Sống hài hòa trong lòng Di sản
Lượt xem: 83
Quần thể danh thắng Tràng An là một di sản "sống", nơi quần cư của trên 44.000 người dân bản địa. Kể từ khi được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014 nơi đây trở thành "mảnh đất vàng" để phát triển du lịch. Vì sao vậy? Đó là bởi Tràng An đã giải quyết được bài toán bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, hài hòa với thiên nhiên, khai thác được giá trị di sản để tạo nên giá trị kinh tế phục vụ đời sống của cư dân với phương châm "sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản".
Sống hài hòa trong lòng Di sản

Tam Cốc mùa lúa chín. Ảnh: Huy Hoàng

Kinh kỳ cổ -nhịp sống mới 
Vừa ngâm nga câu thơ mời du khách đến với Tràng An, chị Hà Thị Bắc, xã Ninh Xuân, (Hoa Lư) vừa lái đò đưa chúng tôi qua các hang động mang dấu ấn lịch sử của vùng đất kinh đô Hoa Lư như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây... Mỗi hang một vẻ đặc trưng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá biến đổi, những giọt nước từ trần hang rơi tí tách càng làm không khí trong hang mát lạnh. 

Chị Bắc cho biết, chị đã chở đò gần 10 năm, 4 thành viên trong gia đình chị đều tham gia làm du lịch, 2 con gái đã tốt nghiệp đại học và đang đi làm quản lý cho một công ty du lịch ở gần nhà với mức lương từ 15- 20 triệu đồng/tháng. "Có được ngày hôm nay cũng đều nhờ vào du lịch cả đấy! Cả làng tôi đều đi chở đò hoặc làm các công việc khác tại Khu du lịch Tràng An, có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng mà không vất vả như cuộc sống làm nông trước kia". 

Cũng như chị Bắc, chị Nguyễn Thị Ly, người dân xã Ninh Hải (Hoa Lư) đã "ly nông" 20 năm nay và chuyển sang làm dịch vụ du lịch. Từ ngày làm du lịch, chị Ly đã thay đổi từ một cô thôn nữ "chân lấm, tay bùn" thành bà chủ homestay Ly Ly, thạo 2 thứ tiếng Anh và Pháp. 

Chị Ly chia sẻ: Du lịch đã làm thay đổi cuộc sống của một miền quê nghèo. Không những thế, du lịch đã giúp những người dân nông thôn được học hỏi thêm nhiều kiến thức và trở nên văn minh hơn. Thế hệ trẻ ở đây thường xuyên được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan để phát triển du lịch bền vững. 

Theo ước tính của các cơ quan chức năng, Quần thể danh thắng Tràng An đã tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động trực tiếp, 20 nghìn lao động gián tiếp. Di sản mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn không chỉ bởi vì mức thu nhập cao gấp 2-3 lần công việc trước kia mà còn mang lại cho người dân cơ hội được tiếp xúc, giao lưu văn hóa. Khi Tràng An trở thành Di sản thế giới đã đặt Ninh Bình vào câu chuyện làm sao để người dân vẫn có thể khai thác các giá trị của di sản vươn lên làm giàu mà không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và trao truyền các giá trị di sản cho các thế hệ mai sau. 

Thành công lớn nhất phải kể đến mô hình trồng sen kết hợp du lịch sinh thái đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Theo ước tính của huyện Hoa Lư, đến nay, toàn huyện có gần 60 ha đất hoang hóa, xen kẹt được chuyển đổi sang trồng sen. 

Nhiều mô hình trồng các loại sen giống mới kết hợp với nuôi cá phục vụ du lịch, dịch vụ ở các xã Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Mỹ và Trường Yên đã cho hiệu quả kinh tế rất tốt. Nhờ trồng sen "đa mục tiêu" mà nhiều hộ dân ở Hoa Lư đã vươn lên làm giàu. 

Đồng chí Bùi Thiện Thi, Bí thư Huyện ủy Hoa Lư đánh giá: Du lịch đã giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện từ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ thương mại, nhiều ngành nghề mới, sinh kế mới được tạo ra. Du lịch cộng đồng đã nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, kiến trúc nông thôn, cảnh quan thiên nhiên... trở thành hàng hóa đặc biệt mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. 

Bên cạnh đó, Hoa Lư là một trong những địa phương điển hình về xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng các điểm văn minh du lịch... từ đó hình thành môi trường du lịch bền vững trong cộng đồng. Phát triển du lịch cũng góp phần đưa Hoa Lư trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Ninh Bình và trở thành trung tâm của Đô thị di sản trong tương lai. 

Giải mã "mô hình Tràng An" 

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một câu chuyện không đơn giản, nhưng với cái "bắt tay" đồng thuận giữa Người dân-Doanh nghiệp-Nhà nước, tỉnh Ninh Bình đã tạo nên mô hình bảo vệ di sản, phát triển du lịch "mẫu mực" với phương châm "Sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản". 

Trong một chuyến thăm Tràng An, ông Christian Manhart, nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã đánh giá cao về mô hình mà Quần thể danh thắng Tràng An đang vận hành, đặc biệt là việc phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và quản lý di sản: "Ninh Bình là một trong những địa phương ở Việt Nam đi đầu trong việc xây dựng bộ quy chế tương đối đầy đủ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong quản lý di sản. Chúng tôi đánh giá cao mô hình mà Tràng An đang vận hành-đó là mô hình Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhân dân. Trong đó vai trò nòng cốt là người dân, cộng đồng dân cư đã được tỉnh Ninh Bình khơi dậy. Họ chính là chìa khóa vạn năng để đưa những chính sách của các bạn hiệu quả hơn. Họ cũng chính là chủ nhân sẽ quyết định đến tính bền vững, trường tồn của di sản, bởi họ là những "từ điển sống", lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ sau. Các bạn có quyền tự hào vì những bài học của Tràng An có thể coi là kinh nghiệm cho việc quản lý di sản cả văn hóa, thiên nhiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á". 

Là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An để trình UNESCO, Nhà sử học Dương Trung Quốc khi trở lại Tràng An đã đánh giá: Sau nhiều năm được công nhận là Di sản thế giới, Tràng An đã "lột xác" từ một vùng đầm lầy trở thành một điểm đến nổi tiếng với những giá trị độc đáo, khác biệt về thiên nhiên và văn hóa. Tôi cho rằng, thành công đầu tiên ghi nhận là Ninh Bình đã lựa chọn được một mô hình quản lý rất hiệu quả để bảo tồn bền vững, nguyên vẹn và phát huy được các giá trị của Di sản Tràng An trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế bền vững cho người dân. 

Cùng với đó, việc đưa các giá trị văn hóa truyền thống vào khai thác, phát triển du lịch là "mũi tên trúng nhiều đích", góp phần thiết thực cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn và ngược lại, du lịch phát triển giúp các giá trị văn hóa ấy lan tỏa, thấm sâu và phát huy giá trị bền vững trong đời sống ngày nay.

Những ghi nhận, đánh giá từ các chuyên gia, các tổ chức một lần nữa khẳng định sự đúng đắn, kịp thời của tỉnh trong việc xác định các chủ thể trong hoạt động quản lý Quần thể danh thắng Tràng An mà cộng đồng dân cư được coi là "hạt nhân" quan trọng góp phần vào thành công này. Đây cũng chính là mục tiêu mà tỉnh Ninh Bình hướng tới nhằm tôn trọng các giá trị nổi bật toàn cầu, đảm bảo tính nguyên vẹn, trường tồn của di sản.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH