Nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm được công nhận là di sản văn hóa
Lượt xem: 106
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố các Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024, trong đó, có nghề thủ công truyền thống - nghề thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao về giá trị, bề dày lịch sử, nét độc đáo riêng có của nghề thêu ren vùng đất gắn liền với di sản Tràng An. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Vào thế kỷ thứ XIII, trong khu vực Hành Cung Vũ Lâm, 1 căn cứ kháng chiến lớn được các Vua nhà Trần xây dựng để chống quân xâm lược Nguyên Mông. Tương truyền, bà Trần Thị Dung, vợ Thái sư Trần Thủ Độ đã cho các cung nữ truyền dạy nghề thêu ren cho người dân làng Văn Lâm phục vụ nghi thức, nghi lễ trong đời sống văn hóa tâm linh. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, người dân Văn Lâm đã kế thừa di sản đời xưa để lại, không ngừng sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm độc đáo. Bà Đinh Thị Nguyên, một trong số các nghệ nhân của thôn vẫn hàng ngày miệt mài say sưa với từng đường kim, mũi chỉ. Theo bà, thì để làm ra một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn từ ý tưởng thiết kế, sau đó in bản vẽ hoạ tiết lên các chất liệu vải, lựa chọn chỉ thêu cho phù hợp. Bên cạnh đó, các kỹ thuật như: thêu đâm xôi, thêu nối đầu… là nét độc đáo riêng chỉ có ở Văn Lâm.

Sản phẩm do nghệ nhân của làng nghề Văn Lâm thêu

Bên cạnh những hộ gia đình làm nghề nhỏ lẻ, thì trong thôn đã hình thành và phát triển nhiều mô hình doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu và khách du lịch. Qua đó, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Để bảo tồn và phát triển nghề thêu ren, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, các ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các lớp truyền và dạy nghề. Đây là cách để tuyên truyền giáo dục, khơi dậy niềm tự hào của thế hệ trẻ, từ đó yêu và lựa chọn theo nghề truyền thống của cha ông.

Truyền và dạy nghề thêu cho thế hệ trẻ

Dịch vụ du lịch phát triển thu hút nhiều lao động trong thôn, song thêu ren vẫn là ngành nghề quan trọng đối với người dân nơi đây. Duy trì và phát triển nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập, mà còn để di sản sống mãi trong cộng đồng dân cư.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH