Yên Mô đẩy mạnh chuyển đổi số
Lượt xem: 832
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Huyện Yên Mô đã và đang tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số, bước đầu đạt kết quả quan trọng trên cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Qua đó, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện phát triển nhanh, bền vững.

Yên Mô đẩy mạnh chuyển đổi số

Giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Yên Mô.

Quan tâm phát triển hạ tầng số từ cấp xã đến cấp huyện được xem là nền tảng quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện trong thời gian qua. UBND huyện Yên Mô đã chỉ đạo, thực hiện khảo sát và nâng cấp toàn bộ mạng LAN nội bộ của các đơn vị, bổ sung trang thiết bị cần thiết, giúp cho mạng Internet đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt và ổn định, an toàn, giúp giải quyết công việc nhanh chóng. 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính, sử dụng hòm thư điện tử; 17/17 UBND cấp xã kết nối mạng Truyền số liệu chuyên dùng; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh chiếm khoảng 70% dân số; áp dụng công nghệ chuyển văn bản giấy thành giọng nói thông qua nền tảng trí tuệ nhân tạo AI để tạo bản tin phát thanh tuyên truyền tại các xã… Xã Yên Mạc là 1 trong 6 xã được huyện Yên Mô chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số. 

Đồng chí Phạm Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ năm 2021, xã Yên Mạc đã tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, công chức và nhân dân trong xã về công tác chuyển đổi số. Bên cạnh đó, phối kết hợp với các đơn vị cấp trên mở các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức xã, thôn, xóm về công tác chuyển đổi số. Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 15/15 xóm. Đặc biệt, xã quan tâm đầu tư hạ tầng số tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đầu tư lắp đặt hệ thống phát thanh sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, khám chữa bệnh thông minh qua hệ thống Telehealth… 

Đến nay, xã Yên Mạc đã thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, từng bước hình thành công dân số tại địa bàn. Với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, huyện Yên Mô đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số một cách toàn diện. Trong đó, một trong những thước đo của quá trình chuyển đổi số là xây dựng chính quyền số. Huyện Yên Mô đã cập nhật Quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 100%; 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên; 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định; tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng phần mềm chuyên ngành hiện có trong hoạt động nghiệp vụ của cán bộ (phần mềm quản lý tài sản, phần mềm kế toán, phần mềm Misa, phần mềm BHXH, phần mềm kê khai BHXH, phần mềm kê khai thông tin trẻ em, phần mềm đăng ký hộ tịch…); trang thông tin điện tử đã thiết lập thêm các menu, các danh mục và đăng tải, cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử huyện đầy đủ, kịp thời, được kết nối trực tiếp đến một số trang báo điện tử chính của Trung ương; thiết lập kênh truyền thông, giao tiếp giữa UBND các xã với người dân; hệ thống giám sát, điều hành thông minh cấp xã đi vào hoạt động giúp cho lãnh đạo UBND cấp xã kịp thời nắm bắt các chỉ tiêu, nội dung quan tâm để chỉ đạo kịp thời. 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Yên Mô cho biết: Để thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, lãnh đạo huyện Yên Mô đã chỉ đạo tập trung đầu tư, hỗ trợ cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Trong năm 2022, huyện đã quan tâm đầu tư sửa chữa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện; đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu nhiệm vụ; lựa chọn cán bộ các phòng chuyên môn có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực để làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. UBND huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp huyện, cấp xã trong việc giải quyết các TTHC. 

Về kinh tế số, huyện Yên Mô đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đưa các sản phẩm của xã lên sàn thương mại điện tử PostMart; phối hợp với các đơn vị Bưu điện và Viettel hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn cho người dân tham gia sàn thương mại điện tử bán các sản phẩm trên sàn PostMart và Voso. Triển khai thanh toán điện tử qua mã quét QR tại UBND các xã và Trạm Y tế xã. Xây dựng các mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số (Vpostcode)... 

Điểm nhấn trong xây dựng xã hội số trên địa bàn huyện Yên Mô là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và khám, chữa bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa thông qua ứng dụng Medici, khám bệnh từ xa Telehealth. Hiện, các trường học trên địa bàn huyện đã thử nghiệm triển khai việc dạy và học trực tuyến; dịch vụ sổ liên lạc điện tử; phê duyệt giáo án điện tử; học bạ điện tử; đánh giá chất lượng quản lý giáo dục; ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp. Việc triển khai thực hiện chuyển đổi số đã góp phần thay đổi nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. 

Đến nay, toàn huyện đã có 232/232 thôn, xóm, tổ dân phố có Tổ công nghệ số cộng đồng; có 7 xã, thị trấn hoàn thành việc chuyển đổi số. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số cho 4 xã: Yên Lâm, Yên Nhân, Khánh Thượng, Khánh Dương, phấn đấu hoàn thành trong quý II năm 2023; quý IV năm 2023 thực hiện chuyển đổi số ở 3 xã gồm: Yên Thắng, Yên Thái và Mai Sơn; quý IV năm 2024 thực hiện chuyển đối số 3 xã còn lại là Yên Mỹ, Yên Phong và Yên Hưng.

Theo Baoninhbinh.org.vn

  • Từ khóa :
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH