Ngành Giáo dục-Đào tạo: Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa học đường
Lượt xem: 84
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 33/NQTW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" là xây dựng môi trường văn hóa. Thời gian qua, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.
Ngành Giáo dục-Đào tạo: Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa học đường

Chương trình ngoại khóa chuyên đề "Bé tập làm chiến sĩ Điện Biên" tại Trường Mầm non Ninh Vân (Hoa Lư). Ảnh: Minh Quang

Đồng chí Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho học sinh, sinh viên. Để xây dựng môi trường văn hóa học đường, Sở GD-ĐT chỉ đạo và tổ chức duy trì việc thực hiện nâng cao chất lượng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong các trường học. 

Tính đến tháng 4/2024, toàn tỉnh có 449/477 trường đạt danh hiệu "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" đạt 94,1%. Từ năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thực hiện xây dựng "Trường học xanh-sạch đẹp-an toàn-hạnh phúc" gắn với các phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; "Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, hạnh phúc"… Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học, quy định và thực hành mối quan hệ, ứng xử văn minh giữa các nhân tố cấu thành mối quan hệ trong nhà trường, giữa nhà trường với xã hội. Chú trọng giáo dục đạo đức, ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. 

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về phát triển văn hóa, con người Việt Nam vào chương trình các môn học, hoạt động ngoại khóa tại các trường học trong tỉnh. 

Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo cho công tác dạy và học; có lộ trình kiểm định chất lượng giáo dục và kiểm tra công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục xóa mù chữ. Thực hiện Nghị quyết số 33, ngành GD-ĐT đã quan tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. 

Trong những năm gần đây, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành ngày càng được nâng cao, cơ bản đủ về cơ cấu, chủng loại, toàn ngành có gần 16 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo trở lên đạt 96,9%, trong đó trên chuẩn chiếm 37,3%, có 3 tiến sĩ, trên 700 thạc sĩ. Công tác đào tạo bồi dưỡng được tập trung chỉ đạo, triển khai với nhiều hình thức, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn. Công tác giáo dục lối sống, nếp sống văn hóa cho CBCCVC và người lao động ở cơ quan và nơi cư trú được coi trọng. Công tác quản lý, quản trị nhà trường được tăng cường, đảm bảo kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong các cơ sở giáo dục, tạo sự đồng thuận trong xã hội. 

Toàn ngành tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đảng bộ, các chi bộ trực thuộc Sở luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gương mẫu thực hiện. Nhờ đó đã rèn luyện, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Kỷ cương, nền nếp trong toàn ngành được tăng cường, môi trường văn hóa trong các cơ quan giáo dục được xây dựng, góp phần thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". 

Đối với nhiệm vụ xây dựng con người Ninh Bình phát triển toàn diện, bên cạnh việc thực hiện chương trình các môn học, ngành GD-ĐT chú trọng giáo dục lịch sử, truyền thống của đất nước và đặc biệt là của quê hương Ninh Bình với những giải pháp hiệu quả, sáng tạo. 

Với lợi thế vùng đất Cố đô giàu truyền thống, với hệ thống di sản vật thể, phi vật thể phong phú, ngành GD-ĐT Ninh Bình đã biên soạn, đưa vào giảng dạy nội dung giáo dục địa phương đạt hiệu quả. Học sinh Ninh Bình được học tập, có vốn hiểu biết toàn diện về truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa, con người, điều kiện kinh tế-xã hội của quê hương. Từ đó bồi đắp, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cũng như khơi dậy, nuôi dưỡng niềm tự hào và khát khao cống hiến cho quê hương trong các thế hệ học trò. 

Đồng thời, ngành quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giáo dục nghệ thuật và phong trào thể thao học đường thông qua việc tổ chức các CLB nghệ thuật, các cuộc thi, hội diễn, các giải TDTT, chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên, trang bị các điều kiện sân bãi, nhà thi đấu đa năng, dụng cụ luyện tập để học sinh được rèn luyện sức khỏe, phát triển năng khiếu thể thao, nghệ thuật. 

Từ kết quả xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh đã góp phần quan trọng vào kết quả giáo dục toàn diện. Đối với giáo dục mầm non, 100% trẻ được học 2 buổi/ngày, được chăm sóc bán trú tại trường; 100% trẻ đến trường được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần, được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới. 

Chất lượng giáo dục tiểu học có nhiều chuyển biến tích cực, tất cả các chỉ số năm học 2022-2023 đều tăng so với năm học trước. Học sinh được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt các môn học đạt 99,39% trở lên, đạt yêu cầu về năng lực và phẩm chất đạt 99,82% trở lên; tỷ lệ hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học tiếp tục được giữ vững. 

Chất lượng giáo dục trung học cũng có nhiều chuyển biến tích cực so với năm học trước: cấp THCS, học sinh xếp loại hạnh kiểm Tốt, Khá đạt 99,8%, xếp loại học lực Khá, Giỏi đạt 65,31%; cấp THPT, học sinh xếp loại hạnh kiểm Tốt, Khá đạt 99,83%, xếp loại học lực khá, giỏi đạt 73,69%. 

Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh trong tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục Ninh Bình ổn định, vững chắc...

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH