Kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024 và nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2024 - 2029 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Lượt xem: 350
 
anh tin bai

Mục tiêu đến 2029

Mục tiêu cụ thể đến năm 2029: Thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung cả tỉnh; Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm việc các ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; 100% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; 100% hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Xóa tình trạng nhà ở đơn sơ, nhà thiếu kiên cố.

Một số chỉ tiêu khác như: tỷ lệ che phủ rừng; xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu; trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức xã của vùng; tuổi thọ bình quân; tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi…(theo số liệu của ngành quản lý).

Nhiệm vụ và giải pháp

Đổi mới phương thức quản lý nhà nước về công tác dân tộc: Xác định và phân công rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc và các chính sách dân tộc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc; đổi mới tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc theo hướng tinh gọn, đồng bộ, thống nhất, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Về phát triển kinh tế: Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân, gắn sản xuất với chế biến, kết nối thị trường, tạo chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với đặc thù của địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với nông nghiệp: Phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên lợi thế từng tiểu vùng sinh thái với những sản phẩm chủ lực, đặc sản riêng có và theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến. Chú trọng cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo nhóm sản phẩm chủ lực (cấp tỉnh, cấp huyện và đặc sản địa phương) gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; hoàn thành giao đất gắn với giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo quy hoạch được phê duyệt; giải quyết đất ở, đất sản xuất và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo người Kinh sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với công nghiệp - xây dựng: Rà soát, lựa chọn một số ngành, lĩnh vực chủ yếu, có tiềm năng, thế mạnh để ưu tiên phát triển gắn liền với tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, rừng đặc dùng, rừng phòng hộ và địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Bố trí nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên kiên cố hóa đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, công trình điện; hoàn thiện kết cấu hạ tầng viễn thông, thông tin, truyền thông phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.

Đối với thương mại, dịch vụ, du lịch: Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển các kênh phân phối và thương mại điện tử; phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ. ; Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái; du lịch lịch sử - văn hóa, phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, du lịch “trải nghiệm”, du lịch “nông nghiệp”.

Về đối ngoại: Tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng; các hoạt động đối ngoại thuộc lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước và lãnh đạo tỉnh làm việc tại nước ngoài và các đoàn nước ngoài đến làm việc tại tỉnh Ninh Bình; các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình; các hoạt động giao lưu văn hóa, ký kết chương trình phối hợp công tác của các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp trong tỉnh với các tổ chức chính trị, xã hội địa phương, doanh nghiệp nước ngoài; tình hình hội nhập quốc tế của tỉnh Ninh Bình; tăng cường công tác đối ngoại để thu hút nguồn lực đầu tư của cộng đồng quốc tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Huy động nguồn lực thực hiện: Ưu tiên bố trí vốn đầu tư đảm bảo tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi giai đoạn 2026 - 2030; Nghiên cứu, đề xuất một số chính sách của tỉnh để đầu tư hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm phù hợp định hướng chủ trương của Đảng, các chính sách lớn của Nhà nước và tình hình thực tiễn của địa phương về vay vốn tín dụng, bảo hiểm vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần phát huy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực thoát nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng lợi thế của địa phương nhằm thu hút các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Kim Duyên
  • Từ khóa :