Đơn hàng tăng cao, doanh nghiệp dệt may gặp khó trong tuyển dụng lao động
Lượt xem: 150
Từ đầu năm 2024, thị trường may mặc phục hồi, hầu hết các doanh nghiệp tăng đơn hàng mới nên mở rộng sản xuất, cần thêm số lượng lao động lớn. Thực tiễn này khiến việc tuyển dụng lao động thời điểm cuối năm càng trở nên khó khăn hơn.
Công nhân Công ty TNHH Great Global International, KCN Gián Khẩu (Gia Viễn) sản xuất hàng may xuất khẩu. Ảnh: Minh Quang
Công nhân Công ty TNHH Great Global International, KCN Gián Khẩu (Gia Viễn) sản xuất hàng may xuất khẩu. Ảnh: Minh Quang

Công ty TNHH xuất nhập khẩu may mặc Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) được thành lập từ năm 2021. Công ty chủ yếu nhận đơn đặt hàng từ các nhà máy lớn. Hiện nay Công ty có 2 xưởng may, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động. Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đến nay Công ty đã có sự phục hồi nhanh chóng.

Bà Bùi Thị Kiều Trang, đại diện Công ty cho biết: Doanh nghiệp nhận gia công đơn hàng của nhiều nhà máy lớn. Mỗi tháng, công ty làm từ 14-15 nghìn sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Đều việc, mỗi lao động có mức lương từ 8-9 triệu đồng/ tháng. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, doanh nghiệp cần tuyển thêm khoảng 200 lao động nữa, tuy nhiên, việc tuyển dụng được số lao động này rất khó khăn, dù Công ty có địa điểm trong khu dân cư và mở rộng tuyển cả những lao động độ tuổi từ 35 trở lên.

Công ty TNHH may xuất khẩu Thiên Hà (xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn) đi vào hoạt động từ năm 2019, tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương. Thị trường xuất khẩu của Công ty là Mỹ. Giai đoạn sau đại dịch, Công ty gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, trước nỗ lực thích ứng, tìm nhiều giải pháp phát triển thị trường, trong đó có hướng tới thị trường nội địa, tình hình sản xuất của Công ty phát triển mạnh mẽ.

Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Thiên Hà cho biết: Từ đầu năm 2024, Công ty đã tuyển dụng lao động trở lại làm việc. Việc tìm kiếm đơn hàng đã có nhiều kết quả. Hiện nay, Công ty có đơn hàng đủ cho người lao động làm việc tới hết tháng 4/2025. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, Công ty cần khoảng 300 lao động. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động trở lại ở thời điểm này lại trở nên rất khó khăn vì đa số lao động cũ đã tìm được công việc khác.

Hiện nay, Công ty mới chỉ có gần 100 lao động để thực hiện các đơn hàng. “Để thực hiện mục tiêu sản xuất, số lượng lao động cần phải tiếp tục được bổ sung. Công ty cũng đã đăng thông tin tuyển dụng trên nhiều kênh thông tin, thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút lao động bằng các chính sách về chế độ lương, thưởng; tạo điều kiện cho người lao động vừa làm việc ở Công ty vừa cân đối được công việc gia đình…”- Bà Phạm Thị Hà nói.

Để khắc phục tình trạng khan hiếm lao động, nhiều doanh nghiệp may lớn đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Ông Đinh Quốc Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Great Global International, KCN Gián Khẩu (Gia Viễn) cho biết: Đặc thù trong ngành may mặc là tình trạng biến động lao động. Hiện nay, Công ty đang có gần 2 nghìn lao động. Để bù đắp lượng công nhân thiếu hụt, đồng thời đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, Công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm hàng trăm lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông.

Để tuyển dụng được số lao động này, Công ty đã triển khai khá nhiều giải pháp như: Gửi chỉ tiêu tuyển dụng về tận các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Viễn và một số huyện lân cận; đăng nhu cầu tuyển dụng trên fanpage của Công ty và đặc biệt là gửi chỉ tiêu tuyển dụng đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để thông tin rộng rãi đến người lao động trong và ngoài tỉnh… Tuy vậy, việc tuyển dụng lao động cũng chưa có nhiều khả quan.

Theo lý giải của đại diện doanh nghiệp thì hiện nay người lao động có khá nhiều sự lựa chọn với rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ hoạt động trong lĩnh vực may mặc, cuộc cạnh tranh nhân lực rất khó khăn. Bởi vậy, để chủ động thực hiện các đơn hàng lớn, đảm bảo đúng thời hạn và chất lượng theo yêu cầu thì một giải pháp được xem là “sống còn” của các doanh nghiệp may mặc, đó chính là đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, thay thế sức lao động của con người. Đầu tư về công nghệ, kỹ thuật và phương pháp sản xuất để rút ngắn thời gian sản xuất.

Tuy nhiên, việc tìm nguồn nhân lực có tay nghề để đáp ứng nhu cầu công việc cũng rất khó. Năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành dệt may đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Số lượng đơn hàng cho những tháng cuối năm tăng cao, nhiều doanh nghiệp đang ráo riết tuyển dụng lượng lớn lao động để mở rộng sản xuất.

Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, những tháng cuối năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp may mặc lên tới hàng nghìn lao động. Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh triển khai các giải pháp như: Thông báo, đăng tải thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin (Đài truyền thanh, cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, Sàn giao dịch việc làm…) để người lao động có nhu cầu biết và đăng ký tuyển dụng; phối hợp với các tỉnh lân cận hỗ trợ tuyển dụng lao động thông qua phiên giao dịch việc làm liên tỉnh…

Còn theo các chuyên gia, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, căn cơ nhất là doanh nghiệp cần chú trọng cải thiện mức lương cùng với các chế độ phúc lợi đi kèm, cải thiện môi trường làm việc… để thu hút và giữ chân được người lao động làm việc gắn bó, ổn định.

Theo Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH