Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 8-12/7/2024
Lượt xem: 31
Quyết liệt thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024; xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 8-12/7/2024.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 8-12/7/2024- Ảnh 1.

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới 

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 9/7/2024 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 45-NQ/TW, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc Đại học Quốc gia tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp: 1- Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức; 2- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài; 3- Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức; 4- Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; 5- Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức. 

Quyết liệt thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024

Tại Nghị quyết số 108/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực để thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2024.

Từ ngày 1/9/2024, áp dụng quy định mới về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị

Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2024/NĐ-CP trong đó sửa đổi một loạt quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị. Nghị định số 83/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2024.

Về số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc bộ, Nghị định số 83/2024/NĐ-CP sửa đổi điểm a, b khoản 5 Điều 22 của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP như sau:

a) Vụ thuộc tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức, cục (trừ cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 04 tổ chức được bố trí không quá 02 cấp phó;

b) Vụ thuộc tổng cục có trên 20 biên chế công chức; cục (trừ các cục đặt tại địa phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có từ 04 tổ chức trở lên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.

Quy định mới về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước 

Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. 

Nghị định số 82/2024/NĐ-CP quy định quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sau đây: Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước; Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước. 

Thí điểm phân cấp quản lý nhà nước 8 lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh

Chính phủ ban hành Nghị định 84/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị định này quy định về nội dung thí điểm phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) một số lĩnh vực sau: 

1. Quản lý nhà nước về đầu tư.

2. Quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước.

3. Quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

4. Quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

5. Quản lý nhà nước về y tế.

6. Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

7. Quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp.

8. Quản lý nhà nước về nội vụ.

Quy định về thực hiện bình ổn giá

Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giá. Trong đó, Nghị định quy định rõ về tổ chức thực hiện bình ổn giá theo khoản 1 Điều 20 Luật Giá. Theo đó, Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có văn bản đề nghị bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương bình ổn giá.

Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá, phân công trách nhiệm chủ trì cho bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ tổ chức thực hiện bình ổn giá.

Quy định mức trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng

Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2024/NĐ-CP ngày 11/7/2024 quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chúc tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu phải thoái. 

Nghị định quy định tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 5 của tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:

Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn): 0%; Nhóm 2 (Nợ cần chú ý): 5%; Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn): 20%; Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ): 50%; Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn): 100%.

Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 5 của tổ chức tài chính vi mô như sau:

Nhóm 1: 0%; Nhóm 2: 2%; Nhóm 3: 25%; Nhóm 4: 50%; Nhóm 5: 100%.

Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến 2030

Ngày 8/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm chủ động phòng ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường; định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học...

Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Công an 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 613/QĐ-TTg phân công đồng chí Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an là Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với 2 địa phương (thành phố Đà Nẵng và tỉnh Hưng Yên) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính… và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn. 

VNPT lấy hạ tầng số, công nghệ số và dịch vụ số làm chủ đạo

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 620/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn đến hết năm 2025.

Mục tiêu đến năm 2025, VNPT trở thành Tập đoàn công nghệ lấy hạ tầng số, công nghệ số và dịch vụ số làm chủ đạo, sở hữu và khai thác nền tảng, hạ tầng trụ cột của hạ tầng số quốc gia, là nhà sáng tạo tiên phong nghiên cứu làm chủ công nghệ số và cung cấp hệ sinh thái số trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, dựa trên thế mạnh về các nền tảng số, công nghệ lõi và an toàn an ninh mạng. 

Quy hoạch bảo quản, phục hồi Di tích tháp Bình Sơn, Vĩnh Phúc 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký ban hành Quyết định số 598/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật của di tích tháp Bình Sơn gắn với vai trò là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa của huyện Sông Lô; phát huy giá trị di tích trở thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã của đất nước và địa phương.

Theo Chinhphu.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH