Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
Lượt xem: 96
Với phương châm "Phụng đạo, yêu nước", thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết hòa hợp, tuyên truyền, vận động các tăng, ni, tín đồ Phật tử tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Đại đức Thích Minh Trụ, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Kim Sơn tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Chung sức thúc đẩy phong trào thi đua

Cùng với quan tâm làm tốt công tác Phật sự, tiếp nối truyền thống "Phụng đạo, yêu nước", Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. 

Một trong những hoạt động nổi bật, mang tính riêng và độc đáo của Ninh Bình, đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động các tăng, ni, tín đồ phật tử hưởng ứng tham gia mô hình Dân vận khéo do Ủy ban MTTQ các cấp phát động, đó là mô hình: "Vận động đồng bào có đạo và Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội". Mô hình được phát động từ năm 2022 nhằm phát huy giá trị tốt đẹp của các tôn giáo, nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo để tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo và Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Đại đức Thích Minh Trụ, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Kim Sơn cho biết: Cuối tháng 5/2022, Ủy ban MTTQ huyện Kim Sơn đã phát động xây dựng mô hình điểm "Vận động đồng bào có đạo và Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội" tại chùa Bình Minh với 2 khu dân cư của thị trấn Bình Minh là khối 7, khối 8 tham gia. Nhận thức đây là vinh dự nhưng cũng là trọng trách mà Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện cần tập trung thực hiện. Do đó, trong quá trình tổ chức sinh hoạt tôn giáo, các tăng, ni đều lồng ghép việc khuyên răn mọi người giữ giáo luật gắn với thực hiện các tiêu chí của mô hình như: Thực hiện tổ chức việc cưới hỏi theo nếp sống văn minh, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Trang trí nơi tổ chức lễ cưới, trang phục cô dâu, chú rể trang trọng, lịch sự; không lợi dụng đám cưới đánh bạc gây mất an ninh. 

Đối với việc tang: Cần được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, thành kính, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán địa phương và hoàn cảnh gia đình người qua đời. Quan tâm thực hiện hình thức hỏa táng, điện táng hoặc an táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch. Khi người thân qua đời được chôn cất hoặc hỏa táng trong vòng 48 giờ, kể từ khi chết. Không tổ chức làm cỗ mời khách ăn uống khi tổ chức tang lễ. Không sử dụng hình thức khóc thuê trong tang lễ; sử dụng vòng hoa luân chuyển trong lễ viếng. Không rắc vàng mã, tiền âm phủ, tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang. 

Trong cả đám cưới và đám tang: Không sử dụng nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, không mở âm thanh quá to; không sử dụng lòng đường để dựng rạp; không sử dụng thuốc lá; hạn chế sử dụng rượu, bia… 

Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện mô hình, các tín đồ, phật tử và nhân dân thị trấn Bình Minh đã tích cực hưởng ứng, góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh của thị trấn.

Cùng với thị trấn Bình Minh, với sự vào cuộc của các vị chức sắc tôn giáo, mô hình đã tạo sự lan tỏa rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào có đạo. Việc cưới, việc tang tổ chức theo nếp sống mới, không tổ chức linh đình, kéo dài nhiều ngày, hạn chế tổ chức tiệc mặn, không hút thuốc, hạn chế uống rượu. Tổ chức nhiều đám cưới hằng thuận trong các nhà chùa, tiết kiệm, văn minh… Trong việc tang, nhiều gia đình đã hạn chế không rải vàng mã dọc đường, sử dụng từ 2-3 vòng hoa luân chuyển và khuyến khích thực hiện hỏa táng. Mô hình đã có sức lan tỏa, đến nay toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và thực hiện tại các chùa và các giáo xứ, họ đạo. Qua đó phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương, dân tộc, tôn giáo và hoàn cảnh gia đình, tránh phô trương hình thức, góp phần nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Đặc biệt, thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tích cực vận động các tăng, ni, tín đồ Phật tử tham gia mô hình: "Vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương - giáo" cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 - 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với Ban Dân vận Tỉnh ủy vận động các chức sắc, chức việc các tôn giáo hỗ trợ xây mới gần 200 ngôi nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng… 

Đặc biệt, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Đại hội Phật giáo các cấp, các linh mục và các tăng, ni của hai tôn giáo tôn giáo đã chung tay, tham gia ủng hộ và tổ chức khởi công xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương - giáo; đã vận động xây dựng được 48 ngôi nhà cho các hộ gia đình người Công giáo, dân tộc là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với kinh phí xây dựng trên 9 tỷ đồng (do hai tổ chức tôn giáo chung tay xây dựng). Đây là dấu ấn nổi bật riêng có của Phật giáo Ninh Bình, là việc làm thiết thực thể hiện sinh động mối quan hệ đoàn kết lương - giáo.

Lan tỏa các hoạt động nhân đạo, từ thiện

Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tích cực vận động các tăng, ni, tín đồ phật tử tham gia ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội"; thăm, tặng quà các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình các cán bộ, chiến sỹ trên địa bàn tỉnh đang làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa… 

Nhiều chùa trong tỉnh đã thành lập các hội từ thiện, câu lạc bộ thiện nguyện và duy trì thường xuyên việc phát cháo, cơm miễn phí vào các buổi sáng hàng ngày, hàng tuần tại một số cơ sở y tế trên địa bàn…, góp phần thiết thực vào việc giảm nghèo, cùng với các cấp chính quyền thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho cộng đồng.

Nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, Phật giáo Ninh Bình đã quan tâm hỗ trợ học bổng cho các cháu học sinh từ Tiểu học đến THPT có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2021-2024, các tăng, ni trên địa bàn tỉnh đã đăng ký ủng hộ gần 200 em học sinh, mỗi em 4,5 triệu đồng/năm, tổng số tiền đăng ký hỗ trợ theo chu kỳ là trên 2 tỷ đồng, tổng số tiền trao tặng cả chu kỳ trên 5 năm là 10 tỷ đồng.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cũng là một trong những tổ chức đi đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các tổ chức tôn giáo, các chức sắc tôn giáo trong tỉnh đã chung tay có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp, ủng hộ vào quỹ vắc xin phòng, chống dịch bệnh và ủng hộ các vật dụng thiết yếu cho các khu cách ly và khu vực phong tỏa giãn cách; thăm hỏi, tặng quà, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch và tặng quà Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với tổng trị giá hơn 3,5 tỷ đồng. Vận động tín đồ, phật tử cùng với Câu lạc bộ nữ doanh nhân mỗi ngày nấu 400 suất cơm miễn phí ủng hộ cho các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần 2 tháng. Trong phong trào "Cởi áo nâu, khoác áo blue", đã có 11 tăng, ni tình nguyện đăng ký, trong đó có 5 tăng, ni tham gia làm tình nguyện viên ra tuyến đầu, vào các bệnh viện dã chiến giữa tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để góp sức cùng với đội ngũ y, bác sỹ chăm sóc bệnh nhân.

Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã góp phần khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chung tay, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu mạnh.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH