 30 tháng 6 năm 2024; phấn đấu hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào trong tháng 5 năm 2024 như Trạm cắt Đắk Oóc, đường dây 200 kV Nậm Sum – Nông Cống…

b) Chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý của Tập đoàn làm tốt công tác chuẩn bị sản xuất, bảo đảm có thể huy động tối đa công suất phát điện trong những tháng cao điểm năm 2024, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu (than, khí, dầu) đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Chủ động tích cực, kịp thời hơn nữa việc mua bán điện, nhất là năng lượng tái tạo theo quy luật thị trường và tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, không để lãng phí nguồn lực xã hội.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Khẩn trương triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để triển khai nhanh các dự án nguồn điện, lưới điện có trong Quy hoạch, Kế hoạch trên địa bàn; triển khai sớm các dự án có quy mô công suất lớn tại khu vực miền Bắc như các nhà máy LNG Nghi Sơn – Thanh Hóa, LNG Quỳnh Lập – Nghệ An; phấn đấu khởi công trong Quý II năm 2025 và hoàn thành đóng điện trong năm 2027 các nhà máy: LNG Quảng Ninh, LNG Thái Bình.

b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ EVN, PVN, TKV và chủ đầu tư các dự án điện trong triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án điện, các thủ tục liên quan đến rừng, đất lúa theo thẩm quyền, đặc biệt là các dự án trọng điểm, cấp bách như dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối cần bàn giao toàn bộ các khoảng néo trước ngày 30 tháng 4 năm 2024, các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào.

c) Chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả trên địa bàn, nhất là áp dụng các giải pháp tối ưu, ứng dụng công nghệ tự động, sử dụng năng lượng mặt trời, thay thế đèn tiết kiệm điện,… trong chiếu sáng công cộng, quảng cáo, trang trí ngoài trời; chỉ đạo các cơ quan địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, EVN và chủ đầu tư các nhà máy thủy điện có kế hoạch sử dụng nước tối ưu nhất, vừa bảo đảm sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, đồng thời ưu tiên tối đa nguồn nước dự phòng phục vụ phát điện trong thời gian cao điểm.

7. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và EVN tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách, cách tính toán tiền điện; tiếp tục minh bạch, công khai dữ liệu, thông tin liên quan đến tình hình của ngành điện nhằm tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.

8. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc xử lý theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ.

9. Giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới

 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.

Chương trình hành động thể hiện rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ trong tình hình mới, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo nêu tại Kết luận số 57-KL/TW; là căn cứ để 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Đồng thời, mục tiêu của Chương trình hành động nhằm tạo sự thống nhất trong triển khai công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới, nhận thức rõ về vai trò, vị trí của công tác thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; gắn việc triển khai công tác thông tin đối ngoại với các mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ phát triển đất nước đã đề ra tại Nghị quyết XIII của Đảng, trong đó, chú trọng các mục tiêu và giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu tới năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Hướng tới cách làm mới, sáng tạo

Chương trình yêu cầu nhiệm vụ và giải pháp về công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới cần hướng tới cách làm mới, sáng tạo. Coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại, tạo hiệu quả đột phá.

Công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn tới cần đo được kết quả rõ ràng hơn, thúc đẩy gia tăng thứ hạng quốc gia tại các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới, phù hợp với lợi ích của Việt Nam nhằm củng cố, nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới.

Tăng cường tính chủ động, phối hợp trong công tác thông tin đối ngoại giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, phát huy vai trò chủ trì quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại; đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trong hoạt động thông tin đối ngoại...

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai 5 nhiệm vụ sau:

1- Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết; 2- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách về thông tin đối ngoại; 3- Đổi mới tư duy, nội dung, phương thức, cách làm thông tin đối ngoại; 4- Đẩy mạnh đấu tranh phản bác thông tin sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia; 5- Tăng cường nguồn lực, khuyến khích, động viên các nguồn lực xã hội cho công tác thông tin đối ngoại.

Tạo sự chuyển biến căn bản trong tư duy về công tác thông tin đối ngoại

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý nói chung; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin đối ngoại, các quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, đáp ứng nhiệm vụ thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch về thông tin đối ngoại; chú trọng phát triển hệ thống báo chí, xuất bản đối ngoại có tầm ảnh hưởng, uy tín trên thế giới.

Tạo sự chuyển biến căn bản trong tư duy về công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới; nhận thức sâu sắc mối quan hệ chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; gắn thông tin đối ngoại với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại.

Nâng cao nhận thức của cán bộ làm thông tin đối ngoại trong việc nhận diện, đấu tranh, phản bác với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị; ngăn chặn thông tin xấu độc, xuyên tạc, kích động trái với quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang

 Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 15/4/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.

Tiền Giang có vị trí địa kinh tế thuận lợi giao thương phát triển kinh tế

Thông báo nêu: Tiền Giang có vị trí địa kinh tế thuận lợi, hội tụ đầy đủ yếu tố của vùng đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm cá và những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng sông nước; là địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, nổi bật là thành phố Mỹ Tho, một trong những đô thị, trung tâm thương mại lớn, hình thành sớm nhất Nam Bộ; có vị trí địa kinh tế thuận lợi giao thương phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại là một trong những cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực cố gắng và kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua. Trong 3 năm (2021 - 2023) GRDP tăng bình quân 3,9%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 69 triệu đồng, tăng 23,6% so với năm 2020. Thu ngân sách có tốc độ tăng khá trong vùng; giải ngân đầu tư công luôn trong tốp đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 5,4 tỷ USD tăng 32%, vượt 38,4% kế hoạch năm và thu hút vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 11,8% đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của Nhân dân được nâng lên; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực (100% xã đạt chuẩn nông thôn mới). Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tiền Giang, góp phần vào thành tựu chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tuy nhiên, Tiền Giang vẫn còn khó khăn, thách thức do chịu tác động của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún, khô hạn và xâm nhập mặn; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; hạ tầng chiến lược về giao thông, xã hội, y tế, giáo dục và các hạ tầng khác còn hạn chế; chưa hình thành các trung tâm công nghiệp lớn về chế biến, chế tạo, nhất là chế biến nông - thủy sản; chưa kết nối được chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và cả nước. công nghiệp còn thiếu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn thấp; chi ngân sách còn bất hợp lý. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tiền Giang phát triển nhanh hơn, bền vững hơn

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới Tiền Giang cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu, rà soát, đánh giá và tập trung khắc phục bằng được những hạn chế nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; đổi mới tư duy, bám sát thực tiễn; tận dụng tối đa các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đột phá, tạo động lực mới để tạo sự phát triển bứt phá, bền vững; phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, dựa trên nền tảng vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp; phải dựa vào các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, nhất là chuyển đổi số.

Phổ biến, tuyên truyền, công khai, minh bạch để toàn dân biết, triển khai thực hiện hiệu quả và khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh với ba khâu đột phá phát triển theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư; cơ cấu lại chi ngân sách; tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, y tế, văn hóa…, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm kết nối nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn.

Tiền Giang chú trọng phát triển văn hoá, xã hội

Tỉnh Tiền Giang chú trọng phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực, vừa là đầu vào, vừa là đầu ra của phát triển. Tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng hoá hình thức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Giữ vững trật tự an toàn xã hội; phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm; tăng cường công tác đối ngoại.

Tỉnh phải coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế đi đôi với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Tiếp tục nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), nâng cao xếp hạng về Chuyển đổi số, Đổi mới sáng tạo cấp tỉnh./.


Theo Chinhphu.vn
  • Từ khóa :
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH