Ninh Bình: Hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại sau 30 năm tái lập tỉnh
Lượt xem: 1434
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. 30 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh, Ninh Bình luôn quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đúng tầm của ngành Kinh tế Kỹ thuật quan trọng.

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn mới hoàn thành và thông xe

Quan tâm quy hoạch, xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông

Ngược dòng thời gian trở về 30 năm trước, khi tỉnh mới tái lập, hạ tầng giao thông khi ấy mới chỉ có 2 tuyến quốc lộ huyết mạch là QL.1 và QL.10, kết nối tỉnh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực. Các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, giao thông đô thị, nông thôn, đặc biệt là ở các xã bãi ngang ven biển, miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại vô cùng khó khăn.

Với quan điểm Hạ tầng giao thông phải được ưu tiên đầu tư trước với tốc độ nhanh hơn, làm tiền đề, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Chính vì vậy, 30 năm qua, cùng với các dự án được Trung ương đầu tư, Ninh Bình luôn quan tâm quy hoạch, xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đáp ứng nhiệm vụ phát triển KT-XH. Hệ thống đường cao tốc đến Ninh Bình dần hình thành, nhiều tuyến đường đối nội, đối ngoại được đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới làm thay đổi cơ bản về cơ sở hạ tầng giao thông; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát huy tiềm năng của tỉnh.

Ông Lê Trọng Thành, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Trong những năm qua, ngành Giao thông vận tải Ninh Bình đã đầu tư xây mới 15km đường cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn; cải tạo, nâng cấp 150km đường Quốc lộ đạt quy mô cấp III đồng bằng với tổng kinh phí hơn 18 nghìn tỷ bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ với các dự án trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng QL.1, QL.10, QL.12B, QL.12B kéo dài, QL.38B; đường QL.1 đoạn tránh TP Ninh Bình, đường nối QL.1 với cảng Ninh Phúc... Đối với đường tỉnh, thực hiện nhiều dự án với nhiều nguồn kinh phí khác như dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT.477C, ĐT.477B và cầu Trường Yên, ĐT.479, ĐT.480, ĐT.480B, ĐT.480D... với tổng chiều dài khoảng 141km. Đồng thời, ngành cũng tham mưu để UBND tỉnh chuyển một số tuyến đường địa phương, đường đê kết hợp giao thông đã được đầu tư xây dựng thành đường tỉnh, phục vụ hoàn thiện mạng lưới giao thông, kết nối khu vực.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, mạng lưới đường bộ đến nay có tổng cộng 3770 km đường được phân cấp, phân loại, bao gồm 08 tuyến Quốc lộ dài 238km, 19 tuyến đường tỉnh dài 259,5km, đường huyện 349,5km, đường đô thị 374km, đường xã 1378km, đường chuyên dùng 118km, đường đê kết hợp giao thông 219km. Trong đó hệ thống giao thông nông thôn (đường xã, đường thôn, xóm, nội đồng) chiếm 82%. Tỷ lệ đường giao thông đạt 2,57km/km2, bình quân 3,56km/1000dân (so với đồng bằng sông Hồng là 1,68km/km2, bình quân 1,7km/1000dân). Nhiều cây cầu lớn như Cầu Nam Bình (1.637m), cầu Gián Khẩu (210m), cầu Hoàng Long (850m)... được đầu tư xây dựng. Đường cao tốc qua Ninh Bình gồm 02 tuyến cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa (tuyến cao tốc Bắc – Nam) và tuyến Ninh Bình – Hải Phòng đang được nghiên cứu đầu tư xây dựng sẽ góp phần nâng cao tốc độ lưu thông, mức độ kết nối với giao thông khu vực. Trên địa bàn tỉnh có hơn 300km đường cấp III, gần 60km đạt tiêu chuẩn đường cấp II, đô thị; 100% đường Quốc lộ, đường tỉnh đã được cứng hóa bằng Bê tông xi măng, bê tông nhựa, đá dăm láng nhựa trong đó hơn 50% đã được thảm bê tông nhựa. 100% tổng số xã đã có đường ôtô đến trung tâm xã, đa phần mọi thôn, xóm, bản, làng cũng đã có đường ôtô đến được.

Về đường thủy nội địa, có 16 tuyến Đường thủy nội địa với tổng chiều dài gần 300km và hệ thống kênh, vùng ngập nước được khai thác đang có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển du lịch bằng đường thủy của tỉnh.

Về đường sắt, có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua dài 21,6km và 2km đường sắt chuyên dùng phục vụ sản xuất của địa phương.

Kết hợp với hệ thống đường giao thông có 09 bến xe khách với tổng diện tích hơn 3,4ha tại 05/8 huyện, thành phố, 1 trạm dừng nghỉ, 4 ga đường sắt, 16 cảng thuỷ nội địa có quy mô vừa và lớn là các điểm đầu mối giao thông liên kết GTĐB với giao thông đường sắt, đường thuỷ, phát triển logistic. Cùng các bến phà, đò ngang, bến đò phục vụ tại các điểm du lịch như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vân Long… tạo nên mạng lưới giao thông linh hoạt, đa dạng.

Hạ tầng giao thông đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Cũng theo ông Lê Trọng Thành, Giám đốc Sở GTVT việc đầu tư hiện đại hạ tầng giao thông đã góp phần tăng khối lượng hàng hóa và hành khách lưu thông, an toàn, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại: Năm 2020, khối lượng hàng hóa đạt gần 56,4 triệu tấn, tăng 70% so với năm 2010, bình quân giai đoạn 2011-2019 tăng 5,4%/năm; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt trên 8.518 triệu tấn, tăng 106% so với năm 2010, bình quân giai đoạn 2011-2019 tăng 7,5%/năm; vận chuyển hành khách đạt hơn 16,7 triệu hành khách, tăng 56,5% so với năm 2010.

Các tuyến đường được xây dựng giúp kết nối từ các khu, vùng nguyên liệu đến các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, đồng thời kết nối đến các địa phương khác để tiêu thụ sản phẩm. Kết cấu hạ tầng giao thông đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông giúp kết nối tới các khu, điểm du lịch, rút ngắn thời gian di chuyển trên đường, giúp cho du khách có thể dễ dàng tiếp cận các trung tâm du lịch của tỉnh. Trong giai đoạn 2015-2020, GRDP tăng bình quân của tỉnh là 8,03%/năm, thuộc nhóm tỉnh tăng trưởng cao của  khu vực đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh sang công nghiệp, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 22,03%/năm, dịch vụ tăng 6,92%/năm. Trong đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là nền tảng, góp phần không nhỏ trong kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn còn còn thiếu và nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo tính cân đối giữa các hình thức, hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành; hệ thống đường sắt đã lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao; đường thủy nội địa chưa được khôi thông luồng tuyến; hệ thống cảng biển chưa được khai thác... Do khó khăn về nguồn vốn nên hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu chưa được bảo trì, sửa chữa  kịp thời làm ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng khai thác.

Tiếp bước những thành tựu đã đạt được suốt 30 năm tái lập tỉnh, trong thời gian tới, ngành Giao thông vận tải Ninh Bình xác định tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực, thu hút nguồn vốn, tập trung ưu tiên đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông quan trọng, huyết mạch có tính chất kết nối vùng, liên vùng, kết nối khu du lịch trọng điểm, khu, cụm công nghiệp để thu hút phát triển công nghiệp, du lịch, phát triển mở rộng không gian đô thị, tạo dư địa và động lực phát triển kinh tế xã hội. Phối hợp với Bộ GTVT, các Bộ, ngành Trung ương để đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc, Quốc lộ như: Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh ĐT.482, đường Đông - Tây, đường Bái Đính - Ba Sao; tuyến đường bộ ven biển; đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Xây mới các Bến xe khách đô thị Ninh Bình theo quy hoạch; Nạo vét luồng tuyến Đường thuỷ nội địa... Cùng với xây dựng hạ tầng trọng điểm là phát triển giao thông địa phương, giao thông nông thôn, phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới để từng bước làm đường đến các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Để thực hiện những giải pháp đó, cần có sự chung sức, vào cuộc của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, thành phần xã hội và người dân trong toàn tỉnh. Hướng tới xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, năng động, bền vững; làm tiền đề, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác; đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự nghiệp CNH- HĐH đất nước./.

CTV Thu Dung

  • Từ khóa :
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH