Sức lan tỏa từ phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Lượt xem: 34
Với sự đồng hành, hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, phát huy tính năng động, sáng tạo của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Sức lan tỏa từ phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh biểu dương gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ảnh: Minh Quang

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, mỗi năm Ninh Bình có khoảng 132.800 hộ đăng ký hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Toàn tỉnh hiện có gần 30.000 hộ nông dân đạt danh hiệu này. Ở họ đều có điểm chung là tinh thần sáng tạo, dám đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, chủ động nắm bắt cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Sự đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt của Hội Nông dân các cấp là nguồn động lực quan trọng, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để người nông dân kiên định, thành công với con đường đã chọn.

Sau nhiều năm lao động ở nước ngoài, năm 2021, anh Trần Văn Quang (xóm Phụ Cấp, xã Kim Mỹ, Kim Sơn) quyết định trở về địa phương, khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn. Đây là mô hình đầu tiên của huyện Kim Sơn và là một trong số ít mô hình nuôi lươn không bùn trên địa bàn tỉnh.

Anh Quang chia sẻ: "So với phương thức nuôi truyền thống trong ao bùn thì nuôi lươn không bùn giúp lươn có tốc độ tăng trọng nhanh, dễ quan sát quá trình sinh trưởng và phát triển bệnh của lươn. Trang trại của gia đình tôi có quy mô hơn 3.600 m2, mỗi năm cung cấp cho thị trường 15 vạn con giống và 5 tấn lươn thương phẩm, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm".

Cũng như nhiều thanh niên khác, thời gian đầu anh Quang gặp không ít khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ. Được Hội Nông dân các cấp hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời giúp giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong các hội thảo, hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, anh Quang có thêm động lực đầu tư, mở rộng mô hình. Năm 2024, anh được Hội Nông dân tỉnh biểu dương là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Sức lan tỏa từ phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trần Văn Quang (xóm Phụ Cấp, xã Kim Mỹ, Kim Sơn) (người cầm mic) là mô hình kinh tế mới của địa phương. Ảnh: Hồng Minh

Đồng chí Nguyễn Minh Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và kinh phí để Hội nông dân triển khai các hoạt động hỗ trợ phong trào; phối hợp với các ban của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".

Nhờ đó, phong trào có điều kiện thuận lợi, phát triển cả bề rộng và chiều sâu có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong đời sống kinh tế-xã hội ở nông thôn. 

Phong trào đạt được những kết quả to lớn, tạo động lực khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, nâng cao vai trò, vị thế của Hội trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội". 

Từ phong trào xuất hiện nhiều hội viên dám nghĩ, dám làm, quyết tâm tìm tòi, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông nghiệp nông thôn. Phong trào đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, mô hình kinh tế trang trại, mô hình cây trồng, con nuôi có hiệu quả kinh tế cao. 

Nông dân Ninh Bình ngày càng tự tin làm chủ những mô hình nông nghiệp hiện đại, hàm lượng khoa học công nghệ cao, nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ xanh, sạch, diện tích canh tác nhỏ, song đạt sản lượng và giá trị lớn. Nhiều hội viên nông dân năng động kết hợp nông nghiệp với du lịch, biến mô hình vườn - ao - chuồng của mình thành nơi trải nghiệm sinh thái, điểm đến thu hút du khách, nâng giá trị kinh tế của mô hình sản xuất lên cao.

Việc thực hiện có hiệu quả phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, nông dân tham gia các hoạt động của địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân góp hơn 114.000 ngày công lao động, đóng góp 19,5 tỷ đồng, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 

Với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp nhau sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn, giúp đỡ nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh xây dựng được 276 mô hình giảm nghèo bền vững, trực tiếp giúp đỡ gần 3.600 hộ nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo. Kết quả phong trào góp phần không nhỏ trong việc củng cố tăng cường đoàn kết trong nông dân, ổn định tình hình chính trị, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn nông thôn.

Phong trào thi đua gắn kết giữa tổ chức Hội và hội viên, góp phần thu hút, tập hợp đông đảo nông dân vào tổ chức Hội. Giai đoạn 2022-2024, đã kết nạp 7.718 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 137.325 hội viên.

Những kết quả đạt được từ phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" những năm qua là tiền đề quan trọng để Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào trong thời gian tới. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới; đẩy mạnh hoạt động phối hợp tạo vốn sản xuất, kinh doanh cho nông dân thông qua nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, các dự án và chương trình quốc gia giải quyết việc làm; xây dựng phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; thành lập Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp xã, Câu lạc bộ nông dân tỷ phú cấp tỉnh…

 
Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH