Giúp ngư dân Ninh Bình “góp mặt” ngoài khơi xa
Lượt xem: 2486
Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có việc đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa tàu cá, Ninh Bình hiện đã có một chiếc tàu cá vỏ thép nghề lưới rê đầu tiên được khởi công đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định. Điều này mở ra cơ hội để ngư dân Ninh Bình “góp mặt” khơi xa cùng với ngư dân cả nước vừa khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đóng mới tàu cá vỏ thép cho gia đình ông Trần Văn Diệm, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn. Ảnh: Đức Lam
Đóng mới tàu cá vỏ thép cho gia đình ông Trần Văn Diệm, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn. Ảnh: Đức Lam

Sở hữu 15 km chiều dài bờ biển, tỉnh ta được đánh giá là một trong những địa phương có thế mạnh, tiềm năng kinh tế biển. Thế nhưng lâu nay, năng lực đánh bắt hải sản của ngư dân vẫn chưa thật tương xứng.

Nguyên nhân là do ở tỉnh ta bờ biển không dài, ngư dân chưa có kinh nghiệm đánh bắt xa bờ và hầu hết ở trong tình trạng thiếu vốn đầu tư để nâng cấp, cải hoán và đóng mới tàu thuyền có công suất lớn cũng như mua sắm ngư lưới cụ và thiết bị đi biển hiện đại để đảm bảo vươn khơi xa, bám biển dài ngày, phải đi làm thuê trên các tàu của tỉnh bạn.

Hiện nay, toàn huyện Kim Sơn có khoảng trên 1 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực khai thác hải sản, nhưng chủ yếu là đánh bắt ven bờ, chỉ có duy nhất 06 tàu đánh bắt xa bờ có công suất máy từ 110 - 450 mã lực.

Trước thực trạng trên, Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa tàu cá, khuyến khích ngư dân đầu tư hiện đại hóa tàu khai thác trên biển, chú trọng vùng biển xa bờ.

Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, cuối tháng 6 vừa qua, tin vui đến với ngư dân Ninh Bình khi chiếc tàu đầu tiên của ngư dân Trần Văn Diệm (xã Kim Chính, huyện Kim Sơn) vay vốn ưu đãi từ cơ chế, chính sách của Nghị định được khởi công đóng mới.

Trong không khí hân hoan của buổi lễ khởi công, ông Diệm chia sẻ với chúng tôi: Nếu không có Nghị định 67 thì khó ai đóng được tàu sắt. Vậy nên, khi có chủ trương của Chính phủ và được Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho vay vốn, tôi quyết tâm đóng mới tàu.

Với kinh nghiệm đi biển trên 30 năm nhưng chỉ đi tàu vỏ gỗ nên khả năng đánh bắt ở các ngư trường lớn là hạn chế. Sau 5 tháng nữa con tàu hoàn thành, niềm mơ ước của gia đình sẽ thành hiện thực, việc ra khơi sẽ an toàn và hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Văn Dụng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh tế Thiên Trường, đơn vị trực tiếp đóng mới tàu cho ông Diệm cho biết: Con tàu này là tàu vỏ thép nghề lưới rê, ký hiệu thiết kế LR.295 có chiều dài 29,5m, rộng 7,4m, cao 3,1m; trọng tải 238 tấn; sử dụng 2 động cơ Yan-mar có tổng công suất 1055 CV; lưới khai thác của tàu có chiều dài 14 hải lý. Tàu có khả năng hoạt động trên biển từ 30 – 50 ngày với sức chứa 14 thuyền viên, tàu có thể chịu đựng được sóng gió cấp 9.

Bên cạnh đó, tàu còn được trang bị các thiết bị hàng hải hiện đại, có khả năng nhận dạng định vị, phối hợp với các trạm duyên hải. Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi cam kết sẽ đảm bảo đúng tiến độ, kỹ thuật và mỹ thuật của con tàu.

Được biết, thời gian qua Công ty cổ phần Kinh tế Thiên Trường đã cùng với các nhà khoa học, nhà chuyên môn, đặc biệt là những ngư dân có kinh nghiệm không ngừng cải tiến, thiết kế nên những con tàu phù hợp hơn, an toàn và hiệu quả hơn.

Hiện tại Công ty đã ký hợp đồng đóng mới 16 tàu cá với các ngư dân của Nam Định, Vũng Tàu, trong đó đã có 4 chiếc đi vào khai thác mang lại hiệu quả kinh tế cao (300 triệu đồng/chuyến).

Trao đổi với ông Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh được biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị để triển khai thực hiện Nghị định này.

Mặt khác, Sở cũng phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn các chính sách phát triển thủy sản đến ngư dân, để ngư dân hiểu rõ và chủ động tiếp cận.

Tuy nhiên, cái khó của Ninh Bình là số lượng ngư dân có kinh nghiệm đánh bắt xa bờ không nhiều, mặt khác giá trị con tàu quá lớn (trên dưới 10 tỷ đồng) nên ngư dân cũng ngần ngại, nhiều chủ tàu không đủ vốn đối ứng hoặc không dám vay do xét thấy không có khả năng trả nợ, một số lại chờ các chủ tàu khác làm trước mới làm theo khiến cho việc thực hiện Nghị định còn chậm. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực con tàu vỏ sắt đầu tiên của Ninh Bình cũng đã được khởi công đóng mới.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng như ngân hàng, UBND huyện Kim Sơn tuyên truyền, vận động để các hộ ngư dân có đủ điều kiện tham gia đóng mới tích cực, chủ động hơn nữa.

Đồng thời tháo gỡ khó khăn và thành lập tổ chuyên gia giúp việc để chắp mối (chủ chốt là Chi cục Thủy sản), trực tiếp hướng dẫn các ngư dân có thủ tục nhanh nhất để tiếp cận với nguồn vốn, tiếp tục lựa chọn các hộ có đủ điều kiện để triển khai chính sách, giúp ngư dân Ninh Bình “góp mặt” nơi khơi xa cùng với ngư dân cả nước vừa khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Hà Phương

  • Từ khóa :
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH