Người dân thôn Quốc Thanh coi hai chiếc giếng cổ như "báu vật" của làng.
Cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 15 km, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn nằm nép mình yên ả bên dòng sông Hoàng Long. Đây cũng là vùng đất thiêng, nơi sinh ra Đức Thánh Nguyễn Minh Không với truyền thuyết "Đại Hữu sinh vương, Điềm Dương sinh thánh" nổi tiếng trong dân gian bấy nay.
Trên con đường làng rợp bóng mát, đồng chí Tạ Đức Ba, Chủ tịch UBND xã Gia Thắng chia sẻ: Dựa theo các truyền thuyết, văn bia, sử sách địa phương còn lưu lại, từ thế kỷ X, các làng, xóm (thuộc Gia Thắng ngày nay) đã được hình thành. Trải qua hàng nghìn năm với nhiều tên gọi trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, song về cơ bản xã Gia Thắng vẫn giữ nguyên ba thôn: Đào Lâm, Quốc Thanh, Vân La. Trong đó, Quốc Thanh là một trong những thôn còn lưu giữ lại nhiều nét hoài cổ, độc đáo đến ngày nay.
Ấn tượng đầu tiên khi đến thôn Quốc Thanh là người dân nơi đây còn lưu giữ những bức tường rêu phong, cổ kính với chiếc cổng đá có lịch sử hàng trăm năm tuổi. Trong nắng sớm ban mai, khung cảnh càng trở nên thanh bình, yên tĩnh, mang đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ xưa nay.
Đặc biệt, bên cạnh những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại, nhiều hộ ở Quốc Thanh cũng còn giữ lại căn nhà gỗ cổ mà cha ông, tổ tiên để lại. Đây là điều đặc trưng, nổi bật mà ít làng quê nào trên địa bàn huyện có được. Theo thống kê, hiện toàn thôn có khoảng 400 hộ dân, trong đó có 30 ngôi nhà gỗ cổ niên đại trên 100 năm, hơn 100 ngôi đã được sửa chữa hoặc xây thêm nhưng vẫn giữ nếp nhà gỗ của cha ông để lại.
Một trong số đó là ngôi nhà của bà Trần Thị Nụ. Trong căn nhà gỗ năm gian của gia đình, những nét hoa văn, chạm trổ độc đáo vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn, trở thành niềm tự hào của mỗi thành viên. Bà Nụ nhẩm tính: "Ngôi nhà này được xây dựng từ rất lâu, ước chừng khoảng 200 năm rồi. Dù cuộc sống có thay đổi nhưng chúng tôi luôn nhớ lời ông cha dặn, đó là giữ nếp nhà, nếp văn hóa cũng như truyền thống tốt đẹp của gia đình".
Ngoài ra, trong những nét đẹp kiến trúc và văn hóa độc đáo của người dân Quốc Thanh không thể không nhắc đến những chiếc giếng cổ. Khi đến đây, du khách được chiêm ngưỡng không chỉ một mà tới hai chiếc giếng với làn nước trong vắt, mát lành. Dừng chân bên giếng, những vị khách đường xa thả nhẹ gầu nước chao lên, khum tay vốc một vốc nước vã vào mặt, cái mệt mỏi cũng như xua tan.
Hình ảnh các cô nói cười rôm rả, giặt giũ bên thành giếng, em bé thỏa thích òa vào chậu nước mát lạnh của bà… Khung cảnh yên bình ở giếng làng Quốc Thanh bất giác khiến bất cứ ai cũng như được chạm vào miền ký ức tuổi thơ trong trẻo. Đó là chiếc giếng cổ tích với cô Tấm hiền thảo, là những đêm mẹ quẩy gánh nước dưới trăng, là trưa hè bố dừng chân rửa mặt, bóng người lam lũ in hằn dưới làn nước trong veo… Có lẽ vì thế mà trải qua bao thăng trầm, người làng Quốc Thanh vẫn quyết tâm giữ gìn và coi giếng như "báu vật" của làng.
Ngoài những nét kiến trúc cổ, độc đáo, Quốc Thanh còn được biết đến là vùng đất tôn sư trọng đạo, có truyền thống hiếu học rất đáng tự hào. Những năm gần đây, xã Gia Thắng luôn là địa phương xếp tốp đầu của huyện về chất lượng giáo dục. Trong đó, thôn Quốc Thanh mỗi năm có nhiều em đỗ trường chuyên, đại học, cao đẳng, nhiều người là Thạc sỹ, Tiến sỹ và có cả Giáo sư.
Các gia đình trong thôn vẫn giữ được nếp sống, sinh hoạt truyền thống gia giáo. Người trong làng và trong mỗi gia đình đều sống hòa ái, trọng đạo lý, nghĩa tình. Nhà có gia phong, làng có hương ước và tuân theo quốc pháp. Ông Phạm Văn Hải, năm nay 82 tuổi cho biết: "Chúng tôi tự hào vì được sinh ra trên vùng đất của Thiền sư Danh y Nguyễn Minh Không. Có lẽ vì ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, cốt cách hiền tài, thanh cao, bản lĩnh hơn người của cụ nên người dân trong thôn luôn cố gắng rèn luyện, tu dưỡng trong cuộc sống, học tập để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp".
Gia đình ông Phạm Văn Hải cũng là gia đình có truyền thống hiếu học ở địa phương. Các con của ông đều đang công tác và giữ chức vụ trong ngành Giáo dục. Vợ chồng ông Hải là những cựu giáo chức tận tụy, giản dị, tâm huyết với hơn 55 năm tuổi Đảng.
Mặc dù có lịch sử hàng nghìn năm, lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa độc đáo song hiện nay việc bảo tồn và phát huy giá trị của làng cổ Quốc Thanh là điều không hề dễ dàng. Đồng chí Tạ Đức Ba, Chủ tịch UBND xã bày tỏ, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến nhiều giá trị độc đáo của làng đứng trước nguy cơ bị mai một, một số công trình hạng mục không được tu sửa thường xuyên nên đang xuống cấp.
"Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, UBND huyện trong việc tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của các làng cổ Gia Thắng. Trong đó định hướng cho địa phương khai thác giá trị văn hóa làng cổ gắn với phát triển du lịch; phát triển nghề truyền thống như bún, bánh đa…" - đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết.