Hội nghị trực tuyến toàn quốc về các chương trình mục tiêu quốc gia
Lượt xem: 1052
Ngày 24/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì Phiên họp trực tuyến thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025. Dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Ninh Bình

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, 02 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm 2023. Theo đó, năm 2022 cả nước có 6.001/8.211 xã (73,08% xã) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4,4%) so với cuối năm 2021; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% trên năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% trên năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5% trên năm.

Về tình hình phân bổ vốn thực hiện 3 CTMTQG năm 2023, đến nay đã có 42/48 địa phương được phân bổ ngân sách Trung ương với hơn 18.800 tỷ đồng, còn lại 6 địa phương chưa phân bổ hết hoặc đang chờ HĐND cấp tỉnh họp phê duyệt. 25 địa phương bố trí ngân sách đối ứng với tổng kinh phí gần 5.430 tỷ đồng để thực hiện các chương trình. Tuy nhiên, quá trình giải ngân vốn và thực hiện các chương trình còn có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

Đối với tỉnh Ninh Bình, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương đã hoàn thành các cơ chế, chính sách, đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình. Đồng thời phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức và giám sát thực hiện, đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư. Ước đến 31/1/2023, tổng số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện các chương trình MTQG do địa phương quản lý đã giải ngân đạt gần 96 tỷ đồng, bằng trên 40% kế hoạch vốn do Thủ tướng chính phủ giao. Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, tỉnh bố trí gần 278 tỷ đồng để thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là Chương trình XDNTM. Đồng thời mong muốn Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành có thêm những hướng dẫn cụ thể để thực hiện một số nội dung vẫn còn chung chung. Lãnh đạo nhiều bộ ngành Trung ương cũng chỉ ra những bất cập trong thủ tục hành chính, phân bổ vốn thực hiện cơ chế, lồng ghép các chương trình, phân cấp phân quyền trong thực hiện ở các khâu… cần được nhìn nhận để khắc phục.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thừa nhận nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình chung có sự chồng chéo, chưa thực sự phù hợp với một số địa phương cụ thể. Việc thực hiện giải ngân vốn phân bổ thực hiện chương trình của đa phần địa phương đều chậm. Trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến phản ánh tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành ở Trung ương liên quan trực tiếp có văn bản giải trình, hướng dẫn thực hiện một số nội dung theo kiến nghị của các địa phương trước ngày 31/3. Đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình lồng ghép 3 CTMTQG. Đồng chí lưu ý các địa phương hạn chế tối đa việc chia kinh phí triển khai quá nhiều dự án dẫn đến phân tán và dàn trải, không đạt được mục đích chung của chương trình. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các địa phương có thể liên hệ trực tiếp Phó Thủ tướng để phản ánh, trao đổi và xin ý kiến giải quyết.

An Na

 

  • Từ khóa :
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH