Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão năm 2024
Lượt xem: 51
Để kịp thời chủ động phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường và khả năng ô nhiễm môi trường có thể xảy ra do ảnh hưởng từ các biến động của thời tiết, đặc biệt là vào thời điểm bước vào mùa mưa bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ngày 20/8/2024, UBND tỉnh ban hành văn bản số 494/UBND-VP3 chỉ đạo tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão năm 2024. UBND tỉnh yêu cầu:

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng chống thiên tai

Đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra cống Đọ tại xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh (ảnh Báo Ninh Bình)

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động xây dựng và thực hiện phương án điều động lực lượng, phương tiện, phối hợp hiệp đồng với các đơn vị liên quan tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ và ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố môi trường theo chức năng nhiệm vụ được giao; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, điều hành ở các cấp và hành động phối hợp, hiệp đồng của bộ đội trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra; chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố triển khai lực lượng phối hợp với lực lượng công an bảo vệ hiện trường, bảo đảm an ninh trật tự; triển khai lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh xây dựng, tổ chức thực hiện phương án cứu hộ, cứu nạn trên biển và vùng ven biển khi xảy ra thiên tai và phương án cứu hộ, cứu nạn trên biển và vùng ven biển khi có yếu tố nước ngoài tham gia. 

Công an tỉnh chủ động nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải; phối hợp làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường; tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố môi trường; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để hạn chế sự cố cháy nổ gây ra sự cố chất thải ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản nhân dân; Xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan, UBND cấp huyện, đơn vị có liên quan sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ và cứu hộ, cứu nạn; tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường khu vực sự cố, không cho người và các phương tiện không đúng chức năng, nhiệm vụ vào khu vực sự cố; phối hợp với UBND cấp huyện, xã tổ chức sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân. 

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố môi trường cấp theo chỉ đạo, phân công của UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh; rà soát, đánh giá các cơ sở, địa điểm có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn; yêu cầu các cơ sở, đơn vị quản lý, xây dựng phương án chủ động ứng phó với sự cố môi trường theo quy định; Hướng dẫn thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, kỹ thuật phục hồi môi trường sau sự cố xảy ra về môi trường theo đúng quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thường xuyên thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn theo dõi, đánh giá việc khai thác, sử dụng tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng, chống thiên tai trên địa bàn; cập nhật thông tin tình hình thời tiết và thủy văn hàng ngày, thông tin thời tiết thủy văn 10 ngày và thông tin cảnh báo khí tượng thủy văn nguy hiểm trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm, suy thoái đối với môi trường nước tại các khu vực nuôi trồng thủy sản 3 sau khi xảy ra sự cố môi trường và các khu vực bị ảnh hưởng làm cơ sở xác định thiệt hại đối với môi trường; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu; phát hiện và xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Xây dựng, tổ chức thực hiện phương án chống úng, chống hạn, phương án khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất nông nghiệp; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hạn hán, mưa, bão, lũ xâm nhập mặn, phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát quy hoạch để chủ động điều chỉnh bố trí cây trồng vật nuôi phù hợp với khả năng cung cấp nước của từng vùng, từng địa phương; chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức quản lý, vận hành các công trình trên hệ thống đê, các hồ chứa không để hiện tượng xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp; chủ động đôn đốc, kiểm tra, sửa chữa, khôi phục hoạt động của các công trình cấp nước tập trung nông thôn khi xảy ra sự cố môi trường; tuyên truyền, phổ biến tới người dân chủ động áp dụng các biện pháp tích trữ nước và sử dụng nước an toàn trong thời gian hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp theo quy định; xây dựng kịch bản ứng phó sự cố môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý; Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý xây dựng và thực hiện các kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở để đảm bảo an toàn, vệ sinh, môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó khi có sự cố môi trường xảy ra; Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân về việc lập và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải theo chức năng nhiệm vụ. 

Sở Y tế chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm Y tế chuẩn bị lực lượng, phương tiện và trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc sẵn sàng tham gia cấp cứu, vận chuyển, điều trị người bị nạn; Cử cán bộ, nhân viên chuyên môn trực tại hiện trường xảy ra sự cố để đảm bảo công tác sơ cứu, cấp cứu kịp thời cho các nạn nhân và lực lượng tham gia ứng phó khi sự cố môi trường xảy ra.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật các thông tin chính xác, kịp thời khi sự cố môi trường xảy ra; phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo thông tin thông suốt, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động ứng phó, khắc phục, tìm kiếm cứu nạn.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động rà soát, kiểm tra các khu vực trên địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nhất là trong các mùa mưa lũ, bão, thiên tai; có các phương án di chuyển kịp thời, không để bị ngập lụt hoặc nước cuốn trôi, đảm bảo an toàn và hiệu quả; Thực hiện công khai thông tin môi trường theo quy định; Triển khai các giải pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; Lập phương án, chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất và kinh phí dự phòng...) phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường sau mưa lũ, bão, thiên tai…; Chủ động xử lý tiêu hủy xác động vật chết sau mưa lũ, bão, thiên tai bảo đảm đúng quy định; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật chết xuống các dòng sông, ao, mương, bãi đất trống, bụi cây..., làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện các bước xử lý môi trường sau mưa lũ, bão, thiên tai theo quy trình tại Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 314/QĐ-UBND ngày 19/4/2023; Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn đặc biệt là các cơ sở có nguy cơ dễ phát sinh sự cố môi trường như: cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản; cơ sở sản xuất phân bón, hóa chất; bãi lưu giữ chất thải rắn của nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, và các cơ sở khác có hồ chứa chất thải, nước thải hoặc các bãi lưu giữ chất thải.

Chi tiết xem tại văn bản số 494/UBND-VP3 của UBND tỉnh!

Kim Duyên
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH