UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 73
Ngày 11/9/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. 
anh tin bai

Ảnh sưu tầm

Thông qua Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của các cơ quan, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở và toàn dân về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, góp phần quan trọng vào ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; 

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, năng lực và kỹ năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa cho các cơ quan, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở và toàn dân. Triển khai thi hành Luật Phòng thủ dân sự và các cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Kiện toàn hệ thống tổ chức phòng thủ dân sự từ tỉnh đến cấp xã và các cơ quan, đơn vị, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hiệu quả; xây dựng cơ chế vận hành hoạt động phòng thủ dân sự tương ứng với điều kiện, tình huống cụ thể; tổ chức rà soát quy hoạch, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự từ tỉnh đến cấp xã phù hợp với đặc điểm từng khu vực, lĩnh vực và bảo đảm tính khả thi. Xây dựng các công trình phòng thủ dân sự tại các khu vực rủi ro thiên tai cao.

Từ năm 2025 đến năm 2030 và những năm tiếp theo: Tiếp tục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa… cho cộng đồng; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự các cấp. Tổ chức triển khai thực hiện chương trình, đề án, dự án, trọng điểm về phòng thủ dân sự, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa gây ra, nâng cao năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh; xây dựng và hoàn thiện phương án, kế hoạch khai thác, sử dụng công trình ngầm, công trình dân sinh, công trình phòng thủ dân sự; kết hợp Khu vực phòng thủ và thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự; xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự tại các khu vực rủi ro thiên tai cao; hoàn thành việc đăng ký, thống kê hệ thống công trình lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng trưng dụng cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự khi có tình huống xảy ra.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hoàn thiện trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, kết hợp với nâng cao năng lực cho các lực lượng tại chỗ, bảo đảm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; xây dựng, hoàn thiện và áp dụng vào thực tiễn bộ tiêu chí về năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh đối với các công trình, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm trên địa bàn.

Các giải pháp sẽ được triển khai bao gồm: Kiện toàn, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, điều hành phòng thủ dân sự; triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu góp ý xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cho các lực lượng và Nhân dân trong thực hiện phòng thủ dân sự; Xây dựng lực lượng chuyên trách đủ sức hoàn thành nhiệm vụ đi đôi với nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ và xây dựng lực lượng rộng rãi; Triển khai phòng thủ dân sự gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược chuyên ngành liên quan; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; Đa dạng hóa và ưu tiên các nguồn lực để phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, giảm thiệt hại và nhanh chóng ổn định tình hình; Tăng cường huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự; Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự; Tiến hành sơ kết, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận về phòng thủ dân sự.

Tỉnh Ninh Bình triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo trên quan điểm phòng thủ dân sự là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Phòng thủ dân sự đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, trực tiếp là sự lãnh đạo của các cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp. Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện phòng thủ dân sự ở cấp mình. Phòng thủ dân sự phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa…; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân để phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế.

Đồng thời, hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, dân là gốc với lực lượng nòng cốt là: Dân quân tự vệ, Dân phòng, Công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân sự, Công an và các sở, ngành, địa phương, lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia ;tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng thủ dân sự trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Công tác chuẩn bị và ứng phó với nguy cơ thảm họa là quan trọng, thường xuyên và lâu dài; công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa là thường xuyên và cấp bách, trong đó ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu là trọng tâm.

Chi tiết xem tại Kế hoạch số 170/KH-UBND của UBND tỉnh.

Minh Huế
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH