Trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế năm 2024
Lượt xem: 146
Theo nhận định của Bộ ngoại giao năm 2024 kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có những thay đổi mang tính bước ngoặt, từng bước chuyển sang giai đoạn phát triển mới với các động lực tăng trưởng được thúc đẩy bởi các công nghệ đột phá như AI, giảm phát thải carbon, ngày càng xuất hiện nhiều tiêu chuẩn toàn cầu mới.

Bối cảnh trên đặt ra nhiều thách thức và cơ hội đan xen để công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) nắm bắt các xu thế mới, kiến tạo các cơ hội quan trọng đóng góp cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Tại báo cáo số 1637/BC-BNG-THKT về kết quả triển khai công tác ngoại giao kinh tế từ năm 2023 đến nay và trọng tâm ngoại giao kinh tế năm 2024; Bộ Ngoại giao đề ra 05 trọng tâm công tác NGKT trong năm 2024, cụ thể:

 

anh tin bai
 

 

Thúc đẩy triển khai quyết liệt các cam kết, thoả thuận đã đạt được nhằm tận dụng tối đa việc nâng tầm, nâng cấp, mở rộng quan hệ với các đối tác để chuyển hoá thành các dự án, có kết quả cụ thể.

 Chuẩn bị từ sớm, tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại Cấp cao trong năm 2024 với nội dung kinh tế là trọng tâm nhằm tiếp tục làm sâu sắc hợp tác kinh tế, mở ra các khuôn khổ hợp tác mới, trong các lĩnh vực mới, góp phần gia tăng đan xen lợi ích với các đối tác, củng cố cục diện đối ngoại hòa bình, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời thúc đẩy tháo gỡ dứt điểm vướng mắc tồn đọng trong hợp tác với các đối tác.

Tăng tốc thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Đa dạng hoá các sản phẩm để củng cố xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt; thâm nhập, mở ra các thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa thông qua đàm phán và ký kết các FTA mới. Tiếp tục mở rộng thị trường cho các ngành, hàng chủ lực; hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới cho các ngành, lĩnh vực tiềm năng và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành và hệ sinh thái Halal, góp phần khai mở các thị trường rộng lớn của các nước Hồi giáo. Triển khai hiệu quả quả hợp tác ba bên về nông nghiệp với một số nước châu Phi.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, Al, hydrogen... Tận dụng hiệu quả các nguồn tài chính xanh phục vụ chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững; triển khai hiệu quả Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Đẩy mạnh truyền tải thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về nỗ lực cải thiện thể chế, môi trường đầu tư, bảo đảm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Chính phủ tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Tích cực tư vấn, đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác đầu tư, xây dựng thương hiệu ở nước ngoài.

Phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng thị trường, phân khúc du khách; thúc đẩy nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm trong phát triển du lịch; tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho khách quốc tế vào Việt Nam. Triển khai hiệu quả các khuôn khổ hợp tác lao động với Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Australia...; thúc đẩy ký kết các thoả thuận hợp tác lao động với các thị trường có nhu cầu như Đông Âu, Trung Đông. Đẩy mạnh, làm sâu sắc hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; thu hút các tập đoàn công nghệ lớn thành lập các trung tâm R&D, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghệ cao, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; đẩy nhanh đào tạo, phát triển nguồn lao động chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, AI....

Đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế, tiếp tục nâng cao vị thế đất nước; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cân bằng và hài hoà trong ứng xử quốc tế.

Triển khai nghiêm túc các cam kết, kết quả đạt được tại các cơ chế, diễn đàn đa phương trong thời gian qua và tiếp tục chuẩn bị tốt các hoạt động đa phương của Lãnh đạo Cấp cao trong năm 2024 trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, G20, WEF, COP... Xác định rõ các lợi ích, trọng tâm về kinh tế cần thúc đẩy trong tham gia các cơ chế đa phương; chú trọng hợp tác thực chất, hiệu quả và thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển. Chuẩn bị sớm cho việc đăng cai các sự kiện đa phương quan trọng trong thời gian tới, như Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) năm 2025, Năm APEC 2027; hoàn thành tốt vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP) giai đoạn 2022-2025. Tiếp tục tham mưu các bước đi phù hợp, cân bằng của Việt Nam và tận dụng hiệu quả các sáng kiến liên kết kinh tế mới (IPEF, BRI, GDI, GSI, Global Gateway, ISA...). Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực triển khai NGKT, hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương, doanh nghiệp.

Nâng cao nhạy bén và chất lượng của công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ.

 Trọng tâm trong ngắn hạn là tình hình kinh tế thế giới, tác động của các diễn biến tại Ucraina, Trung Đông, biển Đỏ; các xu thế và vấn đề mới nổi tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, các động lực tăng trưởng của Việt Nam; kinh nghiệm của các nước trong xử lý các khó khăn, thách thức của nền kinh tế, trong thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, Al, hydrogen... Chú trọng các nghiên cứu dài hạn về các vấn đề chiến lược” phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Tăng cường thông tin, tham mưu cho các địa phương, doanh nghiệp đáp ứng các quy tắc quản trị, tiêu chuẩn mới, các xu hướng mới trong hợp tác kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh đối thoại, tư vấn chính sách với mạng lưới các viện nghiên cứu quốc tế về các vấn đề kinh tế - phát triển của Việt Nam; huy động đóng góp của đội ngũ 600 nghìn trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế tri thức của đất nước.

Đổi mới mạnh mẽ trong công tác phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế, tăng cường đầu tư nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế.

Nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong triển khai công tác NGKT, như khả năng thiết lập các cơ chế phối hợp liên ngành và triển khai các cơ chế đã có để tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy hiệu quả các nhiệm vụ NGKT. Tăng cường nguồn lực tài chính cho công tác NGKT; chú trọng nâng cao năng lực triển khai NGKT của đội ngũ cán bộ của các bộ, ban, ngành, địa phương. Đấy mạnh tuyên truyền đối nội - đối ngoại về ổn định chính trị - xã hội, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi tại Việt Nam, các đóng góp của NGKT đối với phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.

Minh Huế
  • Từ khóa :