Đề nghị bổ sung quy định phòng cháy, chữa cháy với chung cư cao tầng
Lượt xem: 172
Thảo luận về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung quy định phòng cháy, chữa cháy với chung cư cao tầng.

Sáng 14/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông; chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp

Về phòng cháy đối với nhà ở, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cu, trung tâm đô thị lớn. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 02 điều, Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.

Về phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện; bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, Luật Điện lực hiện hành đã quy định cụ thể, bao quát các yêu cầu về an toàn (trong đó bao gồm cả yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy) trong việc sản xuất, truyền tải, phân phối, mua bán, sử dụng, trang thiết bị điện.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc chấp hành các quy định của pháp luật về điện lực, nhất là trách nhiệm cụ thể của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong sử dụng, lắp đặt, kiểm soát an toàn điện sau công tơ còn hạn chế, dẫn đến việc chấp hành chưa nghiêm, kéo theo nguy cơ cháy, nổ do điện. Những nội dung này cần phải được điều chỉnh một cách tổng thể trong dự thảo Luật Điện lực dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện an toàn nói chung, điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy nói riêng vào dự thảo Luật Điện lực để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật quy định về các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy cơ bản trong việc lắp đặt, sử dụng điện là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật…

Cần quan tâm phòng cháy, chữa cháy với chung cư cao tầng

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là dự án luật rất quan trọng, tác động đến đời sống kinh tế xã hội, tác động đến tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ để khắc phục được những bất cập, hạn chế trong thời gian qua. Đồng thời phải quán triệt nghiêm túc, luật hoá các nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình cháy nổ diễn biến rất phức tạp cho thấy còn nhiều vấn đề vướng mắc bất cập trong công tác này: Ý thức phòng cháy, chữa cháy chưa cao; xử lý chưa nghiêm các trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh; các công trình xây dựng không có hệ thống thoát hiểm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy hoặc nếu có thì không sử dụng được…

Nhấn mạnh những vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là yêu cầu quan trọng. Đây cũng là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn và có nhiều ý kiến trong thời gian qua. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật; nhất là quy định về đặc thù khác với các luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Nêu rõ TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có rất nhiều chung cư cao tầng thường xảy ra cháy nổ nhưng bất cập nhưng là không có thang cao để chữa cháy, Chủ tịch Quốc hội lo ngại, "khi phê duyệt bao nhiêu tầng phải đảm bảo có thang chữa cháy bấy nhiêu tầng, chứ thang chữa cháy 15 tầng mà đầu tư lên 20-25 tầng thì không có cách nào chữa cháy".  

Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với việc tách nội dung về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở và với nhà ở kết hợp kinh doanh. Đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật. “Thực tế, những vụ cháy vừa qua đối với loại hình này đã để lại rất nhiều kinh nghiệm, bài học đắt giá. Do đó, cần đúc kết để đưa vào luật nhằm hạn chế tối đa hậu quả cháy khi xảy ra” - Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp 

Cũng quan tâm tới phòng cháy, chữa cháy với chung cư cao tầng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, với chung cư mới phải có yêu cầu khác về phòng cháy chữa cháy. Đồng thời đề nghị cần bổ sung thêm một điều quy định về vấn đề này để phòng ngừa sự cố xảy ra. “Kinh nghiệm quốc tế ở nhà trên tầng 20 thì có một tầng kỹ thuật không có người ở để khi có sự cố thì hộ dân ở phía trên xuống đó để thang có thể với lên. Tôi nghĩ cần có quy định thế để phòng ngừa, trong trường hợp có sự cố xảy ra. Còn khi sự cố xảy ra thì rất khó khắc phục”, ông nói.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu ý kiến các đại biểu Quốc hội để tiếp thu đầy đủ, giải trình thuyết phục với tinh thần không bỏ sót bất cứ ý kiến nào. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của dự luật để bao quát đầy đủ, tương thích và thống nhất với các nội dung được điều chỉnh trong các dự thảo luật khác…

Về phòng cháy chữa cháy với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, ngoài những nội dung đã quy định tại dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết để luật đi vào cuộc sống và phù hợp thực tiễn. Đồng thời nghiên cứu xem có cần thiết quy định một khoản về phòng cháy, chữa cháy với chung cư cao tầng./.

 
Theo dangcongsan.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH