CON NGƯỜI NINH BÌNH

Tỉnh Ninh Bình có trên 90 vạn dân sinh sống ở 8 huyện, thành phố, thị xã với 2 dân tộc Kinh và Mường. Mỗi dân tộc, mỗi địa phương trong tỉnh có một bản sắc văn hoá truyền thống, song đều hội tụ một phẩm chất chung đó là cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh chống thiên tai, chống lại các thế lực thù địch, gắn bó và yêu quê hương tha thiết. 

1. Trước hết nhân dân Ninh Bình có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần xứng đáng vào công cuộc dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc việt Nam.

Đầu thế kỷ thứ X, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền cũng dựa vào bức trường thành Tam Điệp để xây dựng và bảo vệ lực lượng ở Thanh Hoá, rồi tiến ra đánh bại quân xâm lược Nam Hán, lập nên chiến công lẫy lừng ở Đại La năm 930, Bạch Đằng năm 938.Vào đầu Công nguyên, nghĩa quân 2 Bà Trưng đã dựa vào tuyến địa hình núi rừng của chân núi từ Ba Vì đến Tam Điệp-Thần Phù để chống cự lại cuộc tiến công đàn áp của quân Hán do Mã Viện chỉ huy. Sau khi căn cứ Cấm Khê bị mất, nghĩa quân lui xuống vùng Tam Điệp- Thần Phù để tiếp tục cuộc chiến đấu. Nhân dân các vùng này vừa che chở nghĩa quân, vừa cung cấp lương thực, thực phẩm và tích cực tham gia nghĩa quân để chống giặc. Đường biển lúc bấy giờ qua Thần Phù hiểm trở, sóng to gió lớn, đi lại nguy hiểm, Mã Viện phải sai quân lính phá núi, mở đường sông gọi là Tạc Khẩu để vào Thanh Hoá.

Núi rừng Gia Viễn, Hoa Lư hiểm trở đã từng là căn cứ địa và cung cấp sức người sức của nhiều nhất để Đinh Tiên Hoàng chiêu binh mãi mã, phất cờ lau khởi nghĩa dẹp loạn 12 sứ quân, dựng nền chính thống năm Mẫu Thìn, 968, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Trường Yên. Kinh đô Hoa Lư gắn với 2 triều đại Đinh, Lê và là điểm tựa đầu tiên của triều Lý, khi Lý Thái tổ vừa mới lên ngôi, đã trải qua 42 năm lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên hồi thế kỷ thứ XIII, triều Trần đã sử dụng bức tường thành Tam Điệp để bảo vệ  hậu phương Ái-Diễn (Thanh Hóa và Nghệ An) và làm chỗ dựa cho căn cứ Thiên Trường- Trường Yên. Trần Thái Tông đã cho xây dựng cung Thái Vi (Ninh Hải- Hoa Lư) mở đầu cho việc xây dựng hành cung Vũ Lâm tạo dụng cơ sở kháng chiến chống giặc Mông- Nguyên lần thứ hai (1285). Nhà Trần đã rút lui chiến lược về vùng núi Thiên Dưỡng, nay là vùng núi Hệ Dưỡng, ngay sát hành cung Vũ lâm, xây dựng căn cứ địa Trường Yên để chống giặc.

Núi rừng và nhân dân vùng Ninh Bình vừa là áo giáp, vừa là vùng hậu cứ vững chắc của vua tôi nhà Trần xuất quân đánh giặc.

Năm 1400, nhà Minh xâm lược nước ta, Trần Ngỗi, dòng dõi nhà Trần đã lấy vùng đất Mô Độ (huyện Yên Mô) xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Từ đây phát triển lực lượng, tổ chức các cuộc tấn công, quân Trần đã làm nên chiến thắng Bô Cô (Ý Yên) vang dội. Năm 1426-1427, nghĩa quân Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo cũng nhiều lần qua lại vùng Tam Điệp, huyện Khôi (Nho Quan) trên đường tiến ra giải phóng các lộ vùng đồng bằng Bắc bộ.

Cuối năm 1788, lợi dụng hành động bán nước của vua tôi Lê Chiêu Thống, 29 vạn quân Mãn Thanh tràn vào xâm lược nước ta. Trước so sánh tương quan lực lượng quá chênh lệch và tình hình chính trị bất lợi ở Bắc Hà, Ngô Thì Nhậm đã đề ra chủ trương sáng suốt, rút lui chiến lược, lập phòng tuyến Tam Điệp- Biện Sơn để bảo toàn lực lượng và chờ thời cơ tiêu diệt quân thù. Chủ trương này đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng vang dội mùa xuân Kỷ Dậu 1789, giải phóng kinh thành Thăng Long, quét sạch 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược ra khỏi bò cõi nước ta.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ngay từ đầu, nhiều người con của Ninh Bình đã tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1860, trong đoàn quân 300 nghĩa dũng Nam tiến do Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị dẫn đầu, có nhiều nghĩa sỹ là người Ninh Bình. Trong 2 lần giặc Pháp đánh chiếm thành Ninh Bình  (1873-1883), mặc dù quân lính triều Nguyễn nhanh chóng đầu hàng, nhưng nhân dân Ninh Bình vẫn theo cụ Phạm Văn Nghị, cụ Nguyễn Xuân Giá lấy Đề Cốc (Nho Quan) làm căn cứ chống lại địch một cách quyết liệt. Năm 1883 người Mường ở Ninh Bình và Thanh Hoá do Đốc tâm chỉ huy đã nổi dậy khởi nghĩa. Năm 1886 trong một trận phục kích ở Nho Quan nghĩa quân đã giết chế tên chỉ huy Pháp là Phô- Giê, cùng một số đông lính Pháp. Cuộc võ trang khởi nghĩa kéo dài tới năm 1896, Thiên Hộ Giản (tức Nguyễn Văn Giản) đã cùng với ba con lấy làng Phùng Thiện (Khánh Tiên- Yên Khánh), quê hương mình làm căn cứ chống Pháp.

Chính truyền thống chống giặc ngoại xâm ấy của nhân dân Ninh Bình mà khi Đảng ta ra đời, Ninh Bình là một trong những địa phương có cơ sở Đảng sớm nhất như ở Lũ Phong (Quỳnh Lưu- Nho Quan) và Côi Trì (Yên Mỹ- Yên Mô).

2. Nhân dân Ninh Bình không những có truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm mà còn rất cần cù, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong lao động sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên.

Các thế hệ người dân Ninh Bình đã khai sơn phá thạch, tạo dựng quê hương, phát triển nền sản xuất nông nghiệp đa dạng, bạt núi xẻ đồi, mở mang làng bản, quai đê lấn biển xây dựng vùng quê trù phú, màu mỡ với núi sông, rừng biển kỳ thú.

 Đặc biệt nhân dân Ninh Bình đã phát huy khả năng khéo léo của đôi bàn tay và trí tuệ của mình tạo nên nhiều nghề thủ công lâu đời, nổi tiếng như nghề đan cói, dệt chiếu, thêu ren, chạm khắc đá, làm hàng mộc…Đó là những nghề truyền thống có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao.

3. Mảnh đất Ninh Bình đã sản sinh ra những người con tuấn kiệt

+ Đinh Tiên Hoàng cờ lau dẹp loạn, thống nhất giang sơn, mở nước, định đô, đặt nền móng đầu tiên cho kỷ nguyên phục hưng và văn minh Đại Việt. Nguyễn Minh Không được nhà Lý phong Quốc sư, nhân dân tôn là bậc Thánh.  

+Trương Hán Siêu, nhà văn nổi tiếng thời Trần được các vua Trần gọi bằng thầy, làm quan đến Gián nghị đại phu, Tham tri chính sự, khi mất được truy phong đến Thái phó và cùng với Chu Văn An được thờ ở Văn Miếu (Hà Nội) và miếu Lịch đại đế vương (Huế). Thời Lê có Trịnh Lỗi theo Lê Thái Tổ dẹp loạn quân Minh, lập nhiều công lớn, được phong Thượng Đình hầu, Nhập nội đại hành khiển, Tả bộc xạ, khi mất được tặng Phụ quốc Thượng tướng quân.

+Đời Nguyễn có Vũ Duy Thanh đỗ Bác học hoành tài, đệ nhất giáp, đệ nhị danh, bảng nhãn Cát sĩ cập đệ (mũ áo ân điển ngang với Trạng nguyên khoa tiến sĩ). Vũ Duy Thanh làm quan đến Tế tửu Quốc tử giám.

Ngoài ra chúng ta còn kể đến rất nhiều danh tướng, danh sĩ các đời. Đánh giá về nhân vật và phong tục Ninh Bình sách đại Nam nhất thống chí viết : “ Trường Yên là kinh đô đầu tiên của nước ta trong khi kiến quốc. Phúc Thành (Trương Hán Siêu) như núi cao, sao sáng của nho lưu. Sĩ phu thì chuộng khí tiết, nhân dân chăm làm và tằn tiện”.

Truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm và tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động là nét nổi bật nhất và cũng là di sản tinh thần vô giá của nhân dân các dân tộc ở Ninh Bình trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. truyền thống quý báu đó được kế tục và phát huy từ đời này sang đời khác và càng được phát huy cao độ từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, nó trở thành các cao trào cách mạng của nhân dân trong tỉnh.

Ninhbinh.gov.vn