Việt Nam và Philippines đưa kim ngạch thương mại đạt 10 tỷ USD vào năm 2025
Trưa 30/1, tại Hà Nội, trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Philippines đồng chủ trì cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp hai nước.
Cùng dự cuộc gặp mặt về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Chính phủ; Đại sứ Việt Nam tại Philippines Lại Thái Bình…
Về phía Philippines có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Enrique A. Manalo; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Francisco T. Laurel; Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư Alfredo E. Pascual; Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc của Tổng thống Cheloy Velicaria Garafil; Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Eduardo M. Ano; Cố vấn của Tổng thống về Đầu tư và Kinh tế Frederick D. Go; Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo LB. Montealegre.
Đặc biệt, dự cuộc gặp mặt có đông đảo các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam-Philippines trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, thương mại, bất động sản, ô tô điện, hàng không, công nghệ thông tin, thực phẩm, năng lượng, công nghiệp dược, giáo dục-đào tạo...
Các ý kiến tại cuộc gặp đánh giá sau 48 năm thiết lập ngoại giao và 9 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược, quan hệ hợp tác Việt Nam-Philippines giữ đà phát triển tốt đẹp và thu được thành quả trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt khoảng 7,8 tỷ USD, tăng 12% so với mức năm 2021. Tính đến hết tháng 11/2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,1 tỷ USD.
Philippines hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 trên thế giới và lớn thứ sáu trong ASEAN của Việt Nam. Philippines cũng là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Hiện Philippines có 92 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD.
Trên nền tảng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp, hai bên đều mong muốn tiếp tục thúc đẩy, quan hệ mở ra giai đoạn mới để hai bên tăng cường hợp tác trên cả bình diện song phương và đa phương, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư…
Hai nước có những điểm tương đồng để cùng khai thác, phát triển như: Hai nền kinh tế đều có độ mở cao; hai nước cùng trong khu vực Đông Nam Á; có quy mô dân số, trình độ phát triển không khác biệt; và có nhiều gắn kết về lịch sử, văn hóa và con người; cùng có cơ chế khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương; đều là thành viên tích cực của Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đặc biệt, hai bên đều tạo thành khuôn khổ pháp lý đầy đủ và thuận lợi để doanh nghiệp hai bên kết nối, giao thương và hợp tác, cùng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực cũng như toàn cầu.
Các ý kiến đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy, khơi thông các dòng chảy đầu tư, thương mại, đặc biệt trong các lĩnh vực hai bên có lợi thế và tiềm năng hợp tác, như: Nông nghiệp chất lượng cao, năng lượng tái tạo, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế,...
Hai bên sẽ tận dụng và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà hai nước đang là thành viên để thúc đẩy trao đổi hàng hóa, gia tăng xuất nhập khẩu, tăng cường mở cửa thị trường và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai bên; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 10 tỷ USD.
Đồng thời tăng cường thu hút sự quan tâm và đầu tư của doanh nghiệp hai nước vào thị trường của nhau. Trong đó, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng đến chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, lãnh đạo 18 doanh nghiệp đã chia sẻ những ấn tượng, cảm xúc, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của mình, bày tỏ sự lạc quan, phấn khích về khả năng hợp tác và trình bày các định hướng cụ thể hợp tác sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư trong thời gian tới, nêu một số đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo hai nước liên quan tới thuế chống bán phá giá với xi măng Việt Nam, cấp phép kinh doanh viễn thông, thủ tục mở lại đường bay thẳng, kết nối cáp quang giữa hai nước…
Đáng chú ý, Vietjet cho biết sẽ sớm mở đường bay kết nối Việt Nam-Philippines. Đường bay không chỉ kết nối Manila với TPHCM mà còn kết nối thuận tiện với khắp các điểm đến Việt Nam cũng như quốc tế cùng mạng bay của Vietjet đến Australia, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Kazakhstan…
Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. cảm ơn sự đón tiếp rất trọng thị của phía Việt Nam dành cho đoàn, với tinh thần hữu nghị, hợp tác, hướng tới tương lai. Ông cho rằng chuyến thăm lần này của ông sẽ góp phần tăng cường quan hệ gần gũi, thân thiết, bền chặt, mang tính chiến lược giữa hai nước.
Ông nhấn mạnh, quan hệ chiến lược này cần mở rộng hơn nữa tới các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực.
Đánh giá cao chính sách cởi mở, sự hỗ trợ tích cực của phía Việt Nam với doanh nghiệp hai nước, ông tin tưởng lạc quan rằng các doanh nghiệp Philippines sẽ tiếp tục hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam - quốc gia đang phát triển rất năng động và doanh nghiệp Việt Nam cũng nhìn Philippines như một thị trường rất tiềm năng.
Ông cho rằng hai bên cần tiếp tục phát triển các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại truyền thống, nhất là nông nghiệp và các lĩnh vực phi truyền thống khác như khai khoáng, đầu tư công nghệ xanh, kết nối về giao thông, công nghệ…
Ông ghi nhận các quan ngại của phía Việt Nam về các biện pháp phòng vệ, rào cản kỹ thuật của Philippines và cho rằng hai nước đang ở trong bối cảnh kinh tế hết sức năng động của khu vực, hai nước là những đối tác tự nhiên, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác và cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho hợp tác doanh nghiệp. Ông cho rằng cần đẩy mạnh cơ chế hợp tác giữa Chính phủ với Chính phủ, hiệp hội với hiệp hội, doanh nghiệp với doanh nghiệp… giữa hai bên.
Về phần mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá rất cao vai trò của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos Jr. trong thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Philippines phát triển, góp phần đưa đất nước tiếp tục phát triển và tạo điều kiện, tạo động lực mới, cảm hứng mới để doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tăng cường hợp tác, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế.
Thủ tướng cho rằng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước đã đạt những kết quả nhất định, đáng khích lệ nhưng so với tiềm năng, cơ hội, lợi thế và quan hệ chính trị giữa hai nước thì vẫn chưa tương xứng, còn nhiều dư địa để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. "Hai nền kinh tế có thể kết nối và bổ sung cho nhau, tin cậy chính trị ngày càng cao hơn, chúng ta ngày càng hiểu nhau hơn và hai bên ngày càng có nhiều kinh nghiệm để hợp tác", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị hai bên làm mới những động lực cũ trong hợp tác (như trong đầu tư, thương mại, tiêu dùng…) và bổ sung thêm những động lực mới như hợp tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Tổng thống về hai bên cần có sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hợp tác với nhau để tạo ra sức mạnh chung.
Về những băn khoăn, trăn trở của doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị hai bên giải quyết các công việc theo hướng cấp phép nhanh hơn, rà soát, bãi bỏ các rào cản kỹ thuật không hợp lý, điều chỉnh quy định, chính sách, giải quyết những vướng mắc trên tinh thần luôn lắng nghe doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Cho rằng định hướng chung là của lãnh đạo hai nước, nhưng làm ra của cải vật chất là nhờ doanh nghiệp hai bên, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định pháp luật để các doanh nghiệp Philippines tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục rà soát, xử lý nhanh chóng các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo môi trường, không gian phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp hai nước.
"Không có cản trở nào với việc doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, hai nền kinh tế đẩy mạnh kết nối vì mục tiêu hai nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hai nước ấm no, hạnh phúc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.