Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình: Kỳ vọng lớn, quyết tâm cao
Lượt xem: 342
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực, không gian cho phát triển của tỉnh Ninh Bình và khu vực. Mặc dù dự án chưa được triển khai thi công trên thực địa nhưng đã nhận được sự đồng tình cao của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.  
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình: Kỳ vọng lớn, quyết tâm cao

Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng khi hoàn thành sẽ kết nối với đường cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45. Ảnh: Anh Tuấn

Chủ động, tích cực triển khai dự án 

Đồng chí Lê Trọng Thành, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, đơn vị được giao chủ đầu tư cho biết: Mục tiêu đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, nhằm từng bước hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021; kết nối đường bộ cao tốc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh; tạo động lực phát triển các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ; làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đáp ứng kịp thời khi có sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu trong khu vực; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. 

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có tổng chiều dài tuyến là 25,3km, phạm vi ảnh hưởng đến 2 huyện Yên Khánh và Yên Mô. Dự án có ý nghĩa quan trọng, ngoài việc kết nối với tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 đã hoàn thành và đi vào khai thác; giảm tải cho tuyến Mai Sơn-Cao Bồ qua trung tâm thành phố Ninh Bình và tuyến Mai Sơn cầu Tam Tòa, còn kết nối giao thông toàn khu vực phía Đông tỉnh Ninh Bình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tuyến đường Quốc lộ 10, tuyến đường ven biển, trục giao thông Đông-Tây của Ninh Bình. 

Đến thời điểm hiện tại, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Thủ tướng Chính phủ có Quyết định giao UBND tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản đầu tư của dự án; Bộ Giao thông Vận tải đồng ý với chủ trương điều chỉnh điểm đầu đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng. Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải là cơ quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. 

Ngay sau khi được UBND tỉnh giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai lập tiến độ chi tiết cho từng hạng mục công việc đến thời điểm khởi công công trình. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đã xác định được hướng tuyến, giải pháp thiết kế, cũng như chi phí giải phóng mặt bằng theo đơn giá tại địa phương và quy mô đầu tư, hệ thống cầu, cống, hầm chui, đường gom... của Dự án cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình. 

Theo đó, quy mô xây dựng bao gồm: Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế là 120km/h, bề rộng nền đường là 24,75m và các công trình phụ trợ trên tuyến. Tổng mức đầu tư là 6.865 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2024-2029. Dự án có điểm đầu là nút giao Mai Sơn giao với tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Mai Sơn-QL45 thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Điểm cuối là Cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. 

Có thể khẳng định, việc Ninh Bình chủ động, kiên trì đề xuất phương án làm Chủ đầu tư và điều chỉnh hướng tuyến Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình là một sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, tạo động lực cho phát triển phù hợp quy hoạch, tầm nhìn của tỉnh trong tương lai. Đây là cơ sở quan trọng để Ninh Bình kết nối liên thông mạng lưới giao thông đường bộ trong tỉnh và khu vực, phát huy hiệu quả sau đầu tư, tạo dư địa, không gian phát triển có tầm nhìn cho nhiều giai đoạn sau này của tỉnh Ninh Bình. 

Quyết tâm cao trong thực hiện 

Song song với thực hiện các bước, trình tự thủ tục để triển khai dự án, UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh và hướng dẫn Chủ đầu tư thực hiện đảm bảo đúng quy định về triển khai áp dụng cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; tiến hành rà soát các mỏ nguyên liệu phục vụ thi công dự án; quy trình bố trí nguồn vốn thực hiện; đánh giá tác động môi trường và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa; các đơn vị có liên quan khẩn trương có kế hoạch lập, phê duyệt giá đất cụ thể đối với từng loại đất nơi có dự án đi qua, giá đất tái định cư, nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư theo yêu cầu. 

Trên cơ sở phương án đầu tư dự án, UBND huyện Yên Mô và UBND huyện Yên Khánh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện rà soát vị trí, diện tích loại đất phải thu hồi để thực hiện dự án. Đồng thời, rà soát bố trí đủ quỹ đất giao thông, đất ở phục vụ tái định cư và các công trình hoàn trả, phụ trợ khác của dự án. Theo đó, nhu cầu sử dụng đất của dự án sơ bộ khoảng 295,7 ha và dự kiến bố trí 12 khu tái định cư. 

Theo lãnh đạo huyện Yên Mô cho biết: Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có nhu cầu sử dụng đất khoảng 137,65ha trên địa bàn huyện Yên Mô. Bao gồm 119,85ha xây dựng đường cao tốc và 17,8ha xây dựng tái định cư và các công trình hoàn trả. Số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng dự kiến khoảng 1.564 hộ. Khi triển khai thực hiện dự án trên địa bàn, huyện Yên Mô luôn xác định rõ sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân là yếu tố rất quan trọng. Vì vậy, ngay khi nắm được chủ trương thực hiện dự án, huyện Yên Mô đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan và đơn vị chủ đầu tư triển khai thông tin dự án đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là Nhân dân các xã bị ảnh hưởng bởi dự án. Công tác tuyên truyền được lồng ghép với các hội nghị giao ban thường kỳ, các cuộc họp chi bộ thôn, xóm, từ đó tạo đồng thuận trong Nhân dân. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyển, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cũng chia sẻ: Xác định rõ tầm quan trọng đặc biệt của tuyến đường này, Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Khánh đã tập trung thực hiện các quy trình, thủ tục để triển khai dự án; chỉ đạo cơ sở chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cũng như sẵn sàng công tác GPMB khi dự án triển khai trên thực địa. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban tập trung phối hợp với các địa phương rà soát, sẵn sàng các phương án GPMB để triển khai dự án. 

Có thể thấy, dù chưa triển khai trên thực địa, nhưng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình đã nhận được sự ủng hộ cao trong Nhân dân. Điều này thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Bình cũng như sự đồng thuận của Nhân dân trong triển khai dự án. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để Ninh Bình triển khai dự án thuận lợi, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH